Tiêu biểu như bác sĩ Lê Thị Thanh Hòa (sinh năm 1942), trú tại thành phố Quảng Ngãi, nguyên là Chủ nhiệm khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Hà Nội (năm 1968), bác sĩ Hòa đăng kí đi B và được cử vào chiến trường Quảng Ngãi làm việc.
Sau khi đất nước thống nhất, bác sĩ Hòa về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho đến lúc về hưu. Bác Hòa tâm sự “Những năm kháng chiến, tôi cùng các bác sĩ đã đi khắp các địa phương trong tỉnh để khám chữa bệnh cho cán bộ chiến sĩ. Hồi đó đi lại nguy hiểm, vất vả, khó khăn nhưng vui và tình cảm”.
Suốt những năm công tác, bác sĩ Hòa luôn tận tâm với nghề, còn khi đã về hưu, bác sĩ Hòa cũng không mở phòng khám tư mà tham gia công tác từ thiện tại Phòng khám châm cứu từ thiện thành phố Quảng Ngãi. Hàng nghìn bệnh nhân nghèo đã được bác sĩ Hòa cùng các y, bác sĩ ở Phòng khám này khám, cấp thuốc miễn phí, châm cứu, bấm huyệt.
Bà Nguyễn Thị Hòa, trú tại phường Trần Hưng Đạo chia sẻ: "Tôi bị đau lưng, đau vai gáy, cũng đã đi khám nhiều nơi nhưng chưa khỏi. Được bạn bè giới thiệu tới phòng khám từ thiện này nên tôi đến thử. Hiện tôi đã châm cứu được 2 tuần và thấy bệnh đỡ được khoảng 70% rồi. Đến đây khám các y, bác sĩ rất nhiệt tình, chu đáo. Bác sĩ Hòa dù tuổi cao nhưng lúc nào cũng thăm khám rất cẩn thận, tỉ mỉ".
Gần 30 năm trong nghề và 21 năm làm công tác từ thiện, bác sĩ Lê Thị Thanh Hòa luôn là người bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân, được mọi người yêu quý. Đến nay dù tuổi cao, sức khỏe đã yếu nhưng bác Hòa vẫn chưa muốn nghỉ ngơi, vì theo bác còn sức khỏe, còn minh mẫn thì còn muốn phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tại thôn Nước Min, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây có y tá Đinh Văn Rây, dù đã về hưu nhưng vẫn luôn hết lòng với những người bệnh ở vùng cao. Hàng ngày, ông Rây cùng với chiếc túi y tế đã cũ mèm theo thời gian, đi khắp các khu dân cư của xã Sơn Mùa để xem có người cần giúp đỡ hay không. Không chỉ khám mà còn tư vấn sức khỏe tại nhà và cách sử dụng thuốc. Nhờ đó, y tá Rây với kinh nghiệm lẫn cách nói chuyện gần gũi, luôn làm người dân tin tưởng nghe theo.
Chị Đinh Thị Thanh, xã Sơn Mùa cho biết: "Từ ngày có bác Rây cả làng này bớt đau ốm. Vì bác Rây không chỉ khám, chữa bệnh mà còn chỉ vẽ cho mình cách vệ sinh, ăn uống để giữ sức khỏe. Còn chỉ mình biết khi đau bệnh phải đến trung tâm y tế, không được cúng bái, mê tín".
Ông Đinh Văn Rây bước vào nghề y từ năm 1985, giai đoạn đồng bào vùng cao khi có bệnh vẫn còn tin vào việc cúng bái trừ tà hơn các y, bác sĩ. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Rây từng là Trưởng trạm Y tế xã Sơn Mùa lúc đấy đã giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của y tế hiện đại. Nhận thức của dân làng đã thay đổi rõ rệt, từ chỗ tránh né mỗi khi y tá Rây đến nhà khuyên nhủ, thì nay mọi việc liên quan đến sức khỏe, nhiều hộ đồng bào luôn tìm đến ông để được tư vấn.
“Tôi muốn đồng bào quan tâm đến sức khỏe của mình, không phải đến khi bệnh nặng mới đi khám. Vì vậy, đến với đồng bào thường xuyên, tôi mong góp phần phát hiện ra những triệu chứng bệnh để họ kịp thời chữa trị. Chăm sóc sức khỏe cho người dân là niềm vui của tôi. Hơn nữa, đi lại như vậy cũng giúp tôi khỏe hơn”, y tá Rây tâm sự.
Dù đã đến tuổi xế chiều, y tá Đinh Văn Rây lại đóng góp cho ngành y với vai trò như một y tế thôn bản. Tất cả bầu nhiệt huyết, kinh nghiệm hơn 40 năm gắn bó với y tế vùng cao được ông truyền lửa lại cho thế hệ đi sau. Ở ông, tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc là tấm gương sáng cho những người trẻ noi theo.
Y tá Nguyễn Thị Sinh, Trạm Y tế xã Sơn Mùa cho biết: "Khi bác Rây còn là Trạm trưởng thì bác cũng hết lòng vì người bệnh, là tấm gương để đồng nghiệp học tập. Khi nghỉ hưu bác Rây vẫn không ngừng nghỉ ngơi mà đến từng nhà, hỏi thăm sức khỏe từng người để tư vấn sức khỏe cho mọi người".
Nhìn lại những thành tích mà bác sĩ Lê Thị Thanh Hòa cũng như y tá Đinh Văn Rây đã đạt được trong quá trình công tác, nhưng họ vẫn luôn khiêm tốn vì những gì mình đã cống hiến. Với họ, nghề y sở dĩ là nghề cao quý do một phần sự tận tâm, đam mê không ngừng nghỉ của người thầy thuốc dù ở bất cứ lứa tuổi nào.