Những ngày hè bổ ích, ý nghĩa của học sinh vùng nông thôn, vùng xa

Dù đang trong những ngày hè, nhiều trường học tại tỉnh Nghệ An vẫn mở cửa. Nhiều thầy cô giáo cần mẫn đem tri thức, giáo dục kỹ năng sống cho học trò. Mùa hè của cô trò bổ ích, ý nghĩa hơn.

Chú thích ảnh
Các em học sinh đọc sách trong dịp hè. Ảnh: TTXVN phát

Tại huyện miền núi cao Tương Dương, những thư viện mi ni mở tại nhà thầy giáo, cô giáo, điểm trường lẻ, nhà văn hóa cộng động đang được nhân rộng và duy trì nhiều năm nay. Để đáp ứng được nhu cầu đọc sách của học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã kết nối với nhiều tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm vận động được hàng nghìn cuốn sách cho học trò.

Bà Võ Tuyết Chinh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết, so với vùng trung tâm, học sinh tại các huyện vùng cao còn nhiều thiệt thòi. Vì thế, ngành chủ trương mở cửa trường học, đưa thư viện đến từng thôn, bản nhằm thực hiện chương trình phát triển văn hóa đọc trong học sinh. Mục đích chính không chỉ tăng cường Tiếng Việt, kỹ năng giao tiếp cho học sinh dân tộc thiểu số mà còn tạo không gian an toàn, thiên thiện, tích cực để các em hoạt động dịp hè.

Tại Trường Trung học Phổ thông Thanh Chương 3, huyện Thanh Chương, sau khi khai trương “Ngôi nhà trí tuệ”, nhà trường quyết định mở cửa phòng đọc sách xuyên suốt 3 tháng hè để học sinh trong trường và vùng lân cận có nơi đọc sách, tra cứu tài liệu, ôn tập.

Chú thích ảnh
Thư viện mini của Trường Tiểu học Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) vẫn hoạt động phục vụ các em học sinh trong dịp hè. Ảnh: TTXVN phát

Thầy giáo Lê Văn Quyền, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Thanh Chương 3 cho biết, không chỉ tổ chức tại trường, nhà trường dự kiến đem sách và triển khai Ngày hội đọc sách cho học sinh ở các xã tái định cư của huyện để giao lưu, khích lệ văn hóa đọc sách trong học sinh cũng như bà con dân tộc thiểu số.

Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trường Tộ là một trong những ngôi trường đầu tiên ở thành phố Vinh đưa môn bơi lội trở thành môn học thể dục chính thức của nhà trường. Học sinh bắt đầu học bơi từ năm lớp 10 và kéo dài sang lớp 11. Các em học bơi trong tiết thể dục để đạt mục tiêu, trước khi ra trường, học sinh có thể bơi thành thạo. Từ tháng 6 tới nay, ba bể bơi trong nhà trường gần như kín lịch học sinh theo học.

Thầy giáo Nguyễn Lương Ngọc, Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trường Tộ cho biết, thiếu kỹ năng bơi là nguyên nhân chính của các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em. Bởi hầu hết các vụ tai nạn đuối nước dẫn đến tử vong, nạn nhân đều không biết bơi. Một số rất ít học sinh biết bơi nhưng vẫn thiệt mạng thường do thiếu kỹ năng xử lý tình huống dưới nước. Vì thế, khi tổ chức dạy bơi, nhà trường cố gắng trang bị cho các em kỹ thuật bơi cơ bản, nâng cao và kỹ năng an toàn trong môi trường nước, góp phần phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho học sinh.

Chú thích ảnh
Dạy bơi cho học sinh tại trường THPT Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh (Nghệ An). Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều trường học trong toàn tỉnh xây dựng bể bơi, tổ chức nhiều lớp học bơi cho học sinh trong và ngoài dịp hè. Từ nguồn xã hội hóa, nhiều địa phương như Nghi Lộc, Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai đã đầu tư bể bơi khang trang, hiện đại tại các trường, giúp học sinh có điều kiện tiếp cận bộ môn bơi và trang bị kỹ năng cơ bản xử lý tình huống bất ngờ trong môi trường nước.

Ở một số trường học khác, cùng với mở lớp học bơi trong nhà trường, năm nay, nhiều trường còn đa dạng hóa hoạt động như tổ chức Câu lạc bộ dân ca, dân vũ, Câu lạc bộ Tiếng Anh, Câu lạc bộ bóng đá để học sinh vùng nông thôn, vùng xa vẫn có những ngày hè bổ ích, sôi động, học mà chơi, chơi mà học.

Việc mở cửa trường học trong dịp hè là chủ trương của ngành Giáo dục và Đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khuyến khích các nhà trường tạo điều kiện cho học sinh được sử dụng cơ sở vật chất của đơn vị như thư viện, nhà thể chất, sân vận động, bể bơi để học sinh có thể vào ôn tập, đọc sách, đọc báo, tra cứu tài liệu, tập luyện và vui chơi.

Bích Huệ (TTXVN)
Xóa ‘mù bơi’ cho trẻ nhờ xã hội hóa
Xóa ‘mù bơi’ cho trẻ nhờ xã hội hóa

Việc dạy bơi cho trẻ hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn do các địa phương không có hoặc thiếu hồ bơi. Khắc phục hạn chế này, một số địa phương đã có những cách làm sáng tạo, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đầu tư bể bơi di động luân chuyển đến các trường học để dạy trong dịp hè.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN