Người lính trăn trở tìm lại tên cho đồng đội

Đến nay, dù đã 74 tuổi nhưng cựu chiến binh Đào Thiện Sính vẫn tiếp tục rong ruổi khắp các nghĩa trang tìm kiếm các phần mộ liệt sỹ thất lạc.

Nặng lòng với những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, cũng như mong muốn tìm lại hài cốt của người anh trai đã hy sinh nơi chiến trường phía Nam, suốt hơn 40 năm qua, cựu chiến binh Đào Thiện Sính trú tại thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đã đến hơn 230 nghĩa trang từ Quảng Trị vào miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ tìm kiếm; viết hơn 40.000 bức thư gửi đến hàng vạn gia đình, thân nhân liệt sỹ báo tin giúp họ tìm thấy 5.000 phần mộ liệt sỹ bị thất lạc. Đến nay, dù đã 74 tuổi nhưng ông vẫn tiếp tục rong ruổi khắp các nghĩa trang tìm kiếm các phần mộ liệt sỹ thất lạc, báo tin cho các thân nhân đến xác nhận và quy tập về nghĩa trang các địa phương. 

Chú thích ảnh
Ông Đào Thiện Sính hàng năm đi đến các nghĩa trang trong cả nước để tìm phần mộ anh trai và các liệt sĩ, sau đó gửi thông tin đến hàng nghìn xã trong cả nước để xác nhận thông tin. Ảnh: TTXVN phát

Những năm tháng lặn lội tìm phần mộ anh trai

Vào một ngày tháng 4 oi ả, trong căn phòng nhỏ khoảng 10 m2 tại thị trấn Khánh Vĩnh huyện Khánh Vĩnh, ông Đào Thiện Sính đăm chiêu lật dở từng trang giấy để tìm thông tin về các phần mộ liệt sỹ nơi các nghĩa trang ông đã đi qua để tổng hợp gửi thư đi đến các gia đình đang mong mỏi thông tin về hài cốt của người thân.

 Ông Sính sinh năm 1947 trong gia đình truyền thống cách mạng thuộc xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 20 tuổi (năm 1967), ông Sính xung phong nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị thuộc đơn vị C4, Đoàn 4, Bộ tư lệnh thông tin liên lạc. Cùng năm ông nhập ngũ, gia đình ông nhận được tin báo anh trai của ông là Đào Chí Nguyện đã anh dũng hy sinh ở Mặt trận phía Nam.

“Trước tin báo, mẹ tôi ở quê nhà đã khóc ngất đi, dòng nước mắt cạn khô với tột cùng nỗi đau. Sau bao nhiêu năm mòn mỏi chờ đợi, hài cốt của anh trai tôi vẫn chưa được tìm thấy. Tâm nguyện của mẹ tôi chưa được hoàn thành", ông Sính trải lòng. 

Trong quá trình công tác ông Sính được điều chuyển đến rất nhiều đơn vị, dù bận rộn khó khăn, nhưng từ năm 1976 ông Sính bắt đầu dành thời gian để đi đến các nghĩa trang tìm kiếm phần mộ của anh trai. “Trong những lần đi tìm mộ anh trai tôi thấy ở các nghĩa trang có hàng nghìn liệt sỹ sinh Bắc, tử Nam, có tên tuổi, quê quán, nhưng người thân không hề hay biết. Là người lính, có anh trai hy sinh nên tôi thấu hiểu nỗi đau của các gia đình khi mất đi người thân. Bởi thế, mỗi lần đến nghĩa trang tôi nảy ra ý định chép lại các thông tin trên phần mộ và báo tin cho người thân của các liệt sĩ, nếu may mắn họ sẽ tìm được người thân thất lạc”, ông Sính chia sẻ.

Đã hơn 40 năm đi tìm kiếm hài cốt anh trai, trải qua nhiều tháng ngày vất vả nhưng điều ước tìm thấy phần mộ anh mình vẫn chưa thể trở thành hiện thực. “Từ ngày biết anh trai mất, cứ mỗi ngày, người thân trong gia đình tôi chỉ mong thư ai đó báo tin anh tôi được chôn cất ở đâu để đến đón anh về”, ông Đào Thiện Sính xúc động nói. 

Cầu nối giúp hàng nghìn thân nhân tìm được phần mộ liệt sĩ 

Ông Sính cho biết, từ năm 1976, ông khăn gói đến từng nghĩa trang, cẩn thận ghi chép đầy đủ thông tin liệt sỹ được ghi trên bia mộ rồi gửi thư đến tận gia đình thân nhân liệt sỹ, chính quyền địa phương để báo tin. Từ năm 1976 đến 2006, mỗi năm người lính già ấy đi từ 3 đến 5 lần, nhưng từ năm 2007, khi nghỉ hưu, ông đi thường xuyên hơn, có những chuyến kéo dài cả tháng. Chi phí cho mỗi chuyến đi và những lá thư gửi báo tin đều lấy từ đồng lương hưu ít ỏi của ông. Thấy việc làm ý nghĩa, vợ con ông Sính cũng tích cực hỗ trợ, sau này ngành bưu điện cũng miễn phí cho những lá thư ông gửi, cũng có một vài mạnh thường quân hỗ trợ phần nào kinh phí để đi lại.

Chú thích ảnh
Ông Đào Thiện Sính nhận khen thưởng vì có nhiều đóng góp tìm hài cốt liệt sĩ. Ảnh TTXVN phát

Ông Đào Thiện Sính, khẳng định: Tính đến nay, ông đã đến hơn 230 nghĩa trang liệt sỹ từ Quảng Trị tới các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, cẩn thận ghi chép tên, tuổi, quê quán của 30.000 liệt sỹ. Nhiều trường hợp có đủ thông tin thôn, xã, ông gửi thư đến tận gia đình. Các trường hợp chỉ có tên huyện, thị xã, ông gửi về Phòng, Ban Thương binh – Xã hội của tỉnh, huyện đó để xem xét, làm rõ. Đến nay, ước tính ông Sính đã gửi hơn 40.000 bức thư báo tin, trong đó hàng nghìn bức thư đến tận tay gia đình, thân nhân liệt sỹ, giúp khoảng 5.000 gia đình tìm được phần mộ người thân.

Để các gia đình tìm được phần mộ của liệt sỹ, có lần ông Sính phải gửi hàng nghìn lá thư ra Bắc cho hàng nghìn xã để xác minh xem thông tin phần mộ có phải là liệt sỹ của gia đình họ đang tìm kiếm hay không.

Trong số 5.000 gia đình tìm được mộ liệt sỹ, có những trường hợp rất đặc biệt và ông Sính phải mất rất nhiều thời gian đi xác minh, phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương. Điển hình như liệt sỹ Phạm Văn Minh, quê quán xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, ông phải đến tận nơi xác minh 4 lần. Hay liệt sỹ Nguyễn Đức Bính ở Nghĩa trang đường 9 Quảng Trị, ông không quản đường xa tới tận nơi xác minh và viết nhiều lá thư báo tin đến chính quyền địa phương và gia đình thân nhân. Một trường hợp khác liệt sỹ Nguyễn Đức Bảy quê ở Thường tín, Hà Tây, ông phải viết tới 7.000 lá thư báo tin cho gia đình thân nhân thì mới nhận được thư hồi âm. 

Trong hành trình ông Sính gửi thư cho các gia đình để xác nhận thông tin, cũng có những lá thư nhận được hồi âm, nhưng cũng có nhiều lá thư bặt vô âm tín, có trường hợp đến nhiều năm sau mới liên lạc lại cho ông Sính để tìm thông tin phần mộ.

Chị Hoàng Thị Nhung, là cháu ngoại của liệt sỹ Trần Đình Cuông quê ở Lý Nhân, Hà Nam cho biết gia đình chị mất hơn 30 năm để  đến nhiều nghĩa trang trong cả nước tìm phần mộ của liệt sỹ nhưng không thấy. Sau đó nhận được thư của ông Sính, gia đình đã kết nối và may mắn tìm được phần mộ của cậu tại nghĩa trang Trà Võ, Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Chị Nhung xúc động chia sẻ phải khó khăn lắm gia đình mới hoàn thành được ước nguyện của ông bà ngoại trước khi mất.

Riêng ở Khánh Hòa, nhờ những lá thư của ông Đào Thiện Sính gửi, gần 250 gia đình liệt sỹ đã tìm được mộ phần người thân. Có thể kể đến những liệt sỹ như: Lương Thanh (Vĩnh Trường, Nha Trang), Đặng Văn Tưởng (Vĩnh Hiệp, Nha Trang), Hoàng Văn Thìn...

Ngoài ghi chép, viết thư báo tin, ông Đào Thiện Sính còn tham gia cùng các gia đình đưa phần mộ liệt sỹ về quê hương. “Mỗi lần đưa các Anh hùng, liệt sỹ về quê hương, tôi vui mừng khôn xiết. Chỉ cần đồng đội được yên nghỉ nơi quê nhà, tôi quyết tâm, tình nguyện làm việc này đến khi trút hơi thở cuối cùng. Tôi chỉ mong ước ở chốn linh thiêng anh trai tôi có hiển linh hãy báo tin để gia đình đưa anh về đất mẹ, hoàn thành ước nguyện của mẹ tôi và gia đình”, ông Sính tâm sự.

Nhiều năm nay số điện thoại (0918.79.39.18) của ông Sính vẫn không thay đổi, có tháng ông nhận khoảng 500 cuộc gọi từ người thân của các liệt sỹ trong cả nước để hỏi thông tin về phần mộ liệt sỹ.

Ông Mấu Văn Phi, Bí thư huyện ủy Khánh Vĩnh ghi nhận, đánh giá cao nghĩa cử, tấm lòng của ông Sính đối với người anh, người đồng đội, để có thể giúp hàng nghìn thân nhân liệt sỹ hoàn thành tâm nguyện.

Với những việc làm nhân văn, cao cả vì đồng đội trong nhiều năm, ông Đào Thiện Sính được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa nhiều lần tặng bằng khen, giấy khen. Ông là một tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thanh Vân (TTXVN)
Hành trình không mỏi của Đội quy tập mộ liệt sỹ K93
Hành trình không mỏi của Đội quy tập mộ liệt sỹ K93

Gần 20 năm qua, những người lính Đội K93 - Đội chuyên trách trong việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia và trong nước đã và đang ngày đêm tìm kiếm để đưa hài cốt liệt sỹ, đưa các chú, các anh đã ngã xuống và yên nghỉ trên đất bạn Campuchia sớm trở về với đất mẹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN