Lan tỏa ý nghĩa nhân văn Chương trình 'Mẹ đỡ đầu'

Với tấm lòng yêu thương và sẻ chia, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã nhận đỡ đầu hàng trăm trẻ em mồ côi, dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ đó, các em có thêm điểm tựa vững chắc, mạnh mẽ vượt qua nghịch cảnh, cố gắng học tập, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Chú thích ảnh
Trẻ em mồ côi tại tỉnh Đắk Lắk được tham gia hoạt động Team-building nhằm gắn kết tình cảm với các Mẹ đỡ đầu. 

Yêu thương bằng cả trái tim

Năm 2020, mẹ của em H Nguyệt Ênuôl (buôn Cuah, xã Ea Na, huyện Krông Ana) mất vì bệnh hiểm nghèo. Bố bị mù hai mắt, sống cùng ông bà, nên hai chị em H Nguyệt phải ở với bác. Gia đình thuộc diện cận nghèo, cuộc sống cơ cực lại càng túng thiếu hơn khi mẹ là trụ cột chính lại bị bệnh. Từ khi mẹ mất, hai chị em đứng trước nguy cơ bỏ học vì gia đình bác gái cũng không khá giả.

Niềm vui đến với hai chị em H Nguyệt Ênuôl khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Na kết nối Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Năm 2022, hai chị em được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Ana nhận đỡ đầu với tổng mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng trong vòng một năm. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã còn tặng xe đạp, quần áo, sách vở… và thường xuyên đến thăm hỏi, động viên các em.

Em H Nguyệt Ênuôl xúc động cho biết, em thấy rất vui vì được các mẹ đỡ đầu tặng xe đạp, quần áo, sách vở… Từ đây, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành con ngoan, trò giỏi.

Trong ngôi nhà cũ dột nát, trước đây, bốn chị em Y Quang Niê (sinh năm 2010, buôn Ea Bô, xã Cư Bông, huyện Ea Kar), nương tựa nhau sống qua ngày. Bố mẹ lần lượt qua đời vì bệnh hiểm nghèo, nên người chị gái sinh năm 2000 dù mới lấy chồng vẫn phải nuôi dưỡng ba em thơ. Gia đình người chị gái đã nghèo nay lại càng túng thiếu hơn khi vừa phải chăm sóc con nhỏ, vừa lo cho các em. Tài sản gia đình không có gì ngoài căn nhà cũ và ít sào đất được cấp.

Niềm vui đến với bốn chị em khi năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Kar nhận đỡ đầu cho hai em là Y Quang Niê và H’Yon Niê (sinh năm 2014) với mức 300.000 đồng/cháu/tháng đến năm 18 tuổi. Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện kết nối, vận động xây ngôi nhà “Mái ấm tình thương” cho các em với kinh phí 80 triệu đồng.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Kar Vũ Thị Thanh Giang, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” rất ý nghĩa, có tính nhân văn cao, đã giúp nhiều trẻ mồ côi có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã khảo sát, nắm bắt từng hoàn cảnh, kết nối các nhà hảo tâm, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Đến nay, Hội đang nuôi dưỡng 47 cháu từ cấp huyện đến cơ sở, với mức hỗ trợ 300.000 đồng/cháu/tháng đến năm 18 tuổi. Vào các ngày lễ, Tết, các mẹ đỡ đầu cũng thường xuyên chăm sóc, động viên, tặng các nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết thực cho các cháu. Đặc biệt, vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã kết nối xây dựng được hai ngôi nhà “Mái ấm tình thương” cho trẻ mồ côi với tổng kinh phí 180 triệu đồng. Từ đây, các em có mái nhà che mưa, che nắng.

 “Hoạt động kết nối ở đây không dừng lại ở việc hỗ trợ tiền, gạo, hay thỉnh thoảng đến cho quà mà được cán bộ Hội thực hiện bằng cái tâm, thường xuyên hỏi thăm giống như con của mình”, bà Vũ Thị Thanh Giang chia sẻ.

Tại Đắk Lắk có 18 trẻ mồ côi cha, mẹ do COVID-19 và 2.279 trẻ mồ côi vì các nguyên nhân khác; trong đó có 679 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, Chương trình “Mẹ đỡ đầu" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó, vừa xoa dịu nỗi đau, trở thành điểm tựa vững chắc để các em mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, bước tiếp đến tương lai.

Bằng nhiều phương pháp, cách làm khác nhau, cán bộ, hội viên phụ nữ đã có những việc làm ý nghĩa, thiết thực. Các em mồ côi được quan tâm, hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng. Sau hai năm triển khai, đến nay, có 685 trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh đã được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân, các cấp Hội Phụ nữ nhận đỡ đầu, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 7,8 tỷ đồng.

Lan tỏa tình yêu thương

Chú thích ảnh
Trẻ em mồ côi tại tỉnh Đắk Lắk được tham gia hoạt động Team-building nhằm gắn kết tình cảm với các Mẹ đỡ đầu. 

Ea Na là xã còn nhiều khó khăn của huyện Krông Ana. Toàn xã có trên 50 trẻ mồ côi cha, mẹ và nguyên nhân khác, có hoàn cảnh rất khó khăn.

Theo chị Hoàng Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Na, Chương trình “Mẹ đỡ đầu" được Hội triển khai từ đầu năm 2022. Đến nay, qua quá trình kết nối, phối hợp với các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm có hai em được Hội Nữ trí thức tỉnh đỡ đầu 300.000 đồng/tháng trong một năm; hai em được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Ana đỡ đầu 200.000 đồng/tháng trong hai năm và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Na đỡ đầu bốn em, mỗi em 200.000 đồng/tháng trong một năm.

Ngoài việc huy động tiền hỗ trợ cho các em theo tháng, Hội còn vận động sách vở, quần áo, đồ dùng học tập… để các em đến trường. Từ tình trạng có thể phải bỏ học, thì nay, nhờ có sự đỡ đầu giúp đỡ từ phía Hội, các em  đã có xe đạp, cặp, sách vở đi học. Hiện, trên địa bàn xã, những em mồ côi cha hoặc mẹ, hoặc cả cha và mẹ đều được cắp sách đến trường, không có em nào phải bỏ học.

“Trong quá trình triển khai, chương trình còn khó về kinh phí. Tuy nhiên, với mục đích lan tỏa nhằm hỗ trợ hơn nữa những hoàn cảnh khó khăn, thông tin về các em được Hội đăng tải trên các trang mạng xã hội. Qua đó, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quan tâm, hưởng ứng. Chúng tôi cũng cố gắng hết mình, mong kết nối thêm được nhiều hơn nữa để tạo điều kiện hỗ trợ các em”, bà Hoàng Thị Hằng chia sẻ.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Kar Vũ Thị Thanh Giang khẳng định, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” không chỉ lan tỏa trong các cấp Hội Phụ nữ, mà còn có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Ea Kar, tạo sự đồng thuận cao. Từ đó, chương trình ngày càng lan tỏa, các hoạt động của Hội luôn được tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đồng hành thực hiện. Những hỗ trợ đã phần nào giúp đỡ, tạo điều kiện để các em có đủ kiến thức, kỹ năng, tự tin bước vào cuộc sống. Tại huyện Ea Kar, chương trình đỡ đầu thực hiện xuyên suốt đến khi các em đến 18 tuổi.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk Tô Thị Tâm cho biết, “Mẹ đỡ đầu” là chương trình rất nhân văn, ý nghĩa, kêu gọi toàn xã hội chung tay giúp đỡ trẻ mồ côi. Ngoài trực tiếp hỗ trợ cho các em hàng tháng bằng kinh phí, các cấp Hội còn tiếp thêm tinh thần trong khoảng thời gian nhất định, từ 1 năm, 2 năm hoặc đến khi đủ 18 tuổi...

“Chúng tôi mong muốn kêu gọi sự chung tay toàn xã hội thông qua nguồn quỹ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh để hỗ trợ các em. Mong rằng các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận thức được việc đỡ đầu không chỉ là nhận trực tiếp chăm sóc cho các em mà còn hỗ trợ qua nhiều kênh, hình thức khác nhau như học bổng, vật chất, tinh thần… Từ đó, các em được xoa dịu những mất mát, thiếu hụt, vượt qua khó khăn trong cuộc sống”, bà Tô Thị Tâm chia sẻ.

Sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần, sự sẻ chia, góp sức của các mẹ đỡ đầu, các nhà hảo tâm đã và đang giúp trẻ mồ côi có thêm điểm tựa, tình yêu thương để vững tin hơn trên hành trình tương lai, thực hiện ước mơ của mình và phát triển toàn diện trong tình yêu thương của cộng đồng.

Bài và ảnh: Nguyên Dung (TTXVN)
Những người mẹ đỡ đầu nâng bước cho trẻ mồ côi
Những người mẹ đỡ đầu nâng bước cho trẻ mồ côi

Sau hơn 1 năm triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu", hàng nghìn trẻ mồ côi đã được nhận đỡ đầu, hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN