Đặc biệt, những người “Mẹ đỡ đầu” đã giúp trẻ cảm nhận được vòng tay ấm áp, đầy tình yêu thương để có thể tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Ấm áp tình người
Cháu Trần Bàn Long (10 tuổi, xóm Lộc, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc) có hoàn cảnh khá đặc biệt. Mẹ mất vì bạo bệnh đã hai năm, bố sức khỏe yếu lại vướng vào vòng lao lý, bỏ lại Long cho ông bà nội tuổi cao, thường xuyên đau yếu. Chị Đào Ngọc Thủy, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Hoàng Long, thành phố Nam Định đã không chút đắn đo khi trở thành “Mẹ đỡ đầu” của cháu. San sẻ yêu thương, động viên, chị Thủy sẽ chu cấp mỗi năm 5 triệu đồng hỗ trợ Long vượt lên hoàn cảnh.
Ông Trần Quang Hồng (ông nội của Long) xúc động, gần hai năm qua nếu không có sự động viên, giúp đỡ của “mẹ Thủy” và chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ, chắc Long khó có thể theo học bởi kinh tế gia đình rất khó khăn. Khi chưa nhận được sự hỗ trợ, số tiền học phí, chi phí mua sách vở đồ dùng học tập, quần áo không quá lớn nhưng một số thời điểm gia đình phải đi vay tiền của người thân, xóm giềng để lo cho cháu. Từ khi Long có người đỡ đầu, chúng tôi yên tâm vì không phải lo cháu có thể bị gián đoạn việc học.
Chị Đào Ngọc Thủy cho hay, Long là một trong 20 trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh mà chị đang nhận hỗ trợ, giúp đỡ. Long là trường hợp có hoàn cảnh éo le và khó khăn nhất. Ông bà nội đã già, sức yếu, không còn khả năng lao động, không có khả năng chăm lo cho cháu. Long không có góc học tập, không có bàn học tập. Đồ dùng học tập cũng chẳng có gì ngoài mấy quyển vở ghi và sách giáo khoa. Với mong muốn xoa dịu những mất mát, thiệt thòi của các cháu, mỗi năm tôi trích 10% lợi nhuận từ hoạt động của công ty để hỗ trợ các cháu.
Là một trong những trường hợp đặc biệt khó khăn, mẹ bị nhiễm chất độc da cam, không có khả năng lao động, cháu Nguyễn Thái Nam (8 tuổi ở xóm đội 1, xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường) được Hội Phụ nữ xã đỡ đầu từ tháng 10/2022. Mỗi tháng Nam được nhận 300 nghìn đồng.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Thượng Mai Thị Vân cho biết, thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội đã huy động các nguồn xã hội hóa, kêu gọi nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn, những người xa quê thành đạt ủng hộ được hơn 18 triệu đồng, hỗ trợ 5 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 300.000 đồng/tháng/cháu. Hiện Hội Phụ nữ xã đang rà soát, xem xét những cháu có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời giúp đỡ cũng như tiếp tục vận động nguồn lực hỗ trợ được nhiều cháu hơn.
Chung tay kết nối yêu thương
Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, từ đầu năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định đã rà soát, lập danh sách các trường hợp cần hỗ trợ và xác định hình thức hỗ trợ phù hợp.
Hội Phụ nữ các cấp đã thực hiện song song việc đóng góp, gây quỹ và kêu gọi tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ, nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, giúp các cháu có môi trường phát triển tốt hơn. Bám sát thực tế tại địa phương, nhu cầu của từng cháu để Hội đưa ra phương án hỗ trợ bằng tiền mặt, thực phẩm, đồ dùng học tập với mức từ 200.000 - 800.000 đồng/cháu/tháng, thời gian hỗ trợ từ 1-5 năm hoặc lâu hơn.
Qua rà soát của các cấp Hội Phụ nữ, toàn tỉnh có 1.060 trẻ mồ côi. Trong đó, 183 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ; 877 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ (có 3 trẻ mồ côi do dịch COVID-19). Sau gần 1 năm triển khai chương trình này, các cấp Hội đã vận động tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm nhận đỡ đầu cho 211 trẻ mồ côi, tổng số tiền huy động gần 760 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Minh Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định cho biết chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của cán bộ, hội viên phụ nữ và các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong tỉnh, khẳng định ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, chung tay, góp sức cùng chính quyền các cấp giúp đỡ, chăm lo, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Để chương trình thực sự lan tỏa và có tính bền vững, thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục hình thành mạng lưới quản lý chương trình; rà soát lại số trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhằm kịp thời hỗ trợ; tăng cường kết nối, huy động ngày càng nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đồng hành hỗ trợ.
Các cấp Hội đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân hiểu ý nghĩa của chương trình, từ đó huy động sự chung tay, vào cuộc của mọi người nhằm giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt thiệt thòi, yên tâm học tập, rèn luyện, trở thành người có ích cho xã hội.