Những người mẹ đỡ đầu nâng bước cho trẻ mồ côi

Sau hơn 1 năm triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu", hàng nghìn trẻ mồ côi đã được nhận đỡ đầu, hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Chú thích ảnh
Các mẹ đỡ đầu trong Hội Phụ nữ đã trở thành chỗ dựa của nhiều trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.

Đã có “mẹ” yêu thương, chăm sóc

“Con có muốn đến trường đi học giống các anh chị không?”, nghe bà Vân- người nhận làm mẹ đỡ đầu hỏi, cậu bé N.M.T, 7 tuổi, còi cọc cúi xuống gật đầu rồi lại khẽ lắc đầu. Trong ánh mắt đứa trẻ thiếu tình thương yêu của bố mẹ, trường học vẫn còn ở rất xa…

Bà Phùng Thị Vân (chi hội phụ nữ phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) quay sang tôi buồn bã: “Khổ, thằng bé đã không có bố, lại bị mẹ bỏ rơi từ khi chưa đầy một tuổi, cháu vẫn chưa có giấy khai sinh, thì việc đăng ký đi học cũng khó. Chúng tôi đang phải vận động gia đình lo thủ tục để cháu được đến trường”.

Cháu N.M.T là một trong những trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Tân Mai; cháu đang ở cùng người bác và bà ngoại bị tai biến. Tất cả gánh nặng gia đình, nuôi cháu nhỏ đều dồn lên vai người bác với gánh hàng vặt.

“Tôi mong hàng tháng đỡ đần được một chút cho cháu để cháu có được manh quần, tấm áo. Mỗi lần đến nhà thăm cháu, cho cháu quà, hỏi thăm cháu, ai cũng phải ngậm ngùi”, bà Vân xúc động.

Bởi vậy, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ phường phát động mô hình “Mẹ đỡ đầu” và kêu gọi sự chung tay, ngay lập tức, bà Phùng Thị Vân đã tham gia với mong muốn đóng góp chút tấm lòng nhỏ nhoi để nhận đỡ đầu cho các cháu. Gần một năm nay, bà Vân đã nhận làm mẹ đỡ đầu của bé T. và 5 trẻ khác trong phường. Là “mẹ đỡ đầu”, bà Vân gần gũi, thân quen cũng như người thân của bé.

“Gia đình tôi đã rất thân quen với việc hàng tháng bà Vân và chị em trong Hội Phụ nữ đến nhà thăm hỏi và tặng kinh phí cho cháu. Cháu còn nhỏ, nhưng cũng cảm nhận được tình cảm đó, cháu quý bà Vân và các mẹ lắm. Tôi nhiều tuổi, sức đã yếu lại phải chăm sóc mẹ già bệnh tật, có thêm kinh phí hàng tháng cũng đỡ được phần nào cho gia đình, cháu cũng đỡ tủi”, bác của bé T. cho biết.

Nhắc đến người mẹ đỡ đầu của các trẻ mồ côi, khó khăn, chị Nguyễn Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Mai cho biết: Qua những tấm lòng chung vai gánh sức như chị Phùng Thị Vân, chúng tôi mong muốn kết nối để mang tới cho các cháu mồ côi, hoàn cảnh khó khăn có được sự hỗ trợ, để các cháu vượt qua khó khăn. Hiện chúng tôi đang hỗ trợ hàng tháng cho mỗi cháu với mức 500.000 đồng/tháng cùng với các phần quà vào các dịp, động viên thăm hỏi thường xuyên các cháu và gia đình. Phần kinh phí cho 6 trẻ mồ côi, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn hiện đều do “mẹ Vân” hỗ trợ. Nhất là vào dịp lễ Tết, mẹ đỡ đầu và chi hội phụ nữ càng quan tâm hơn, để cho các cháu bớt đi những thiệt thòi”.

Bố mất từ khi mới được 1 tuổi, mẹ đi thêm bước nữa, ở với ông bà nội già yếu, hoàn cảnh của cháu L.Q.Đ (sinh năm 2011, ở Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội) khiến ai cũng phải xót xa. Hoàn cảnh khó khăn khiến cháu phải gián đoạn học tập suốt 2 năm. Biết đến hoàn cảnh của cháu, các hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lệ Chi đã nhận đỡ đầu cháu Đ. học hết trung học phổ thông, chuyển hồ sơ cho con về huyện Gia Lâm để được tiếp tục đi học. Các mẹ trong Hội Phụ nữ thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ ông bà và cháu Đ.. Đặc biệt, chị Phạm Thị Dịu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lệ Chi cũng mẹ đỡ đầu của con, ngày ngày đồng hành, động viên con đi học, đưa đón sau giờ học ở trường.

“Biết có các mẹ đồng hành, được đi học trở lại, tôi thấy con vui lắm. Chúng tôi cũng rất mừng vì sau thời gian giãn cách không được đi học, giờ đâu con đã có sự tiến bộ rõ rệt; phần thưởng tôi cho con đi mua quần áo mới, con rất vui khiến chúng tôi cũng yên tâm phần nào”, chị Phạm Thị Dịu kể.

Không chỉ cháu Đ., Hội Liên hiệp phụ nữ xã Lệ Chi cũng đang nhận đỡ đầu 3 cháu mồ côi với sự hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập, riêng trường hợp cháu Đ. còn đỡ đầu cả tiền ăn bán trú, sinh hoạt hằng ngày, mỗi tháng khoảng 700.000 đồng.

Chú thích ảnh
Bà Phùng Thị Vân là mẹ đỡ đầu của bé N.M.T.

“Mẹ đỡ đầu” là chương trình rất ý nghĩa, mang tính chất nhân văn sâu sắc. Cùng các con, hành trình yêu thương này là tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách; chúng tôi cũng mong muốn các cháu luôn cố gắng, bởi các cháu luôn có sự đồng hành của Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp với các cháu thì các cháu sẽ có thêm động lực học hành, tiến bộ, tương lai tươi sáng hơn”, chị Nguyễn Thị Kim Thu cho biết.

Không để trẻ mồ côi nào bị bỏ lại phía sau

“Không để trẻ mồ côi nào bị bỏ lại phía sau. Hãy hành động vì một tương lai hạnh phúc, tươi sáng của các em", đó là lời kêu gọi của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khi phát động triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu".

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sau 1 năm triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu", các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở đã trở thành cầu nối trực tiếp đẩy mạnh việc kết nối, vận động, tích cực tham gia hưởng ứng, trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

Theo đó, tính đến cuối năm 2022, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ đã vận động được tổng số tiền trên 87 tỷ đồng; hỗ trợ, đỡ đầu cho 16.612 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 2.991 trẻ mồ côi do COVID-19. Đặc biệt, nhiều địa phương đạt tiêu chí 100% trẻ mồ côi do COVID-19 trên địa bàn có mẹ đỡ đầu, hầu hết trẻ mồ côi do COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Với chương trình này, các con sẽ không chỉ có thêm một người Mẹ, mà sẽ có thêm nhiều người ông, người bà, người cha, người chị, có thêm một mái ấm gia đình với những tình cảm, sự quan tâm, chăm lo cho các con về vật chất và tinh thần. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” thực sự là cầu nối yêu thương, đưa những tấm lòng nhân ái đến gần và đồng hành cùng trẻ mồ côi, hướng tới tương lai tốt đẹp cho các con”.

Theo đó, để chương trình “Mẹ đỡ đầu” hiệu quả, bền vững và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, cần có các giải pháp cụ thể trong công tác rà soát, kết nối đối tượng, bồi dưỡng nâng cao năng lực của “Mẹ đỡ đầu” và vận động chính sách, huy động nguồn lực để thực hiện chương trình.

Cụ thể, Chương trình cần tiếp tục đẩy mạnh, tuyên truyền rộng rãi; tiếp tục thực hiện công tác rà soát, khảo sát sát đối tượng, đảm bảo tiêu chí đỡ đầu, giúp đỡ kịp thời đúng đối tượng. Các đơn vị phối hợp với các ngành chức năng xác minh thông tin của trẻ mồ côi và người nuôi dưỡng đảm bảo đúng yêu cầu của pháp luật và quy định của nhà tài trợ. Đồng thời, cần vận động, kết nối hỗ trợ cho trẻ em mồ côi; kết nối tổ chức, cá nhân, nhất là cán bộ, hội viên, phụ nữ tại địa phương nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi cùng với gia đình và người đại diện chăm sóc thay thế; quan tâm chăm sóc trẻ hàng ngày về sức khỏe, tâm lý, tình cảm…

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các Mẹ đỡ đầu, đặc biệt là các kiến thúc, kỹ năng về chăm sóc trẻ, kỹ năng sống an toàn; kết nối tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề… Đồng thời, tiếp tục huy động sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành để có được nguồn lực tổng hợp trong việc hỗ trợ, chăm sóc các trẻ mồ côi khó khăn…

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Nhiều hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
TP Hồ Chí Minh: Nhiều hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Nhân kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 – 8/3/2023), các đơn vi, sở ngành đã có nhiều chương trình, hoạt động sôi nổi nhằm tri ân, tôn vinh sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN