Ngay trong ngày đầu tiên ra mắt, Ban tổ chức đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 35 tấn gạo các loại.
Máy "ATM gạo" được Công ty cổ phần cơ khí Tây Ninh thiết kế, hỗ trợ thi công và lắp đặt với công suất thiết kế 250 lượt/ngày, tương đương 500 kg gạo/ngày Theo đó, mỗi hộ có hoàn cảnh khó khăn được nhận 2 kg gạo trong ngày. Mỗi người dân đến nhận gạo sẽ được hệ thống camera của máy nhận diện gương mặt tự động, cùng một mã định danh theo thứ tự để quản lý, tránh trường hợp một người nhận gạo hai lần trong ngày. Theo quy định, người đến nhận gạo phải đeo khẩu trang và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch ở nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu là 2 mét.
Được nhận gạo miễn phí, bà Nguyễn Thị Xuyến, 73 tuổi, ngụ tại xã Tân Hòa, huyện Tân Châu (Tây Ninh) xúc động cảm ơn Ban tổ chức. Bà Xuyến cho biết, do cuộc sống mưu sinh bà phải rời quê đến thành phố Tây Ninh để bán vé số dạo. Từ ngày thực hiện tạm dừng phát hành vé số để phòng, chống dịch COVID-19, cuộc sống của bà trở lên khó khăn. Mặc dù các công ty xổ số có hỗ trợ tiền cho người bán vé số trong dịp này nhưng do bà không có hộ khẩu trên địa bàn nơi bán vé số nên bà không được hưởng. Vì vậy, bà phải nương nhờ vào những “mạnh thường quân” cấp phát thực phẩm để sống qua ngày.
Bà Võ Thị Lấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên trà Tâm Lan, trụ sở tại huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết, ngày 21/4, xem trên mạng xã hội, bà thấy lời kêu gọi ủng hộ gạo cho "ATM gạo" tại Tây Ninh nên đã chủ động liên hệ với Ban tổ chức để ủng hộ 2 tấn gạo. Bà mong muốn chia sẻ một phần khó khăn với bà con nghèo trên địa bàn tỉnh mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là những người nghèo mưu sinh bằng nghề tự do.
Ông Võ Hùng Việt - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tây Ninh cho biết, sự thành công của "ATM gạo" ở Tây Ninh trước hết là nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các hội viên, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp ở Tây Ninh sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ bà con gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, sắp tới tại Tây Ninh sẽ tiếp tục có thêm 3 "ATM gạo" để hỗ trợ kịp thời cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vượt qua khó khăn.
* Không đồng một bó rau, không đồng một vỉ trứng, không đồng một hộp thịt... là hình thức hoạt động của mô hình Phiên chợ 0 đồng cho người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại huyện Long Thành, Đồng Nai. Mô hình do Huyện Đoàn Long Thành và các nhà hảo tâm phối hợp tổ chức.
Theo đại diện Huyện Đoàn Long Thành, Phiên chợ không đồng sẽ được tổ chức từ ngày 22/4, trong hai khung giờ 7 - 9 giờ và 15 - 17 giờ hàng ngày. Mỗi phiên chợ có 4 gian hàng nhu yếu phẩm và lương thực, thực phẩm để phát miễn phí cho người dân, thanh niên công nhân, người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn.
Trước mắt, Phiên chợ sẽ duy trì trong 10 ngày. Tùy theo tình hình dịch bệnh và sự hỗ trợ nhận được, Phiên chợ kéo dài tới khi hết dịch bệnh, cuộc sống trở lại bình thường để giúp mọi người giảm đi phần nào khó khăn.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN, ngay từ sáng sớm 22/4, người dân đã xếp hàng dài để chờ mua hàng miễn phí. Lực lượng chức năng có mặt để đảm bảo khoảng cách an toàn cho mọi người. Mỗi người dân khi vào chợ có thể chọn cho mình 4 nhu yếu phẩm cần thiết như rau củ, thịt cá, trứng, trái cây... tối đa cho 4 người trong một gia đình sử dụng trong ngày. Ngày hôm sau có thể tiếp tục tới phiên chợ để nhận thực phẩm cho tới khi chợ ngừng hoạt động.
Ông Trần Anh Tuấn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hơi ấm nhân sinh (huyện Long Thành, Đồng Nai), một trong những người tổ chức phiên chợ cho biết, trước đây Câu lạc bộ cũng thường xuyên phát gạo cho bà con bán vé số, người khuyết tật, công nhân thất nghiệp. Tuy nhiên, gần đây có nhiều đơn vị, nhà hảo tâm tổ chức các điểm phát gạo tự động cho người dân nhưng các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm lại chưa có. Do đó, Câu lạc bộ đã cùng phối hợp với Huyện Đoàn Long Thành lên phương án, tổ chức Phiên chợ không đồng để hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Lê Văn Lập (56 tuổi, ngụ tại huyện Long Thành, Đồng Nai) chia sẻ, trước đây ông thường được các nhóm từ thiện hỗ trợ các phần cơm trưa, tối, chủ yếu là các phần cơm chay. Nay các nhà hảo tâm tổ chức Phiên chợ không đồng để bà con được tự lựa chọn các loại thực phẩm mình cần, được tự chế biến món ăn, ông thấy rất tiện lợi, có ý nghĩa thiết thực với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Tương tự, bà Trần Thị Hanh (tạm trú tại thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai) trước đây kiếm ăn qua ngày. Gần 1 tháng nay thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, bà không có thu nhập nên cuộc sống rất khó khăn. Việc tổ chức phiên chợ thực phẩm không đồng có ý nghĩa rất lớn, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân. Hy vọng sẽ có thêm nhiều Phiên chợ không đồng được tổ chức để giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch bệnh như hiện nay.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Huyện Đoàn Long Thành, Đồng Nai cho biết: Phiên chợ không đồng được lên ý tưởng thực hiện trong vòng 3 ngày. Ngay khi đưa thông tin, kêu gọi hỗ trợ trên các trang mạng xã hội, chương trình đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực, huy động được sự ủng hộ bằng tiền mặt, hiện vật của các nhà hảo tâm. Phiên chợ này rất thiết thực trong mùa dịch bệnh để hỗ trợ người nghèo.
* Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn vừa ký quyết định bổ sung kinh phí thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông quyết định bổ sung gần 82 tỷ đồng cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố thực hiện hỗ trợ 3 nhóm đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 42 của Chính phủ gồm: Người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong tổng số gần 82 tỷ đồng UBND tỉnh Đắk Nông phân bổ để hỗ trợ có hơn 26 tỷ đồng trích từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh, phần còn lại (gần 56 tỷ đồng) thu từ quỹ dự trữ tài chính của tỉnh.
Được biết, toàn Đắk Nông sẽ có trên 120.000 nhân khẩu thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ số tiền 250.000 đồng/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng; gần 13.000 nhân khẩu là người có công cách mạng, đối tượng bảo hiểm xã hội được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, thời gian hỗ trợ là 3 tháng. Tổng kinh phí hỗ trợ hơn 110 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh gần 82 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách các huyện, thành phố.