Thực hiện Quyết định số 35/2021/QĐ-UBND ngày 15/9/2021 của UBND tỉnh Bình Phước về chính sách hỗ trợ cho sinh viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 105 lượt sinh viên người dân tộc thiểu số với kinh phí gần 600 triệu đồng. Trong hai năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022, Ban Dân tộc đã hỗ trợ 74 sinh viên với tổng kinh phí hơn 509 triệu đồng.
Cùng với các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ trực tiếp cho học sinh, sinh viên theo các văn bản của Trung ương, các chính sách hỗ trợ đặc thù từ nguồn ngân sách tỉnh, sinh viên người dân tộc thiểu số được hỗ trợ theo Quyết định số 35/2021/QĐ-UBND thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, sinh viên có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các xã thuộc vùng khó khăn, các xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới trên địa bản tỉnh. Qua đó, nhằm tạo điều kiện tốt nhất giúp người dân ở vùng, đồng bào dân tộc thiểu số từng bước tiếp cận, nâng cao và thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí với các khu vực khác trên địa bàn tỉnh bình Phước.
Hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, chi phí tàu, xe, khen thưởng thành tích học tập cho sinh viên người dân tộc thiểu số là chính sách đặc thù thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, động viên của lãnh đạo tỉnh Bình Phước; giúp các em học sinh dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trong cả nước có thêm chi phí chi tiêu sinh hoạt trong cuộc sống và có thêm điều kiện hoàn thành các chương trình học tập.
Phó Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước Điểu Nen cho biết: Trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình học sinh, sinh viên chưa nắm bắt được thông tin về chính sách hỗ trợ của tỉnh nên chưa tiếp cận được. Tuy nhiên, có thể khăng định đây là chính sách thể hiện sự quan tâm chia sẻ, động viên của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh với sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành có liên quan với Ban Dân tộc tỉnh nhằm góp phần giúp cho sinh viên người dân tộc thiểu số có thêm điều kiện tham gia hoàn thành chương trình học tại các trường Đại học, Cao đẳng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Chương trình góp phần không nhỏ trong việc nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số của tỉnh cũng như nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số trong tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững trên cơ sở nguyên tắc “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ”.
Tỉnh Bình Phước có 40 thành phần dân tộc thiểu số như S’tiêng, Khmer, Mnông, Tày, Nùng… chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh.