Qua triển khai thực hiện Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đóng góp to lớn cho phong trào ngày càng phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm kinh tế giỏi là phong trào trung tâm và mũi nhọn của Hội, được phát động mạnh mẽ đến từng hộ gia đình nông dân. Trong đó, 60% hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký thực hiện. Qua cuối năm bình xét, 2.455 hộ dân tộc thiểu số đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Từ các phong trào, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu, táo bạo, “dám nghĩ, dám làm” trong việc bứt phá tìm đường làm giàu hợp pháp, tích cực hoạt động vì cộng đồng, trở thành tấm gương sáng để bà con học tập, noi theo, như: ông Lầu Sy Nịp, Mã Dưỡng, Điểu X’Lây, Trần A Sám (huyện Phú Riềng); ông Lâm Bao, Chang S’Rây Đơ, Điểu Teng (huyện Chơn Thành); ông Điểu Hiếp, Vi Thúy Chung (thị xã Bình Long); ông Chu Văn Cửu, ông Lìu Cẩm Sau, ông Điểu Wứt (huyện Bù Đăng); ông Bế Văn Lập, thôn Cầu Sắt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia mập; Vi văn Hái, bà Cấn Thị Thăng (huyện Phú Riềng)…
Ngoài ra, nông dân dân tộc thiểu số tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm kinh tế giỏi còn đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước Đào Thị Lanh chúc mừng và biểu dương những thành tích nổi bật của cán bộ, hội viên nông dân các dân tộc trong tỉnh đạt được, ghi nhận, hoan nghênh những đóng góp quan trọng của các cấp Hội Nông dân vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh thời gian qua. Nhân dịp này, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn nữa để Hội Nông dân các cấp thực hiện và phối hợp thực hiện tốt hơn các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các cấp Hội Nông dân và phòng dân tộc các huyện tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, tổ chức thực hiện và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, các điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số ra diện rộng, nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội để mọi người cùng ghi nhận và tôn vinh, tạo điều kiện tốt hơn nữa để bà con hội viên, nông dân các dân tộc trong tỉnh tích cực tham gia phong trào nông dân phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn; thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Bình Phước là tỉnh có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, tỷ lệ dân số là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 20%. Bình Phước có 264 km đường biên giới giáp với Campuchia.