Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017: Khát vọng sáng tạo vì người khuyết tật

Với niềm đam mê sáng tạo, luôn nỗ lực không ngừng để học hỏi và trau dồi kiến thức, em Phạm Huy, lớp 12A3, Trường THPT thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã vượt qua những khó khăn, thử thách để thành công trên con đường nghiên cứu khoa học.

Với những cố gắng và đóng góp của mình, qua đề tài “Cánh tay rô-bốt dành cho người khuyết tật”, Phạm Huy đã được bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017 do Trung ương Đoàn và Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam tổ chức xét chọn.

Phạm Huy nghiên cứu lắp ráp các linh kiện điện tử.

Sau những giờ học trên lớp, Phạm Huy luôn dành thời gian để tập trung mày mò nghiên cứu các linh kiện điện tử và lập trình trên máy tính. Đối với Huy đây gần như là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của cậu học sinh yêu khoa học này. Sinh ra và lớn lên tại thôn Bích La Hậu, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, từ nhỏ, Phạm Huy đã rất thích thú với các loại máy móc, đồ điện tử. Từ những ổ đĩa, loa, máy tính hỏng cùng với ít dây điện và vật dụng liên quan, dưới bàn tay khéo léo, Huy đã sáng chế ra nhiều loại đồ chơi mới lạ khác nhau như: cung, nỏ, cối xay gió hay thuyền xốp chạy bằng pin, tên lửa nước… Chính nhờ có tài "chế tạo" đồ chơi hay vật dụng gia đình từ những đồ "đồng nát", nhiều người bạn đồng trang lứa rất vui khi chơi với Huy.

Ông  Phạm Xuân Đính (ba của Huy) kể: Từ nhỏ Huy đã thích tự mày mò, tìm tòi sáng tạo và tìm vật dụng để chế tạo nhiều đồ vật. Vì tôi làm nghề sửa xe máy nên trong nhà lúc nào cũng có sẵn các linh kiện điện tử, dụng cụ cơ khí. Huy rất thông minh và sáng tạo, lại thích sưu tầm những đồ điện tử hỏng để sáng chế đồ chơi, khi chơi chán thì lại tháo ra lắp đồ chơi mới.

Phạm Huy trong một giờ trên lớp.

Từ những món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ, Phạm Huy bắt đầu dự định sáng chế về một cánh tay mới dành cho người khuyết tật. Quảng Trị là một tỉnh nghèo, chịu nhiều hậu quả nặng nề sau chiến tranh, đặc biệt là số người bị khuyết tật rất lớn. Ngôi trường THPT Thị xã Quảng Trị nơi Phạm Huy đang theo học nằm sát bên di tích Thành cổ Quảng Trị, gắn liền với những chiến công oanh liệt trong mùa hè lịch sử đỏ lửa năm 1972. Rất nhiều anh hùng, liệt sỹ đã mãi mãi ngã xuống nhưng những cựu chiến binh đang còn sống vẫn đang mang trên mình những nỗi đau còn sót lại sau chiến tranh. Thấy được sự vất vả, thiệt thòi mà những cựu chiến binh và những người khuyết tật đang phải gánh chịu đã thôi thúc Huy có ý tưởng sáng chế ra một cánh tay rô-bốt có thể thực hiện được những thao tác đơn giản giúp người khuyết tật tay đều sử dụng được các hoạt động bình thường trong cuộc sống.

Ấp ủ suốt nhiều năm liền, Huy luôn cố gắng mày mò học hỏi, từ việc tự lên ý tưởng, tự nghiên cứu, thiết kế và thực hiện lắp ráp. Trải qua nhiều khó khăn, thử thách đến năm 2017, Phạm Huy đã chế tạo thành công cánh tay rô-bốt dành cho người khuyết tật. Cánh tay rô-bốt của Huy có trọng lượng khoảng 10 kg, được điều khiển bằng các vi mạch dưới lòng bàn chân, có thể thao tác nhịp nhàng, úp ngửa, co duỗi ngón tay cẳng tay, cầm nắm những đồ vật nặng... Cánh tay hoạt động theo nguyên lý hệ thống nhúng trường lực cơ và hoạt động như một cánh tay của người bình thường với 31 cử động, việc thiết kế, lắp đặt tương đối đơn giản. Cánh tay sử dụng nhựa PLA và công nghệ in 3D tạo tính thẩm mỹ cao.

Kể về quá trình sáng chế cánh tay rô-bốt Phạm Huy nhớ lại: Thành công ngày hôm nay không chỉ là kết quả của sự cố gắng nỗ lực của em mà đó là của cả gia đình, bạn bè và thây cô luôn ở bên động viên, ủng hộ và giúp đỡ. Quá trình từ ý tưởng đến khi hoàn thiện là một chặng đường dài gian nan và khó khăn. Ban đầu, do hạn chế về công nghệ nên em không biết bắt đầu từ đâu, sau khi thực hiện thiết kế bản 3D lại bị lỗi liên tục, khi lắp ráp và lập trình xong thì cánh tay rô-bốt không hoạt động được rồi 2 lần liên tiếp bị từ chối visa đi Mỹ. Bên cạnh đó, do nguyên vật liệu sử dụng để lắp ráp cánh tay robôt trong tỉnh không bán nên em phải đặt trên mạng rất mất thời gian.

Phạm Huy trong một giờ tự học ở nhà.

Nhiều lúc đặt hàng về chất lượng không được tốt hoặc không đúng với mục đích mà mình mua. Em thấy các sản phẩm sẵn có trên thị trường dành cho người khuyết tật hiện nay rất hạn chế chỉ hỗ trợ cho người bị mất một tay hoặc bàn tay mà giá thành rất cao. Do vậy, em rất muốn tạo ra một cánh tay có cấu trúc đơn giản mà hiệu quả, có giá thành rẻ có thể phù hợp với tất cả các dạng khuyết tật tay của người khuyết tật. Để đạt được những tiêu chuẩn đó, việc thiết kế và sử dụng nguyên vật liệu phù hợp gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, mọi khó khăn đã qua đều có cái giá của nó, chính điều đó đã giúp em kiên định hơn để cố gắng học tập và trau dồi kiến thức để mạnh mẽ bước tiếp trên con đường mình đã chọn.

Cánh tay rô-bốt của Huy đã được thử nghiệm, kiểm chứng nhiều lần với những người khuyết tật tại địa phương. Bằng sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, đề tài "Cánh tay rô-bốt dành cho người khuyết tật" của Phạm Huy đã đạt giải nhất cuộc thi cấp quốc gia khu vực phía Bắc, giải 3 cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế do Intel tổ chức (Intel ISEF) tại Mỹ vào tháng 5/ 2017.

Thầy Lê Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trưởng THPT Thị xã Quảng Trị cho biết: Em Huy là một học sinh giỏi luôn đạt thành tích cao trong học tập. Riêng trong năm học 2016-2017 em đạt học sinh giỏi toàn diện. Đặc biệt, em có thiên hướng phát triển về khoa học kỹ thuật mà trước hết đó là lòng đam mê và sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Với đề tài Cánh tay rô-bốt dành cho người khuyết tật là một sáng tạo có ý nghĩa nhân văn của bản thân em tự mày mò, lắp ráp, chế tạo ra với mục đích vì cộng đồng và quê hương, đất nước. Với những gì đã đạt được, nhà trường và các giáo viên tin rằng Phạm Huy sẽ thành công hơn nữa trên con đường nghiên cứu khoa học, sáng tạo nên nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao phục vụ cho những người yếu thế trong xã hội."

Đồng hành cùng với Huy trong những ngày thực hiện đề tài Cánh tay rô-bốt cho người khuyết tật, thầy Lê Công Long (Giáo viên môn Vật Lý, Trường THPT thị xã Quảng Trị) chia sẻ: "Em Huy là một học trò rất ngoan, thực sự đam mê theo con đường nghiên cứu khoa học. Trong quá trình phụ trách hướng dẫn em tôi thấy Huy rất giỏi trong lập trình tin học, kĩ năng kỹ thuật điện tử, đặc biệt công nghệ in 3D em đã tự mày mò học hỏi kết hợp giữa kĩ năng đồ họa máy tính và một số phần mềm khác để sáng tạo ra nhiều ý tưởng và sản phẩm hay. Có thể nói rằng những đề tài của Huy đều gắn liền với cuộc sống đời thường và mang ý nghĩa thực tiễn rất cao. Tôi nghĩ rằng với sự cố gắng, nỗ lực học hỏi và rèn luyện của Huy, trong thời gian tới, Huy sẽ sáng tạo ra được nhiều sản phẩm hay, thiết thực hơn nữa để ứng dụng rộng rãi trong xã hội…"

Phạm Huy chia sẻ, kết quả dành được ở các cuộc thi chưa phải là kết quả cuối cùng cho những ý tưởng của em mà sự hoàn thiện và tính ứng dụng của cánh tay rô-bốt trong cuộc sống người khuyết tật sẽ là điều quan trọng để em tiếp tục theo đuổi. Không hài lòng với những kết quả đã đạt được, hiện nay bên cạnh việc trau dồi kiến thức ở trên lớp, Phạm Huy vẫn đang tích cực tự học lập trình điện tử và thiết kế mô hình 3D ở trên mạng để thực hiện ước mơ trở thành lập trình viên về mảng rô-bốt. Qua đó, Phạm Huy có mong muốn cháy bỏng là chế tạo ra thật nhiều sản phẩm, thiết bị trợ lực, hỗ trợ dành cho người khuyết tật thân thể.

Thanh Thủy (TTXVN)
Tuyên dương 22 gương mặt trẻ triển vọng, tiêu biểu toàn quân năm 2017
Tuyên dương 22 gương mặt trẻ triển vọng, tiêu biểu toàn quân năm 2017

Tối 15/3, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ Tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN