Giữa thời điểm khó khăn về nguồn nước, bất kể ngày đêm, nhiều tổ chức, cá nhân đã "mang theo những dòng nước nghĩa tình" từ khắp nơi đổ về xứ Dừa cấp phát nước miễn phí. Nghĩa cử cao đẹp đó không chỉ phần nào giúp giải cơn khát giữa tiết trời “nắng như đổ lửa”, mà còn làm cho người dân vùng hạn mặn cảm thấy “mát lòng” vì tinh thần tương thân, tương ái của người dân Việt Nam.
Nghĩa tình trong hạn mặn
Một ngày cuối tháng 4, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bến Tre phối hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức chương trình trao nước ngọt, bồn chứa nước cho bà con xã An Định (Mỏ Cày Nam). 9 bồn chứa nước được trao tặng, dung tích 2m3/bồn đặt tại trụ sở UBND xã đã đầy ắp nước ngọt do xe bồn của các chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Công an tỉnh Bến Tre vận chuyển đến. Loa phóng thanh chốc chốc lại vang lên thông báo cho người dân đến nhận nước ngọt. Trong sân, rất đông người dân chờ lấy nước. Người cầm can, người chuẩn bị xe và dây ràng để chở nước. Dưới cái nắng nóng rát da, ai cũng nhễ nhại mồ hôi nhưng vẫn kiên trì chờ đợi để được mang nước về nhà.
Nghe tin có nước ngọt về xã, ba mẹ con chị Trương Thị Dưỡng ở ấp Phú Đông 1, xã An Định chở can đến nhận. Chị Dưỡng cho biết, từ Tết đến giờ nắng nóng liên tục. Hiện nước máy có vị mặn, gia đình chủ yếu dùng cho sinh hoạt, tắm, giặt chứ không dùng nấu ăn hay uống. Mấy ngày nay, gia đình phải mua nước bình về để nấu ăn từng bữa.
Còn tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, hơn 6.000 nhân khẩu trên địa bàn chủ yếu lấy nước tưới vườn tại các ao hồ, sông rạch và dự trữ nguồn nước mưa để sinh hoạt, ăn uống. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài, nguồn nước dự trữ dần cạn, trong khi độ mặn các nhánh sông lên cao, người dân phải chật vật vì thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình này, UBND xã linh động phủ bạt hai đáy ao làm hồ "dã chiến" để trữ nước với trữ lượng lớn khi được tiếp nhận từ các sà lan cứu "khát" cho người dân.
Bà Võ Thị Nha (62 tuổi, ở ấp 2, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm) cho biết, nghe thông tin về tình hình nắng nóng, hạn hán, gia đình đã chủ động trữ và xài nước tiết kiệm, nhưng đến nay nguồn nước ngọt dự trữ trong các thùng phuy cũng cạn kiệt. Các thành viên trong gia đình chấp nhận tắm, giặt bằng nước mặn. Bà Nha chia sẻ, đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Người khá một chút sẽ mua nước bình về xài nhưng những người chạy ăn từng bữa như bà thì chi phí mua nước cũng là gánh nặng. Nhận được nước, bà Nha rất mừng và cảm ơn các nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ người dân những lúc khó khăn.
Trên chuyến hành trình mang theo 600 m3 nước ngọt và 250 bình nước lọc (loại 20 lít) đến với người dân ấp 2B, xã Nhơn Thạnh (thành phố Bến Tre) và xã đảo Hưng Phong (huyện Giồng Trôm), chị Lâm Thị Hồng Yến (An Giang) cho biết, nghe thông tin vùng hạn mặn Bến Tre cần nước sinh hoạt, chị vận động người thân hỗ trợ bà con những dòng nước mát lành.
Chị Yến cho hay, có đến tận nơi mới cảm nhận được những khó khăn khi thiếu nước sinh hoạt của người dân địa phương. Lượng nước này tuy không đáng kể so với nhu cầu hiện tại, nhưng cũng phần nào hỗ trợ người dân. Chứng kiến niềm vui của người dân khi chở từng thùng nước về sử dụng, chị cũng vui theo và cầu mong mưa thuận, gió hòa để họ bớt khó khăn.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có khoảng 165 điểm cấp nước ngọt miễn phí cho người dân, tập trung ở các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Chợ Lách, Thạnh Phú, Châu Thành, Bình Đại, trong đó, có 123 điểm cấp nước qua hệ thống RO. Ngoài ra, trên các tuyến đường, các dòng xe liên tục lăn bánh mang theo những giọt nước nghĩa tình đến người dân vùng hạn, mặn.
Chủ động biện pháp ứng phó phù hợp
Theo thông tin mới nhất từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, tính đến ngày 2/5, trên sông Cửa Đại, độ mặn 4 ‰ xâm nhập đến ấp Long Thạnh, xã Giao Long (huyện Châu Thành), cách cửa sông 42,1km; độ mặn 1 ‰ xâm nhập đến ấp An Phú Thạnh, xã An Khánh (huyện Châu Thành), cách cửa sông 55,4km. Còn trên sông Hàm Luông, độ mặn 4 ‰ xâm nhập đến ấp Hòa Chánh, xã Sơn Hòa (huyện Châu Thành) và ấp Thanh Xuân 1, xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 54,4km; độ mặn 1 ‰ xâm nhập đến Ấp Phú Luông, xã Tân Phú (huyện Châu Thành) và ấp Long Huê, xã Long Thới (Chợ Lách), cách cửa sông 68,2km. Trên sông Cổ Chiên, độ mặn 4 ‰ xâm nhập đến ấp Phú Hữa, xã Cẩm Sơn (huyện Mỏ Cày Nam), cách cửa sông 36km; độ mặn 1 ‰ xâm nhập đến ấp Tân Nhuận, xã Nhuận Phú Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 52,3km.
Giữa lúc xâm nhập mặn, nắng nóng trên địa bàn tỉnh Bến Tre kéo dài, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể và phù hợp. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn bảo đảm linh hoạt, hiệu quả.
UBND tỉnh Bến Tre cũng đề nghị các sở, ban, ngành và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt, đánh giá khả năng nguồn nước cấp cho sinh hoạt (bao gồm cả nguồn dự phòng) để chủ động tổ chức các giải pháp bảo đảm cấp nước. Các đơn vị tăng cường kết nối hệ thống cấp nước sinh hoạt với nguồn nước bền vững từ hồ chứa nước ngọt, công trình thủy lợi; nghiên cứu giải pháp dự phòng nguồn nước, tăng cường kết nối giữa các nhà máy nước, mạng lưới cấp nước.
Các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong dài hạn; tổ chức theo dõi trữ lượng và chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt; có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt, báo cáo UBND tỉnh cho phép khai thác vượt hạn mức theo giấy phép khai thác để đảm bảo đủ nước cấp cho sinh hoạt trong thời kỳ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
UBND tỉnh Bến Tre đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương có liên quan rà soát Kế hoạch về phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2023 - 2024 và phương án kèm theo để tham mưu chỉnh sửa, bổ sung (nếu có) nhằm bảo đảm cụ thể triển khai thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Đồng thời, ngành chức năng tỉnh tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn người dân tuân thủ khuyến nghị, cảnh báo của ngành trồng trọt không xuống giống lúa vụ Hè Thu 2024 ở các vùng chưa có nguồn nước ngọt ổn định, chỉ tổ chức canh tác khi đã xuất hiện mưa trên diện rộng hoặc ở vùng có nguồn nước bảo đảm cung cấp ổn định.
Các đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang được đầu tư xây dựng đối với vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để kịp thời đưa vào khai thác, vận hành…