Những ngày này đang là cao điểm thu hoạch vụ lúa Xuân ở Thái Bình. Giữa cái nắng chói chang, tiếng máy gặt của anh Phan Quốc Cường vẫn rền vang trên khắp các cánh đồng xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương. Do yêu cầu việc thu hoạch phải được thực hiện khẩn trương để chuẩn bị bước vào vụ mới nên công việc của anh bắt đầu từ sáng sớm đến tối muộn. Dù vất vả nhưng gương mặt của anh luôn ánh lên niềm vui bởi vụ lúa Xuân năm nay được mùa, được giá.
Năm 2019 sau khi xuất ngũ trở về địa phương, cũng như nhiều thanh niên trẻ ở các vùng nông thôn khác, anh Phan Quốc Cường loay hoay tìm việc làm. Không lâu sau đó, anh được nhận vào làm công nhân may cho một nhà máy ở gần nhà. Nhưng với tính cách năng động của thanh niên, anh quyết định nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội việc làm khác. Sau nhiều trăn trở, anh quyết tâm lựa chọn nông nghiệp để khởi nghiệp.
Anh Cường tâm sự, là người sinh ra và lớn lên ở nông thôn, gắn bó với đồng ruộng nên khi thấy những cánh đồng “bờ xôi ruộng mật” trước kia bị bỏ hoang nhiều, anh cảm thấy tiếc. Với quyết tâm “hồi sinh” lại những cánh đồng, năm 2021, anh mạnh dạn thuê lại một số diện tích người dân không cấy để tập trung sản xuất.
Ông Phan Thanh Hạp, bố của Phan Quốc Cường chia sẻ, quyết định của Cường khiến mọi người trong gia đình lo lắng. Nhưng thấy con quyết tâm, gia đình lại tiếp tục động viên con cố gắng, thêm cơ hội phấn đấu.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Cường chia sẻ, với người trẻ khi bắt tay làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp quy mô lớn sẽ vấp phải không ít khó khăn bởi vừa thiếu vốn, vừa thiếu kinh nghiệm. Trong khi đó, ruộng hoang, khó canh tác cần mất nhiều thời gian, công sức để cải tạo lại. Tuy vậy, bằng tâm huyết và nỗ lực không ngừng học hỏi, dần dần anh Phan Quốc Cường cũng tìm được hướng đi để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, trong đó xác định phải cơ giới hóa toàn bộ các khâu sản xuất để giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả, giảm các chi phí sản xuất.
Thời gian đầu tích tụ ruộng đất, anh kết hợp với gia đình cấy 4 mẫu ruộng, đến năm 2021 phát triển lên 5 mẫu, tới nay diện tích tích tụ đã lên tới 47 mẫu, tập trung ở các cánh đồng xã Vũ Lễ và xã Vũ Sơn (huyện Kiến Xương).
Sau hơn 3 năm khởi nghiệp, đến nay “gia tài” của anh gồm 2 máy cấy, 4 máy cày, 1 máy gặt, 1 thiết bị bay không người lái phun thuốc sâu, máy cuốn rơm, máy cắt băm cỏ với tổng trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Hệ thống máy móc do anh trang bị không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình mà còn phục vụ nhu cầu gieo cấy, thu hoạch cho hàng trăm hộ dân trong và ngoài tỉnh.
Là thanh niên trẻ năng động, anh còn tổ chức thu mua, bao tiêu thóc tươi cho hơn 200 mẫu ruộng của một số đại điền và bà con nông dân xã Vũ Lễ, Vũ Sơn, Quang Bình (huyện Kiến Xương).
Ông Trần Đình Sót (thôn Man Đích, xã Vũ Lễ) chia sẻ, từ ngày có các loại máy nông nghiệp của anh Phan Quốc Cường, công việc nhà nông đỡ vất vả hơn nhiều, nhất là vào cao điểm mùa vụ, người dân địa phương không còn phải khó khăn đi tìm máy gặt ở nơi khác.
Không chỉ canh tác lúa, anh còn kết hợp nuôi bê và bò thương phẩm. Với mô hình làm nông nghiệp kết hợp chăn nuôi, bình quân mỗi năm thu về trên 600 triệu đồng.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh cho biết, vụ lúa tới sẽ thử nghiệm làm lúa giống, đồng thời mở rộng diện tích tích tụ, hướng tới thành lập mô hình Hợp tác xã để mở hướng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.
Năm 2023, anh Phan Quốc Cường tham gia Câu lạc bộ Đại điền tỉnh Thái Bình, trở thành một trong những đại điền 9X trẻ tuổi nhất. Đây là cơ hội giúp anh tích lũy thêm kinh nghiệm, phục vụ phát triển mô hình nông nghiệp của bản thân.
Ông Đỗ Anh Dân, Chủ tịch Câu lạc bộ Đại điền tỉnh Thái Bình đánh giá, Câu lạc bộ hiện có gần 700 thành viên, trong đó tập hợp các hộ tích tụ ruộng đất từ 45 - 50 mẫu. Nếu trước đây tham gia Câu lạc bộ chủ yếu là những người có thâm niên gắn bó với nông nghiệp thì nay đã xuất hiện nhiều đại điền trẻ như Phan Quốc Cường. Với thế mạnh về lực lượng thanh niên trẻ, năng động có khả năng tiếp cận thông tin, làm chủ công nghệ tốt, những mô hình nông nghiệp đại điền của thanh niên trẻ tại địa phương đang mở ra những hướng phát triển mới, giúp ngành nông nghiệp từng bước chuyển mình với những gam màu mới.