Cha mất sớm, mẹ lấy chồng khác rồi đi làm ăn xa, phải sống nhờ gia đình nhà chú ruột, cuộc sống của Hoàng Văn Dính, năm nay 28 tuổi, dân tộc Mông ở thôn Lũng Vai, xã Cần Nông, huyện Thông Nông, Cao Bằng vất vả từ nhỏ. Nhưng anh đã tự mình vươn lên trở thành một nông dân sản xuất giỏi, một bí thư chi bộ gương mẫu.
Hoàng Văn Dính được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014”.
|
Ở với chú, nhà nghèo không có cơm ăn, áo mặc, nhưng chú vẫn cho Dính đi học được hết lớp 9, sau đó Dính ở nhà làm nương rẫy với chú. Đến lúc lập gia đình, Dính được chú cho 2 ha đất để trồng ngô.
Dính kể: “Có 2 ha, nhưng đất chẳng được là bao, chủ yếu là đá, hai vợ chồng tôi làm cật lực, một năm vẫn bị đứt bữa mấy tháng. Thấy ở nhiều nơi họ trồng được cam, quýt, mình cũng nghĩ tới, nhưng chưa có đường giao thông, trồng cũng không biết bán cho ai. Năm 2009, vợ chồng tôi bàn nhau, đánh liều vay Ngân hàng Chính sách xã hội được 35 triệu đồng mua bò về nuôi”.
Chưa có kinh nghiệm về nuôi bò, Dính lên xã hỏi cán bộ khuyến nông cách chăm sóc. Cũng nuôi thả bò trên núi, nhưng Dính là người đầu tiên trong thôn trồng cỏ, làm lán để bò có thức ăn và chỗ tránh rét. Cứ thế, từ chỗ có 3 con bò, đến nay Dính đã có 34 con, con nhỏ bán được 30 triệu, con to được hơn 50 triệu. Có tiền từ nuôi bò, trồng trúc, trồng ngô, đỗ tương, Dính có điều kiện để sửa sang nhà cửa, mua sắm các vật dụng trong gia đình. Đời sống gia đình đã khá hơn, Dính nghĩ tới giúp cho các hộ khác trong thôn.
Thấy Dính cũng có chữ nghĩa, biết làm ăn và sẵn sàng giúp người khác, người dân trong thôn và chính quyền xã tin tưởng bầu Hoàng Văn Dính là Bí thư chi bộ của thôn. Ở cương vị mới, Bí thư Dính vận động được nhiều gia đình không rời bỏ quê hương đi làm thuê trái phép bên Trung Quốc, bởi ở nhà nếu chịu khó làm ăn vẫn có thể khá lên được, mà còn được gần gia đình, họ hàng. Dần dần, đến nay đã có 52 người quay trở về. Nhờ nói được, làm được, Bí thư Dính cũng đã thuyết phục được 15 hộ dân di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà.
Bài và ảnh: Minh Phúc