Chia sẻ tại Hội thảo "Năm đầu tiên thực thi UKVFTA: Thành tựu nổi bật và Định hướng sắp tới" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 15/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực. Nhờ có hiệp định này mà kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh đã đạt được kết quả khả quan.
Ở chiều xuất khẩu, lượng hàng hóa trị giá hơn 5,7 tỷ USD đã được xuất khẩu sang Anh, tăng 16%, Còn nhập khẩu từ Anh sang Việt Nam tăng 24 % so với cùng kỳ.
“Đóng góp to lớn nhất của Hiệp định này là nhất giúp quan hệ thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh không bị gián đoạn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Ngay năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, nhiều sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, đã tận dụng được ưu đãi thuế quan sang thị trường này. Nhiều mặt hàng của Việt Nam tăng trưởng tốt như hạt tiêu, rau quả… đã có kim ngạch xuất khẩu tăng tốt. Cùng với đó, trong hiệp định cũng dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan bổ sung, nhập khẩu miễn thuế một số hàng hóa bổ sung vào Vương quốc Anh, nhiều sản phẩm được bảo hộ tại quốc gia này, tạo tiền đề cho các sản phẩm này thâm nhập sâu vào thị trường Anh”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết thêm, về phía nhà nước, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động để bộ ngành thực thi, trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu nội dung của hiệp định, sau đó tìm hiểu quy định của Vương quốc Anh với hàng nhập khẩu, qua đó, hoàn thiện sản phẩm hàng hóa của mình để đáp ứng yêu cầu của Vương quốc Anh, thường xuyên nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.
“Sau khi rời khỏi Liên minh Châu Âu thì Vương quốc Anh đang tích cực đàm phán các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác trên thế giới, trong đó có một số nước ASEAN, nên lợi thế cạnh tranh chúng ta đang có sẽ sớm mất đi nếu Vương quốc Anh có hiệp định với các quốc gia khác, nên cần nhanh chóng thâm nhập vào thị trường này. Tiềm năng của thị trường này còn rất lớn”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Đánh giá thêm về hiệp định, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian thực thi còn tương đối ngắn để có đánh giá đầy đủ nhưng quá trình thực thi đã đem lại kết quả thiết thực với cả 2 bên.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm đầu tiên sang Vương quốc Anh đã tăng trên 16%, là mức tăng khá so với các thị trường khác. Nhiều nhóm mặt hàng có tăng trưởng khá, đặc biệt là nhóm hàng rau quả, hạt tiêu có mức tăng trưởng cao. Nhiều mặt hàng chế biến chế tạo cũng có tăng trưởng cao như máy móc, thiết bị tăng trưởng xuất khẩu 16%...
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Anh sang Việt Nam cũng có tăng trưởng đáng kể. Hiệp định UKVFTA là mốc đưa quan hệ thương mại dôi bên lên tầm cao mới. Năm đầu thực thi xuất khẩu từ Anh sang Việt Nam tăng 23,6%. Đây là mức tăng mạnh so với các thị trường khác.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), doanh nghiệp Việt đã tận dụng tương đối tốt hiệp định này, tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp hiểu biết về hiệp định chưa cao, nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng được tốt hiệp định này.
“Để tận dụng tốt UKVFTA, việc đầu tiên doanh nghiệp mong chờ các cơ quan, bộ ngành là thông tin về các cam kết cũng như cách thức tổ chức, thực hiện. Không phải chỉ câu chuyện hạn ngạch là bao nhiêu, ngoài hạn ngạch là thế nào mà là cơ chế để được cấp hạn ngạch như thế nào. Câu chuyện liên quan đến thực thi về cơ chế để thực thi cam kết không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả cơ quan quản lý nhà nước nhiều khi cũng lúng túng”, bà Trang cho hay.
Đại diện VCCI nhấn mạnh, không phải cứ có hiệp định là tự nhiên sẽ có thị trường hay khác hàng mà nó còn thông qua nỗ lực lâu dài của câu chuyện tìm hiểu thông tin thị trường, nhu cầu người dùng cũng như các quy chế khác, hiểu các quy định để tuân thủ…Cùng với đó, cơ quan quản lý cần tạo cơ chế và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.