Theo Bộ Công Thương, sau một năm UKVFTA có hiệu lực tạm thời, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Anh đã có những tăng trưởng tốt. Số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy, 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Anh đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Việt Nam thặng dư thương mại 4,46 tỷ USD.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 5,24 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng tốt. Dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lần lượt là các mặt hàng: sắt thép (1.183%); cao su (82,3%); nông sản (70,8%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (60,3%); hạt tiêu (48%); phương tiện vận tải và phụ tùng (35,3%); gốm sứ (35,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (21%). Bên cạnh những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục, vẫn có nhóm hàng có kim ngạch giảm đáng kể như thủy sản; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; dây điện và cáp điện.
Bộ Công Thương nhận định, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu thị trường giảm và cuộc khủng hoảng vỏ container kéo dài từ đầu năm 2021 thì kết quả xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cả năm 2021 có thể nói là “kỳ tích”. Trong kỳ tích đó, Hiệp định UKVFTA đóng vai trò đòn bẩy vững chắc, nhờ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau ngày 1/1/2021, nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh vượt trội tại thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác. Nguyên nhân chính là những nước này chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Vương quốc Anh.
Ngược lại, xuất khẩu của Anh 11 tháng đầu 2021 sang Việt Nam đạt 778.178.006 USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng nhập khẩu từ Anh có tốc độ tăng trưởng lớn nhất lần lượt như kim loại thường khác (637%); điện thoại các loại và linh kiện (184%); nguyên liệu dệt, may, da giày (38,1%); dược phẩm (34,2%); ô tô nguyên chiếc các loại (23,1%).
Mức tăng trưởng thương mại kỳ vọng cho cả năm 2021 và 2022 dự báo khả quan khi kinh tế Anh phục hồi cộng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam và sự tiếp sức, hướng dẫn của cá chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại. Trong đó, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Anh, châu Âu, đồng thời tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các các Tập đoàn phân phối lớn như Tesco, Sainburry, Whole Foods, Waitrosse, Mark & Spencers, Liddle, Cosco, Aldi, Strada, Westmill.
Đặc biệt, doanh nghiệp phải chủ động được công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Anh.
Trong thời gian tới, ngoài công tác thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Anh, Ireland nhằm tăng cường xuất khẩu sang Anh, Ireland và các công việc thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, trong quý 1, Thương vụ Việt Nam tại Anh sẽ tổ chức Hội thảo “đánh giá 1 năm thực hiện UKVFTA: những khó khăn trở ngại và giải pháp khắc phục” trong Chương trình JETCO. Còn Quý 2, dự kiến sẽ tổ chức Diễn đàn “Cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam" và tham gia Hội nghị và triển lãm: “Housing Conference & Exhibition” (28 - 30/6/2022) tại Manchester Central Convention để giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu vật liệu xây dựng, nội thất... đến các đối tác Anh vào quý 3.
Dự kiến, cuối năm 2022, Thương vụ Việt Nam tại Anh tham dự Hội thảo và triển lãm: Food & Hospitality Ireland 2022 tại Hội trường Royal Dublin Society (dự kiến ngày 3/11/2022) nhằm xúc tiến thương mại nông sản, bánh kẹo, thực phẩm chế biến, đồ uống của các doanh nghiệp Việt Nam.