Đây là Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3 tháng 9 năm 2015, giao Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện.
Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tuyến với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; các tập đoàn phân phối lớn như: Aeon, Walmart, Central Retail, Lotte, Mega Market; Cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại nước ngoài; các hiệp hội các ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, việc xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài là một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững.
Với sự hỗ trợ của các tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, nội thất, dệt may... đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp trên toàn thế giới.
Hội nghị cũng đã phân tích những kết quả đạt được trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, thông qua việc đánh giá tính hiệu quả của các hoạt động triển khai đề án như hoạt động đào tạo nâng cao năng lực doanh nghiệp; kết nối giao thương; tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu; truyền thông; mời gọi các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới vào Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được của đề án, hội nghị cũng đã thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận đưa ra mục tiêu, phương phướng, giải pháp triển khai đề án cho giai đoạn tiếp theo 2021 – 2030, hướng tới định vị Việt Nam trở thành một nguồn cung quan trọng trong khu vực ASEAN của các tập đoàn phân phối bán lẻ quốc tế.
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương), định hướng cho giai đoạn tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang có hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, các địa phương lựa chọn đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt để đưa vào hỗ trợ trong các hoạt động của đề án; nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng này.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng.
Đáng lưu ý, tại hội nghị, Bộ Công Thương cùng các tập đoàn phân phối đã ra mắt bộ cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào một số hệ thống phân phối là đối tác của đề án.
Bộ cẩm nang cung cấp nhưng thông tin cơ bản, hữu ích về từng hệ thống cũng như giới thiệu quy trình lựa chọn nhà cung cấp, các yêu cầu, tiêu chuẩn của một số mặt hàng khi xuất khẩu vào từng hệ thống phấn phối như Aeon, Decathlon, Lotte, Centre Retail, Mega Market. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các hãng phân phối khác ra mắt những bộ cẩm nang khác.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng các tập đoàn phân phối sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh, với vai trò Đối tác chiến lược của Bộ Công Thương để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.