Đủ chiêu làm giả
Mặc dù là một trong những mặt hàng được kiểm tra kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, nhưng phân bón giả, kém chất lượng vẫn tiêu thụ tràn lan với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi và ngày càng chuyên nghiệp. Các đối tượng kinh doanh thường trà trộn phân bón giả, phân bón kém chất lượng với hàng thật, hàng chất lượng và dùng nhiều chiêu thức khuyến mãi, bán trả tiền sau cho các cửa hàng nhỏ lẻ với giá rẻ. Tình trạng này đang gây thiệt hại trực tiếp cho nông dân nói riêng và cho nền sản xuất nông nghiệp nói chung.
Chia sẻ về những chiêu thức kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, ông Phạm Văn Cường, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Lâm Đồng cho biết, các hành vi vi phạm phổ biến được cơ quan chức năng phát hiện chủ yếu là sản xuất phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép so với tiêu chuẩn công bố, làm giả cả chất lượng lẫn nhãn hiệu hàng của các thương hiệu có uy tín… Tính riêng năm 2015, trong số 105 đơn vị sản xuất mà cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm, đã có 46 vụ vi phạm.
Đáng ngại hơn là những loại hàng giả không thể truy được xuất xứ khi bị phát hiện, nên cơ quan chức năng dù có phát hiện cũng không thể xử lý triệt để. Điển hình như vụ sản xuất phân bón giả của Công ty TNHH SXTMDV Phúc Quỳnh, quận Tân Phú, TP.HCM, sản xuất phân bón giả nhãn hiệu đã được bảo hộ của Công ty Thiên Phú Nông, sau đó dùng hóa đơn giá trị gia tăng đã quyết toán hủy với cơ quan thuế để hợp thức hóa hàng giả và bán cho các cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng vào cuộc thì không tìm được Công ty Phúc Quỳnh, không tìm được chủ DN nên không thể xử lý được đối tượng sản xuất hàng giả.
Ông Đỗ Văn Phước, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Tiền Giang cho biết: Phổ biến nhất là tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón giả bán cho các đại lý ở các tỉnh với giá rẻ, số lượng nhỏ nhằm dễ tiêu thụ, tránh việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Một số DN còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nông dân để tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ để quảng cáo đánh lận về chất lượng, nhãn hiệu hoặc dùng tiếng nước ngoài lập lờ theo kiểu “made in PRC” thay vì sản xuất tại Trung Quốc hoặc “technology from USA” (công nghệ từ Mỹ) để giới thiệu là “hàng Mỹ”… mặc dù sản xuất tại Trung Quốc. Cách ghi nhãn mập mờ, sai lệch xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, công nghệ sản xuất khiến người mua dễ nhầm lẫn, mua phải hàng kém chất lượng.
Khó xử lý
Trong khi người dân gần như không thể phân biệt phân bón giả, phân bón kém chất lượng với hàng thật thì trách nhiệm phân biệt hàng thật, hàng giả đương nhiên thuộc về lực lượng QLTT, tuy nhiên rất nhiều những bất cập về mặt cơ chế vẫn đang tồn tại khiến việc hạn chế phân bón giả lưu thông trên thị trường cũng như việc xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Đồng Tháp cho biết, theo Nghị định 163/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón… thì lực lượng QLTT không có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Theo quy trình kiểm tra về chất lượng thì QLTT không được niêm phong, tạm giữ hàng hóa mà phải chờ có kết quả kiểm nghiệm (thông thường phải mất khoảng 3 tuần) nên khi có kết quả kiểm định thì hàng hóa đã được bán hết, vì vậy chỉ có thể phạt hành chính. Trong khi đó hàng kém chất lượng đã đưa ra thị trường tiêu thụ, gây thiệt hại cho nông dân, không thể khắc phục được.
Cũng liên quan đến NĐ 163, ông Đỗ Văn Phương còn cho biết, cũng vì không có thẩm quyền xử phạt nên khi phát hiện các vụ vi phạm, QLTT phải chuyển vụ việc cho Thanh tra sở Công Thương nên rất dễ xảy ra tình trạng xử phạt hoặc đề nghị xử phạt không đúng như đề nghị của QLTT. Thực tế cho thấy, đối với hành vi kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng… nhiều DN đã “chạy” để được thay đổi hình thức xử phạt. Thay vì xử lý kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng theo NĐ 163/NĐ-CP với mức phạt có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, DN lại cố gắng biện minh “hàng để lâu nên giảm chất lượng” để chịu xử phạt về hành vi kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng theo NĐ 80/NĐ-CP, với mức phạt đôi khi chỉ 1 triệu đồng…
Để giải quyết tình trạng này, ông Phương kiến nghị, Chính phủ cần sớm sửa đổi NĐ 163/NĐ-CP theo hướng bổ sung thẩm quyền lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT. Cấp có thẩm quyền cũng cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón, Bộ Công Thương cần sớm công bố danh sách cấp giấy phép sản xuất phân bón để các cơ quan chức năng dễ theo dõi, phục vụ công các kiểm tra. Bộ Công Thương nên là cơ quan quản lý nhà nước về điều kiện sản xuất, nguyên liệu nhập khẩu phân bón, còn Bộ NN&PTNT sẽ quản lý nhà nước về chất lượng phân bón. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng cần sớm ban hành Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng với từng loại phân bón.