Thị trường phân bón ở nước ta đang diễn biến rất phức tạp, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn ra khó kiểm soát. Theo Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, có những trường hợp hàm lượng phân bón hữu hiệu là 0% mà vẫn lừa bán cho nông dân, dẫn đến thiệt hại rất lớn.
Bỏ tiền thật mua phân bón giả
Anh Đặng Thanh Nhàn, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đã bỏ tiền thật mua phân bón giả. Năm 2013, anh Nhàn đã mua 3 tấn phân bón với số tiền gần 42 triệu đồng để bón cho 3 ha cà phê nhưng sau đó cà phê của anh không phát triển mà ngày càng rụng lá, chết cành, rụng hạt... Anh Nhàn cho biết, ảnh hưởng của phân bón giả đến cây cà phê không chỉ trong một vụ thu hoạch mà phải mất 3 năm cây cà phê mới có thể phục hồi.
Lực lượng chức năng xem xét, kiểm tra số phân bón giả.Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN |
Hội viên Hội nông dân xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đắc Tranh cũng rất lo ngại về chất lượng phân bón vì “nếu nhìn bằng mắt thường thì nông dân như chúng tôi không thể nhận biết được đâu là loại phân bón có chất lượng và kém chất lượng, bởi hiện nay công nghệ sản xuất phân bón rất hiện đại và tiên tiến”.
Theo ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương): Thời gian vừa qua, Cục Quản lý thị trường đã xử lý, thu giữ hàng nghìn tấn phân bón nhưng tình trạng phân bón giả vẫn diễn biến phức tạp. Do lợi nhuận thu được từ buôn lậu lớn nên các đối tượng không từ bỏ thủ đoạn nào để vi phạm và thu lợi bất chính. Thậm chí đã xuất hiện tình trạng sản xuất buôn bán phân bón giả, kém chất lượng quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài. Riêng 9 tháng của năm 2013, các lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 350 vụ, tịch thu hơn 700 tấn phân bón. Vi phạm phổ biến nhất là nhái thương hiệu của doanh nghiệp có uy tín, chất lượng phân bón không đúng theo chất lượng đăng ký trên bao bì...
Ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cũng khẳng định: Vi phạm đối với mặt hàng phân bón xuất hiện ở cả 3 khâu: Sản xuất, lưu thông và nhập khẩu, trong đó, giả ở khâu sản xuất là đáng lo ngại nhất. Có những trường hợp hàm lượng phân bón hữu hiệu là 0% mà vẫn bán lừa cho người nông dân dẫn đến cây cối chết, thiệt hại cho người dân là rất lớn.
Kiểm soát từ khâu sản xuất đến lưu thông
Theo các lực lượng chức năng, việc theo dõi, kiểm tra để phát hiện các tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón được thực hiện không thường xuyên, do kinh phí từ ngân sách cấp có hạn hoặc thậm chí không có. Cùng với đó, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón hiện nay còn nhẹ, không đủ sức răn đe.
Do đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng một nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón. Ông Phùng Hà cho biết, theo Nghị định mới quản lý chất lượng phân bón sẽ chặt chẽ hơn. Bộ Công Thương sẽ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón, quy định việc công bố hợp quy chất lượng phân bón. Hơn nữa, các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng đủ điều kiện về sản xuất thì mới được cấp giấy phép sản xuất phân bón nhằm hạn chế tình trạng phân bón giả, kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón phải có giấy chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp; phân bón nhập khẩu phải có nhãn hàng hóa theo quy định.
“Sau khi Nghị định về quản lý phân bón được ban hành, khi đó ngành sản xuất kinh doanh phân bón sẽ là ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện và sẽ được kiểm soát chặt ở cả 3 khâu gồm sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu”, ông Phùng Hà cho biết.
Ông Hà Huy San, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty CP Phân lân Ninh Bình cũng cho biết, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan như hiện nay ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của công ty do: thị phần giảm, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người lao động. Do đó, Nhà nước cần có biện pháp đủ mạnh để dẹp nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, sớm ban hành Nghị định mới, đưa phân bón vào hàng hóa sản xuất và kinh doanh có điều kiện, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, xiết chặt việc cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón, cần phải có những điều kiện, có quy hoạch về sản xuất phân bón, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho cho các doanh nghiệp phân bón chân chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
“Bà con nông dân không nên ham hàng rẻ, mua phân bón “trôi nổi” trên thị trường (cửa hàng dựng tạm, đò ghe bán di động trên kênh, rạch...) mà nên mua của doanh nghiệp có uy tín. Hàng hóa mua phải có hóa đơn để làm bằng chứng khi có sự cố. Khi phát hiện phân bón giả, kém chất lượng phải thông tin nhanh cho cơ quan có thẩm quyền để thành lập đoàn xác minh tìm nguyên nhân”.
Ông Phạm Tiến Dũng - Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Thu Hường