Xóa bỏ trở ngại để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

Việc ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị máy móc và các loại hàng hóa sản xuất trong nước không chỉ có ý nghĩa ngắn hạn mà còn có nhiều ý nghĩa lâu dài. Tuy nhiên, để hàng hóa trong nước mở rộng thị phần thì bản thân mỗi DN cần tập trung nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.


Nâng cao sức cạnh tranh


Thừa nhận những hiệu quả đáng kể của Chương trình trong việc thúc đẩy các DN sử dụng hàng hóa của nhau nhưng ông Võ Văn Quyền cũng khẳng định, hiện nay, việc ký kết và kêu gọi DN sử dụng sản phẩm của nhau chỉ mang tính định hướng cho DN, giúp các DN tiếp cận và tìm hiểu về khả năng cung ứng, chủ động kế hoạch mua sắm với giá cả ưu đãi chứ không ép DN buộc phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhau. “Việc hợp tác này dựa trên nguyên tắc thị trường và phù hợp với quy định của pháp luật: Đấu thầu, giá cả, mẫu mã, chất lượng hàng hóa phải cạnh tranh. Do đó, các sản phẩm sản xuất trong nước muốn được tiêu thụ mạnh cũng thể hiện rằng các sản phẩm này có đủ sức cạnh tranh để được các đơn vị chọn lựa sử dụng”, ông Quyền nhấn mạnh.

 

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, hiện nhiều sản phẩm của các tập đoàn khác đã được ưu tiên sử dụng trong các công trình kỹ thuật của nhau. Đơn cử như PVN đã cùng EVN xây dựng các nhà máy điện và tiêu thụ điện của nhau; xác định rõ giá khí, giá điện trong các thỏa thuận hợp tác đồng thời giải quyết nguồn than cho các nhà máy điện của PVN...


Ngoài ra, PVN cũng phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sản xuất các sản phẩm xơ sợi, hoặc ký với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất.


Tuy nhiên, ông Sơn cũng chỉ ra những khó khăn trong quá trình hợp tác nhất là những trở ngại để nâng dần tỷ lệ nội địa hóa. Cụ thể, theo lãnh đạo PVN thì ngành dầu khí mỗi năm cần sử dụng cả triệu tấn thép thành phẩm, nhưng hầu hết lại phải nhập khẩu. Bởi lẽ, chất lượng thép trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cho các công trình kỹ thuật cao. Thậm chí, nhiều chi tiết đơn giản như ốc vít phục vụ giàn khoan cũng phải ra nước ngoài để mua, bởi độ ăn mòn của thép trong nước chưa bảo đảm phục vụ các công trình dầu khí.


Cùng ý kiến với PVN, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex cũng nhấn mạnh, trong danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được, Bộ Công Thương cần có đánh giá về khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, từng nhóm sản phẩm để có thể thấy được sự phù hợp về giá giữa sản phẩm trong nước sản xuất so với hàng nhập khẩu. Nếu tương đương về giá và chất lượng DN cần ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước. "Quá trình sử dụng sản phẩm của nhau rất cần có sự giám sát của Bộ Công Thương nhằm đánh giá nội lực của từng công ty và sản phẩm, nếu có thể cùng hợp tác thì lãnh đạo các tập đoàn phải ngồi với nhau để có bước đi phù hợp cho nhóm sản phẩm trên tinh thần bảo đảm khả năng cạnh tranh," ông Nghị nêu ý kiến.


Tháo gỡ về cơ chế


Hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty gặp nhiều vướng mắc khi ưu tiên sử dụng hàng hóa lẫn nhau nói riêng và sử dụng hàng Việt nói chung do các quy định của pháp luật về đấu thầu, khiến các đơn vị thành viên tập đoàn, tổng công ty không được tham gia đấu thầu cung cấp vật tư thiết bị. Đồng thời, việc thu xếp nguồn vốn trong nước khó khăn, nguồn vốn nhà nước hạn hẹp nên một số DN phải vay phần lớn ở nước ngoài, dẫn đến một số trường hợp các tổ chức cho vay yêu cầu nhà thầu hoặc thiết bị hàng hóa phải cung cấp từ nước ngoài.


Nhiều ý kiến của các DN cũng lưu ý, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của tập đoàn, tổng công ty có tính chất nêu chủ trương, động viên, kêu gọi nhưng không có các tiêu chí cụ thể về mức độ ưu tiên sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau chưa cao.


Từ thực tế trên, các DN cũng kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách ưu đãi cụ thể về vốn và định hướng về công nghệ, sản phẩm, tạo ra môi trường kinh doanh thích hợp để các DN trong nước có thể phát triển sản xuất, sáng tạo mới nhất là các sản phẩm có tính kỹ thuật cao. Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN sản xuất hàng Việt để thực hiện xúc tiến thương mại, các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử để hoạt động quản lý kinh doanh. Không những thế, các DN cũng đề xuất Bộ Công Thương nghiên cứu, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, các hình thức giao lưu, tìm kiếm, kết nối cung cầu giữa các đơn vị để tạo điều kiện học tập, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong việc quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm trong nước.

 

Thu Hường

Dệt may đầu tư mạnh cho thị trường nội địa
Dệt may đầu tư mạnh cho thị trường nội địa

Vài năm trở lại đây, trong chiến lược phát triển mới của mình, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư mạnh hơn cho thị trường trong nước thay vì chú trọng vào xuất khẩu như trước đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN