Vài năm trở lại đây, trong chiến lược phát triển mới của mình, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư mạnh hơn cho thị trường trong nước thay vì chú trọng vào xuất khẩu như trước đây.
Mở rộng hệ thống hân phối
Ông Trần Việt, Trưởng ban thị trường (Vinatex) cho biết, thị trường dệt may nội địa rất tiềm năng bởi chi tiêu của người tiêu dùng cho hàng thời trang chỉ xếp sau lương thực, thực phẩm. Thống kê cho thấy mỗi người tiêu dùng đã chi từ 150.000 - 500.000 đồng/tháng để mua sắm hàng thời trang, chiếm bình quân 18% chi tiêu hàng tháng. Đáng chú ý hơn khi 70% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm thời trang hàng tháng từ 2 - 3 lần/tháng, trong đó, chủ yếu ở độ tuổi 20 - 25 và từ 26 - 35. Trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu nội địa toàn Tập đoàn ước đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cũng nhận định: Sản phẩm dệt may Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường nội địa. Các doanh nghiệp tích cực mở rộng thị trường trong nước thông qua việc xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm may mặc và thời trang đã có mặt trên mọi vùng miền.
Du khách tìm hiểu sản phẩm dệt may Việt Nam tại hội chợ. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Vinatex đang sở hữu hệ thống siêu thị Vinatexmart rộng khắp tại 26 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các đơn vị thành viên của Vinatex cũng tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý về nhiều tỉnh, thành và các siêu thị mini tại công ty. Tổng số điểm bán hàng của các doanh nghiệp trong Tập đoàn đến nay đạt trên 4.000 điểm. Kênh phân phối này đã góp phần đưa hàng dệt may chất lượng tốt, giá hợp lý đến người tiêu dùng.
Hệ thống phân phối của Vinatex tại thị trường nội địa cũng đã và đang được thiết kế lại theo hướng phân cấp rõ ràng. Những doanh nghiệp có tiếng của Vinatex như Việt Tiến, May 10, Nhà Bè... tập trung vào hệ thống cửa hàng riêng để phát triển thương hiệu. Những doanh nghiệp trung bình được khuyến cáo “bám” theo hệ thống siêu thị Vinatexmart để vừa phân phối được sản phẩm, vừa giảm chi phí.
Xây dựng công nghệ thời trang
Theo đánh giá của ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), để chinh phục thị trường nội địa, các doanh nghiệp nên quan tâm phát triển mạng lưới bán lẻ rộng khắp hơn, chuyên nghiệp hơn, phải có chính sách đầu tư cho các trung tâm thiết kế, mẫu mã, kiểu dáng, các trung tâm thời trang để sản phẩm hợp với xu thế và thị hiếu người tiêu dùng. Nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, nguyên liệu mới để tạo ra các sản phẩm dệt may có tính khác biệt, có chất lượng cao. Một yếu tố quan trọng khác là các doanh nghiệp phải xây dựng được thương hiệu riêng cho doanh nghiệp và sản phẩm.
Bên cạnh đó, để khắc phục tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng, ông Lê Tiến Trường cho rằng: Doanh nghiệp phải thường xuyên tìm hiểu thị hiếu, định hướng cho người tiêu dùng, chứng tỏ hàng Việt không thua kém hàng ngoại nhập. Các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thời trang không chỉ bán lẻ các sản phẩm sẵn có mà còn là cầu nối về thời trang giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Những thương hiệu như May Việt Tiến, May 10, Nhà Bè... đã dần định vị trong tâm trí người tiêu dùng và ngày càng được ưa chuộng. Doanh thu của Tập đoàn tại thị trường trong nước đang ngày một tăng lên. Năm 2014, Vinatex phấn đấu đưa tổng doanh thu tăng 12%, trong đó doanh thu nội địa chiếm khoảng 30%. |
Uyên Hương