Biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ được cắm trên các tuyến phố. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung
Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô
tô, nhất là đối với xe Uber, Grab để lấy ý kiến, Hiệp hội Taxi 3 thành
phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục “kêu cứu” Bộ GTVT.
Các
Hiệp hội taxi kiến nghị Bộ GTVT tập trung giải quyết những bất hợp lý
trong cạnh tranh không minh bạch giữa xe Uber, Grab với xe taxi. Nhiều
doanh nghiệp taxi lớn như Mai Linh, Vinasun… cho rằng, nếu không kiểm
soát, các doanh nghiệp taxi sẽ đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo
số liệu các Hiệp hội taxi đưa ra, lượng xe của Uber, Grab hiện đã lên
50.000 xe, đang khiến các quy hoạch vận tải bị phá vỡ. Do đó, Nghị định
86/CP cần bổ sung quy định về việc nhận diện xe Uber, Grab như gắn hộp
đèn, niêm yết giá cước như taxi. Bên cạnh đó, khái niệm xe hợp đồng điện
tử dưới 9 chỗ ngồi trong dự thảo Nghị định mới thay thế cho Nghị định
86 cũng được kiến nghị loại bỏ…
Về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, tới đây sẽ yêu cầu Uber, Grab công khai giá cước vận tải như taxi truyền thống.
“Uber, Grab sẽ phải đăng ký giá với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là công bố mức giá trần, giá sàn xem thấp nhất là bao nhiêu, cao nhất là bao nhiêu. Vì hiện tại, Uber, Grab cho rằng, hợp đồng ký kết giữa Uber, Grab với khách hàng đã được công khai minh bạch, thuận mua, vừa bán. Tuy nhiên, Uber, Grab có lúc giảm giá nhiều, nhưng cũng có lúc áp mức giá cước rất cao mà nhiều người dân không được biết cho đến khi phải trả tiền”, ông Viện cho hay.
Cũng theo ông Viện, đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030” xác định xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin như Uber, Grab hoạt động tương tự xe taxi, được quy định quản lý như xe taxi (quản lý về số lượng, chất lượng và phạm vi hoạt động).
Thực tế, thời gian qua, loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ Uber, Grab đã phát triển rất mạnh mẽ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mang lại nhiều lợi ích cho hành khách, đồng thời thúc đẩy taxi truyền thống phải tự đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Tuy nhiên, trong quá trình thí điểm, loại hình này vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập.
Trong khi chờ Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 86/CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, Sở GTVT Hà Nội đã tham mưu cho thành phố xây dựng và ban hành quy chế quản lý taxi Hà Nội, nhằm nâng cao chất lượng của loại hình này, khắc phục tồn tại và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp taxi tiếp tục đổi mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, đủ sức cạnh tranh với các loại hình khác.
Liên quan đến ý kiến cho rằng, việc cấm taxi, Uber, Grab mà Sở GTVT Hà Nội đang triển khai là đi ngược lại xu hướng của nhiều nước trên thế giới là cấm xe cá nhân trước, ông Viện cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, không phải cấm vĩnh viễn mà là tạm thời. Khi ùn tắc giao thông giảm, hạ tầng tốt hơn sẽ dỡ bỏ biển cấm.