Với nhiều nội dung mang tính toàn diện, dù thời gian chưa dài, song Đề án được triển khai đã bước đầu đặt nền móng để Bình Dương có những bứt phá ngoạn mục hơn trong thời gian tới, xứng tầm địa phương duy nhất đến thời điểm này của Việt Nam hai năm liền được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là một trong 21 khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới.
Để Bình Dương - một địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thực sự là một điểm đến thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là nơi đáng sống cho người dân và nhà đầu tư với những ưu điểm nổi trội về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, về những tiện ích được hoàn thiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, Đề án thành phố thông minh Bình Dương đã được tỉnh xây dựng và thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ.
Tính đột phá, chiến lược
Theo Văn phòng thành phố thông minh Bình Dương, Thành phố thông minh là khái niệm rất rộng, có thể hiểu đơn giản là nơi có điều kiện đáng sống, đáng làm việc, nơi công nghệ được sáng tạo, ứng dụng để mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, phát triển kinh tế xã hội. Tất cả các yếu tố như cơ sở hạ tầng khang trang, phương pháp tiếp cận tích hợp, xây dựng hệ thống nhà cửa, dịch vụ, doanh nghiệp và cả trình độ công nghệ cao, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước chính là nguyên liệu “đầu vào” để xây dựng nên thành phố thông minh.
Là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ năm 1997, Bình Dương đã mạnh mẽ thực hiện công nghiệp hóa, chuyển từ một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp trở thành vùng công nghiệp lớn của cả nước. Thời điểm năm 2015, đứng trước xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều thách thức và cơ hội mới, đồng thời mô hình tăng trưởng dựa vào công nghiệp gia công cũng đã tới hạn, tỉnh Bình Dương đã quyết định có những đột phá trong giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng một nền tảng phát triển mới đáp ứng nhu cầu mới của người dân và doanh nghiệp, đưa Bình Dương vươn lên trở thành địa phương có nền kinh tế đạt giá trị gia tăng cao hơn với dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, trong đó đổi mới sáng tạo là động lực phát triển.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Điều hành thành phố thông minh Bình Dương cho biết: Đề án thành phố thông minh Bình Dương được xây dựng và thực hiện nhằm tạo điều kiện mới, thuận lợi để nâng tầm các chương trình hành động của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành trở nên tiên tiến hơn, năng động, sáng tạo, quy tụ được thêm nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước.
Đề án này gồm 46 hành động cụ thể thuộc 14 chương trình, chia thành 4 nhóm lĩnh vực: con người, công nghệ, doanh nghiệp và các yếu tố nền tảng. Trong đó, ở lĩnh vực liên quan đến con người, chất lượng nguồn nhân lực, Bình Dương hướng tới mục tiêu dài hạn là trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, đào tạo, “giữ chân" những nhân tài khoa học kỹ thuật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tăng tưởng kinh tế. Liên quan đến công nghệ, tỉnh khuyến khích sự sáng tạo, hợp tác và chuyển giao trí thức gắn kết công nghệ mới với các ngành trọng điểm và đời sống xã hội.
Đối với doanh nghiệp, Bình Dương củng cố các doanh nghiệp hiện hữu, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, đẩy mạnh thu hút nhiều nhà đầu tư công nghệ cao cả về công nghiệp lẫn dịch vụ. Cuối cùng, các yếu tố nền tảng được tỉnh xác định tập trung vào các điều kiện để phát triển một khu vực vững mạnh như: xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin truyền thông tốt, môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, môi trường sống thoải mái, xanh, sạch cho người dân.
Mô hình ba nhà là “xương sống”
Phó Chủ tịch Mai Hùng Dũng khẳng định, để thực hiện Đề án, tỉnh xác định mô hình ba nhà, gồm Nhà nước - nhà khoa học (các viện nghiên cứu, trường học) và doanh nghiệp chính là xương sống, trụ cột quyết định sự thành công. Mô hình ba nhà tạo sự hợp tác, gắn kết này được Bình Dương chọn để giải quyết những vấn đề lớn liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Nói một cách dễ hiểu, trước đây, khi có một vấn đề gì liên quan đến xây dựng thành phố thông minh xảy ra thì hoặc là cơ quan Nhà nước sẽ giải quyết hoặc các nhà khoa học, trường học giải quyết. Khi áp dụng mô hình ba nhà, đứng trước một vấn đề, tỉnh có thể huy động cả nhà trường, doanh nghiệp cùng có giải pháp phù hợp chức năng, nhiệm vụ của mình.
Trong thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương, các cấp chính quyền, người dân, nhà khoa học, doanh nhân cùng thảo luận, chia sẻ tầm nhìn, thách thức, cơ hội và nguồn lực để xây dựng các định hướng phát triển chung cho địa phương và cùng cam kết triển khai các ý tưởng. Nhà nước giữ vai trò lãnh đạo chung, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, hiệu quả của doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường học. Các bên liên quan trong hợp tác "ba nhà" sẽ cùng đóng góp vào tiến trình chung thông qua việc cùng chia sẻ những mối quan tâm, kiến thức, tư tưởng, tầm nhìn, hành động cụ thể cho sự phát triển trong tương lai.
Mô hình hợp tác, gắn kết ba nhà được thực hiện đã có tác động tích cực, tạo nên những nét nổi bật trong bức tranh của kinh tế - xã hội ở tỉnh Bình Dương từ năm 2016 đến nay, thể hiện dấu ấn của việc thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Nhờ sự phối hợp đồng bộ, tác động đến cộng đồng doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng mà số doanh nghiệp tại Bình Dương trong giai đoạn từ 2016 đến nay đạt con số 46.000, gấp đôi so với giai đoạn năm 2010 - 2015.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư nước ngoài trong 5 năm 2016 - 2020 đạt 12 tỷ USD, bằng số vốn thu hút đầu tư nước ngoài của hai nhiệm kỳ trước cộng lại. Thành phố mới Bình Dương được xây dựng khang trang, quy hoạch hợp lý với những tuyến đường nhiều làn xe được xây dựng đồng bộ, các khu đô thị, trung tâm hành chính tập trung, trung tâm hội nghị triển lãm… đóng vai trò hạt nhân để dần lan tỏa việc xây dựng thành phố thông minh ra toàn vùng.
Đồng tình với quan điểm gắn kết ba nhà trong xây dựng Bình Dương trở thành thành phố thông minh có những ưu điểm vượt trội về thu hút đầu tư, nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ hiện đại, Tiến sỹ Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Đức cho biết, để góp phần thực hiện thành phố thông minh, Trường Đại học Việt - Đức đứng chân tại tỉnh Bình Dương đang chung tay xây dựng, triển khai nhiều dự án nghiên cứu, đào tạo mang tính cấp thiết, phù hợp với xu hướng phát triển của tỉnh công nghiệp Bình Dương; nghiên cứu, thực hiện một số dự án liên quan mật thiết đến thành phố thông minh như: quản lý giao thông thông minh, phát triển đô thị, quan trắc, xử lý vấn đề môi trường...
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Sompob Witworrasakul, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Kraft Vina ( Tập đoàn SCG Packaging, Thái Lan) cho biết: Doanh nghiệp này quyết định chọn Bình Dương làm nơi đầu tư nhà máy sản xuất giấy bao bì là vì địa phương có cơ sở hạ tầng hiện đại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Đây còn là trung tâm của khu vực phía Nam, có thành phố mới Bình Dương, khu đô thị văn minh, hiện đại. “Sẽ rất tốt khi Bình Dương xây dựng thành phố thông minh, bởi hiện nay nhiều công nghệ hiện đại xuất hiện nhưng doanh nghiệp gặp khó khăn do không có nhiều nguồn nhân lực cũng như chuyên gia. Việc Bình Dương xây dựng thành phố thông minh, phát triển nguồn nhân lực sẽ giúp cho khu công nghiệp phát triển, hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất giấy bao bì phát triển thuận lợi hơn”, ông Sompob Witworrasakul nói.
Bài 2: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử