Xây dựng thành phố thông minh - hướng đi đúng để Bình Dương bứt phá - Bài 2: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử

Đối với tỉnh Bình Dương, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử chính là một nội dung không thể thiếu trong thực hiện Đề án thành phố thông minh.

Từng bước hoàn thiện nền tảng xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, triển khai hiệu quả hệ thống đường dây nóng tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin mà người dân, doanh nghiệp cung cấp là những giải pháp cụ thể được tỉnh thực hiện một cách đồng bộ.  

Chú thích ảnh
Hệ thống tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính một cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư (Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương). Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương Lai Xuân Thành cho biết: Việc xây dựng, phát triển chính quyền điện tử Bình Dương được thực hiện theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đồng thời tích hợp dữ liệu, liên thông quy trình giữa các cơ quan, rút ngắn quy trình xử lý, giảm hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Bình Dương đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước để phục vụ cho tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Về mặt đầu tư, tỉnh quan tâm đầu tư các thiết bị để phục vụ cho phát triển chính phủ điện tử, các ứng dụng dùng chung cho các sở, ngành và huyện, thị. 100% cơ quan tỉnh, huyện, xã đã được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống mạng nội bộ. Các trang thiết bị bảo đảm an toàn thông tin được đầu tư theo hướng chuyên dụng, hiện đại. Hệ thống một cửa, hệ thống quản lý văn bản được tỉnh triển khai tập trung, phục vụ khá tốt cho người dân. Đến thời điểm này, tại Bình Dương, số dịch vụ công trực tuyến được triển khai ở mức độ 4 là 38% và dự kiến đến hết năm 2020 có 50% số dịch vụ công trực tuyến được triển khai ở mức độ 4. Bình Dương phấn đấu trong năm 2021, hầu hết các dịch vụ công của tỉnh sẽ được nâng lên mức độ 4 và mức độ 3, không còn ở mức độ 2.

Cũng theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, tỉnh đã đầu tư xây dựng hệ thống hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến xã. Tỉnh đã có hai trung tâm tích hợp dữ liệu, trong đó có một trung tâm dự phòng, đảm bảo việc hoạt động thông suốt, an toàn 24/7 với nhiều thiết bị phục vụ cho các ứng dụng của các cơ quan nhà nước. Tỉnh Bình Dương hiện xếp thứ 4/63 tỉnh, thành về mức độ tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin; trong đó có nhiều chỉ số thành phần đạt hạng nhất như: hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương được đánh giá vị trí thứ 1/63 Cổng thông tin của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thời gian tới, đơn vị phối hợp với các sở, ngành để tiếp tục triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện việc số hóa một cách mạnh mẽ hơn chứ không phải chỉ là số hóa từ việc "quét "các giấy tờ văn bản đơn thuần.

Đề cập về hiệu quả của cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, ông Phan Thế Hải, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Triệu Phú Lộc, một doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu ở xã Tân Lập, huyện Tân Uyên khẳng định: Tỉnh Bình Dương có cơ chế rất thông thoáng theo hướng ưu đãi, thu hút đầu tư, các thủ tục hành chính đều được cơ quan chức năng thực hiện nhanh, gọn và có sự hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp.

Phát huy hiệu quả hệ thống đường dây nóng

Với mục tiêu nêu cao tính chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong tiếp nhận, xử lý và cung cấp các thông tin chính đáng cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo thông suốt mọi lúc, mọi nơi, từ tháng 11/2019, tỉnh Bình Dương đã đưa vào sử dụng Hệ thống đường dây nóng Bình Dương 1022. Người dân, doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh có thể sử dụng điện thoại cố định gọi vào số đường dây nóng 1022, hoặc gọi số (0274) 1022 trong trường hợp ngoài địa bàn tỉnh Bình Dương hoặc gọi từ điện thoại di động.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương Lai Xuân Thành cho biết, tỉnh đang triển khai khá hiệu quả đường dây nóng 1022 này. Tổng đài này hoạt động 24/7 và người dân cũng đã dần biết, đặt nhiều tin tưởng vào hệ thống này. Việc tiếp nhận thông tin nóng được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau như thoại cố định, di động, tin nhắn, thư điện tử, các ứng dụng trên Internet, Zalo, Viber, Facebook,… Hệ thống sẽ tiếp nhận, xử lý, trả lời tự động hoặc thông qua nhân viên trực hệ thống trung tâm liên lạc hoặc chuyển tiếp cho các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý để sớm có kết quả trả lời.

Cụ thể, trước đây, khi có nhu cầu cấp cứu y tế, hỗ trợ y tế, người dân thường gọi tổng đài 115. Tổng đài này sẽ định tuyến về một bệnh viện nào đó gần địa bàn mà người dân gọi. Tuy nhiên, do khó khăn về nhân lực y tế, nhiều khi nhân viên y tế tại bệnh viện đó lại đang phải tập trung cấp cứu người bệnh khác nên việc xử lý thông tin từ tổng đài 115 đôi khi sẽ gặp khó khăn. Hệ thống đường dây nóng 1022 luôn có nhân viên trực 24/7. Hai là, chúng tôi có hệ thống định vị các xe cấp cứu nên có thể điều xe cấp cứu gần nhất đến hiện trường kịp thời, ông Lai Xuân Thành nói.

Ngoài ra, hệ thống đường dây nóng Bình Dương 1022 còn tiếp nhận phản ánh hiện trường liên quan đến giao thông, môi trường, an ninh trật tự,... Người dân có thể chụp hình, quay các video gửi đến hệ thống để chuyển đến các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý nhanh chóng. Không những thế, hệ thống còn có các công cụ để xác định và xử lý những trường hợp gọi đến với mục đích  quấy rối, nên đã ngăn chặn rất hiệu quả tình trạng này.

Chị Chu Thị Chính, công nhân đang làm việc tại Khu Công nghiệp Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) chia sẻ: “Là một công nhân từ miền Trung vào làm việc và xây dựng gia đình riêng ở Bình Dương, khi cần thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến đời sống và các thành viên của gia đình chị rất lo lắng, song chỉ cần tranh thủ giờ nghỉ giữa ca làm việc, ngồi ngay tại nhà máy, sau một cuộc gọi điện thoại đến đường dây nóng 1022 của tỉnh Bình Dương chị đã nhận được sự giải thích, hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng, không cần phải đến trực tiếp nơi làm thủ tục để tìm hiểu thông tin.

Bài cuối: Nâng chất nguồn nhân lực

Trà - Hưng - Tưởng - Nhung (TTXVN)
Xây dựng thành phố thông minh - hướng đi đúng để Bình Dương bứt phá - Bài cuối: Nâng chất nguồn nhân lực
Xây dựng thành phố thông minh - hướng đi đúng để Bình Dương bứt phá - Bài cuối: Nâng chất nguồn nhân lực

Để thực hiện hiệu quả các nội dung của việc xây dựng, phát triển thành phố thông minh, Bình Dương xác định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết làm nên thành công chứ không thể chỉ dừng ở công nghệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN