Đây là thông tin được ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết. Tình trạng xâm nhập mặn diễn ra muộn, độ mặn cao nhất trong tuần qua thấp hơn từ 1,5 - 6,5‰ so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Trà Vinh, những ngày đầu tuần độ mặn trên các sông chính trong tỉnh xuất hiện khá cao rồi giảm gần đến giữa tuần và tăng trở lại vào cuối tuần. Tại các cửa biển trên toàn tuyến sông Long Toàn (thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải), trên sông Cổ Chiên cách xã Đức Mỹ (huyện Càng Long) 50 km và trên sông Hậu cách xã An Phú Tân (huyện Cầu Kè) 55km, thời điểm mặn xâm nhập cao nhất, ranh giới mặn lên đến 4‰. Dự báo rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp độ 2.
Theo ông Hiền, để chủ động ứng phó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh ban hành lịch thời vụ xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2016 - 2017 và khuyến cáo nông dân tuân thủ. Dù lịch thời vụ kết thúc vào ngày 15/2 nhưng hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh bất chấp khuyến cáo, “xé rào” xuống giống thêm gần 9.000 ha.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Công ty Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi Trà Vinh thường xuyên theo dõi độ mặn và vận hành các cống đầu mối trên địa bàn. Đồng thời, việc đóng mở các cống được quản lý chặt để điều tiết nước phù hợp, ngăn mặn, trữ ngọt đảm bảo nước tưới sản xuất vụ Đông Xuân.
Ông Đỗ Trưng, Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh cho biết, đơn vị kết hợp với Xí nghiệp Thủy nông các huyện để theo dõi nước trong nội đồng. Tại các cống như: Láng Thé, Tân Vinh, Cầu Quan, Bắc Trang và Kênh nội đồng 3/2 đều được lắp đặt các trạm giám sát độ mặn tự động, được cập nhật liên tục 24/24 giờ. Khi độ mặn nằm trong ngưỡng cho phép tiến hành mở cống lấy nước.
Vụ lúa Đông Xuân 2016 - 2017, tỉnh Trà Vinh xuống giống 62.525 ha, vượt 13,6% so với kế hoạch. Hiện toàn tỉnh mới thu hoạch khoảng 22.000 ha xuống giống sớm.