Nông dân tranh thủ ra đồng chăm sóc cho lúa vụ đông xuân. Ảnh: Huy Hoàng/TTXVN |
Nguyên nhân vụ lúa Đông Xuân sớm ở Đồng Tháp giảm năng suất là do ảnh hưởng thời tiết thất thường, mưa kéo dài từ lúc xuống giống đến giai đoạn trổ đồng làm cho lúa không vô hạt, đồng thời bệnh rầy nâu tấn công, nhiều diện tích lúa bị ngập lâu ngày, bông lúa đã lên mọng làm giảm chất lượng hạt. Ngoài ra, việc suy giảm chất dinh dưỡng trong đất do thiếu hụt phù sa khi không có lũ về cũng là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lúa giảm mạnh.
Anh Nguyễn Văn Phúc ở ấp Mỹ Thạnh, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười vừa thu hoạch 1 ha lúa, sử dụng giống lúa IR 50404 cho biết, ngoài thời tiết bất thường do mưa kéo dài, làm ảnh hưởng đến năng suất và đặc biệt không có lũ cho nên thiếu lượng phù sa vào đồng ruộng làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, sau khi thu hoạch đạt gần 6 tấn/ha bán với giá 4.700 đồng/kg, tính ra không lãi.
Đến tận vùng thượng nguồn lũ thuộc huyện Thanh Bình, anh Nguyễn Văn Tám ở xã Tân Mỹ thu hoạch 1,5 ha lúa, cùng chung số phận thất mùa năng suất chưa đạt 4 tấn/ha, nguyên nhân thất mùa là do toàn bộ diện tích lúa của anh bị mưa gió làm ngập hoàn toàn khi mới vừa trổ bông.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, tình hình thời tiết diễn biến khá phức tạp nên một phần các diện tích lúa Đông Xuân đến cuối tháng 1 đầu tháng 2/2017 cũng bị nhiễm bệnh, dịch rầy nâu nhiễm 3.801 ha trên lúa giai đoạn đòng trỗ, trong đó có 20 ha nhiễm nặng ở huyện Tân Hồng với mật số rầy từ 3.000 – 4.500 con/m2, nhiễm trung bình 456 ha, còn lại nhiễm nhẹ, gây hại phổ biến tuổi 1 – 3, tăng 1.802 ha so với tuần trước do đợt rầy cám đang nở rộ.
Sâu cuốn lá cũng nhiễm 1.040 ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, đòng trỗ, chủ yếu nhiễm nhẹ, mật số sâu 10 – 30 con/m2 , tăng 28 ha so với tuần trước. Muỗi hành nhiễm 75 ha trên lúa đẻ nhánh – làm đòng, trong đó có 25 ha nhiễm trung bình với tỷ lệ từ 10 – 20%.
Bệnh đạo ôn lá nhiễm 3.192 ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ, trong đó có 29 ha nhiễm nặng ở huyện Tân Hồng và Lấp Vò với tỷ lệ bệnh từ 20 – 40%, nhiễm trung bình 171 ha. Bệnh cháy bìa lá nhiễm 1.265 ha, trong đó có 10 ha nhiễm nặng ở huyện Tân Hồng với tỷ lệ bệnh từ 40 - 50%.
Ngoài ra các tác nhân như: Chuột, sâu đục thân, bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt,…cũng xuất hiện và gây hại chủ yếu ở mức nhẹ - trung bình. nhưng chỉ ở mức độ nhẹ.
Trước tình hình giảm năng suất từ đầu vụ Đông Xuân sớm, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo nông dân đối với n hững diện tích lúa Đông Xuân sớm đã thu hoạch xong cần vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất, nhằm cắt đứt nguồn lưu tồn sâu bệnh cho lúa Hè Thu.
Tích cực thăm đồng, kiểm tra thật kỹ mật số rầy trên ruộng, nhất là trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - đòng trỗ để có biện pháp xử lý hiệu quả; khi rầy cám nở rộ tuổi 2 - 3, mật số rầy cao hơn 3 con/tép xử lý bằng thuốc trừ rầy chống lột xác; nếu mật số rầy cao với nhiều lứa gối nhau thì có thể phối hợp thuốc chống lột xác với thuốc có tác động lưu dẫn để tăng hiệu quả phòng trừ, hạn chế tích lũy mật số gây cháy rầy vào giai đoạn lúa trỗ chín.
Áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý để lúa sinh trưởng và phát triển tốt nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và lợi nhuận. Hạn chế phun thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40NSS để bảo tồn thiên địch.