WB: Kinh tế các nước đang phát triển có thể suy giảm sâu hơn trong năm 2020

Các quan chức cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 24/4 đã cảnh báo rằng các nền kinh tế đang phát triển có thể chứng kiến tình trạng suy thoái sâu hơn dự kiến nếu hoạt động tiêu dùng và đầu tư không hồi phục nhanh chóng sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hiệu ở Manila, Philippines ngày 11/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bài đăng trên trang blog chính thức của WB, các quan chức cho biết kịch bản sơ bộ dự báo kinh tế ở các nước đang phát triển sẽ giảm 2% trong năm nay, đánh dấu lần suy giảm đầu tiên ở các nền kinh tế này kể từ năm 1960 và đảo ngược so với mức tăng trưởng trung bình 4,6% suốt 60 năm qua.

Bà Ceyla Pazarbasioglu, Phó Chủ tịch của bộ phận Tăng trưởng công bằng thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), và ông Ayhan Kose, Giám đốc của bộ phận Triển vọng Phát triển, cho biết ngay cả khi các biện pháp kiểm soát dịch trong ba tháng qua có hiệu quả trong việc ngăn chặn đại dịch lây lan, các nhà đầu tư và hộ gia đình vẫn có thể còn nhiều lo ngại, hay thậm chí chuỗi cung ứng địa phương hoặc toàn cầu có thể không hồi phục.

Trong kịch bản như vậy, tác động của dịch bệnh đến sản lượng toàn cầu sẽ lớn hơn. Khi đó, các nền kinh tế đang phát triển sẽ trải qua một cuộc suy thoái sâu sắc hơn và có thể dẫn tới mức suy giảm gần 3%.

Theo đánh giá của WB, các quốc gia thuộc nhóm đang phát triển có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch COVID-19, vì họ thiếu hệ thống y tế đủ mạnh trong khi số lượng người dân đang trong tình trạng nghèo cùng cực lại lớn hơn. Do vây, các quan chức WB kêu gọi những quốc gia giàu có, các tổ chức và khu vực tư nhân nên đưa ra nhiều biện pháp hơn so với hiện tại để giúp các nước đang phát triển quản lý ứng phó với đại dịch, đẩy nhanh quá trình phục hồi và ngăn chặn khủng hoảng khả năng thanh toán nợ của những nước này.

WBG và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cam kết chi ra những khoản hỗ trợ rất lớn để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng. Hồi tuần trước, Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đồng ý đình chỉ yêu cầu thanh toán nợ song phương chính thức cho các nước nghèo nhất.

Song các tác giả cảnh báo nếu quy mô của các chính sách phản ứng không tương xứng với quy mô của cuộc khủng hoảng hiện nay, thiệt hại từ dịch bệnh sau này sẽ lại đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nhiều.

Tính đến sáng ngày 25/4 (giờ Việt Nam) trang mạng chuyên về thống kê worldometers.com cho thấy thế giới đang ngày càng tiến gần hơn đến mốc 3 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, khi có thêm tới hơn 100.000 ca nhiễm mới chỉ trong 24h. Số ca tử vong cũng gần chạm ngưỡng 200.000 người, tăng hơn 6.000 ca tử vong mới so với sáng qua. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng đang điều trị giảm nhẹ hơn 300 ca so với hôm qua, hiện còn 58.361 ca. Đã có 770.977 người khỏi bệnh.

H.Thủy (TTXVN)
WB: COVID-19 làm 'rung chuyển' thị trường hàng hóa
WB: COVID-19 làm 'rung chuyển' thị trường hàng hóa

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Triển vọng Thị trường hàng hóa tháng 4/2020, trong đó nhận định rằng giữa bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp vì đại dịch COVID-19, việc đình chỉ hầu hết các hoạt động kinh tế đã ngay lập tức tác động đến thị trường hàng hóa thế giới. Thậm chí, những ảnh hưởng này có thể kéo dài trong nhiều tháng tới. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN