Sau khi báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu được công bố, Chủ tịch WB David Malpass nói với các phóng viên rằng tình trạng sụt giảm do đại dịch gây ra trong năm 2020 khiến khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp, cũng như nhiều nền kinh tế mới nổi gặp khó khăn.
Báo cáo cho biết mức nợ ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm qua, và mặc dù tăng trưởng của các nền kinh tế thu nhập thấp được dự báo sẽ tăng lên 4,9% trong năm 2022 và lên 5,9% vào năm 2023, song thu nhập bình quân đầu người tại một số nước mới nổi và đang phát triển được dự báo vẫn dưới mức trước đại dịch trong năm 2022.
Chỉ riêng trong năm 2022, các quốc gia nghèo nhất đã phải đối mặt với khoản chi trả nợ trị giá 35 tỷ USD cho các chủ nợ song phương và tư nhân, trong đó hơn 40% là cho Trung Quốc, sau đợt "đóng băng" thanh toán nợ kết thúc năm 2021.
Ông Malpass cho biết rủi ro vỡ nợ đang gia tăng, và việc các nền kinh tế phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ có hiệu ứng lan rộng. Ông Malpass cũng nhắc lại lời kêu gọi cải cách khuôn khổ chung do các chủ nợ của Câu lạc bộ Paris và G20 đưa ra hồi tháng 11/2020.
Khuôn khổ này nhằm mục đích giảm nợ thông qua việc gia hạn thời gian đáo hạn và giảm lãi suất cho các quốc gia đủ điều kiện để được hưởng chính sách trả nợ theo Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI), tuy nhiên tiến độ còn chậm chạp.
Malpass cho biết cần phải giảm nợ sâu cho các nước nghèo hơn. Nếu phải chờ đợi quá lâu, tình hình tại các nước này sẽ kém khả quan. Ông Malpass lưu ý rằng Chad, quốc gia đầu tiên yêu cầu xử lý theo khuôn khổ trên cách đây một năm, vẫn đang chờ hoàn tất quá trình xét duyệt. Cho đến nay, chỉ có ba quốc gia yêu cầu tái cơ cấu nợ, nhưng những quốc gia khác cũng cần được giúp đỡ.
Báo cáo trên cho biết các nước mắc nợ cũng cần xây dựng các khuôn khổ tài khóa và tăng tính minh bạch về nợ.