Điều này khiến toàn tuyến của quốc lộ 24 từ TP Kon Tum đến huyện Kon Plong vẫn chưa thông tuyến với khoảng 1 km chưa thể thi công hoàn thiện.
Đền bù giá “1 m2 đất bằng ổ bánh mì” Quốc lộ 24 đoạn qua TP Kon Tum. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Với đơn giá bồi thường 16.000 đồng/m2 đối với đất nông nghiệp, 400.000 đồng/m2 với đất ở theo Quyết định số 50/2013/QĐ-UBND tỉnh Kon Tum khiến các hộ dân chịu ảnh hưởng của gói thầu số 7 - quốc lộ 24 không đồng tình và tiến hành bàn giao mặt bằng. Việc chậm bàn giao mặt bằng khiến Tiểu dự án quốc lộ 24 không thể hoàn thành vào năm 2015 theo như kế hoạch.
Là một hộ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của Dự án quốc lộ 24, với 3 lần điều chỉnh diện tích đất bị thu hồi lần lượt là hơn 810 m2, 496 m2 và quyết định điều chỉnh cuối cùng là 253 m2 (nhưng gia đình ông không nhận), hộ gia đình ông Nguyễn Hoàng Hiệp (xã Đăk Bla, TP Kon Tum) được đền bù tổng cộng hơn 69 triệu đồng cho 496,10 m2 đất.
Đặc biệt, với 496,10 m2 đất nông nghiệp nằm ở mặt tiền đường Quốc lộ 24 được tính với đơn giá bồi thường 16.000 đồng, gia đình ông được bồi thường tổng cộng gần 8 triệu đồng.
Việc đền bù 1 m2 đất với đơn giá “bằng một ổ bánh mì” khiến gia đình ông Hiệp và một số hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng không đồng ý, dẫn đến Quốc lộ 24 chưa thể thông thoáng, tình trạng khiếu kiện kéo dài trong nhiều năm qua.
“Khi chúng tôi nhận được quyết định thu hồi đất thì không phân định đất đó thuộc đất gì? Với giá đất thổ cư 16.000 đồng/m2, gần 500m2 đất (dài 50 m, sâu 10 m) bị thu hồi, chúng tôi được bồi thường, hỗ trợ tổng cộng hơn 69 triệu đồng (gồm tiền hỗ trợ giá đất ở 50%).
Đơn giá như thế chúng tôi không thể chấp nhận. Vẫn biết khi đường thông, hè thoáng chúng tôi cũng được hưởng lợi, sẵn sàng nhường đất để dự án sớm hoàn thành, nhưng phải hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật"- ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.
Cũng bị thu hồi gần như toàn bộ diện tích đất ở là 148m2, hộ gia đình anh Phan Thái Bình (xã Đăk La,TP Kon Tum) cũng chỉ nhận được mức đền bù 16.000 đồng/m2 đất nông nghiệp, 400.000 đồng/m2 đất ở, cùng với hỗ trợ đơn giá đất ở 50%, gia đình anh có tổng cộng hơn 41 triệu đồng.
“Với số tiền đó, chúng tôi sẽ sinh sống, mua đất, xây dựng nhà cửa được không. Bây giờ, muốn mua đất tại chỗ cũng chưa thể mua nổi được 1 m2 đất ở chỗ này chứ đừng nói mua chỗ khác”, anh Bình bức xúc.
Hiện gói thầu số 7 - Tiểu dự án Quốc lộ 24 còn 11 hộ chưa đồng ý với phương án bồi thường mà TP Kon Tum đưa ra. Dù nhiều lần đối thoại trực tiếp với dân nhưng đến nay 11 hộ dân này vẫn chưa chấp nhận bồi thường, bàn giao đất cho đơn vị thi công.
Theo ông Nguyễn Thành Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Kon Tum, đơn giá bồi thường áp dụng theo Luật Đất đai 2003 và Quyết định 50 của UBND tỉnh Kon Tum nên không thể thay đổi được. Nếu các hộ trên không chịu bàn giao đất thì buộc phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chưa minh bạch trong đền bù giá đất Thi công trong ngày động thổ khởi công dự án quốc lộ 24. Ảnh: Sỹ Thắng/TXVN |
Theo phản ánh của nhiều hộ dân, trong quá trình thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tại gói thầu số 7, UBND TP Kon Tum và Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố đã không công khai, minh bạch theo đúng theo quy định của Luật Đất đai.
Đồng thời, phương án bồi thường, hỗ trợ do Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP Kon Tum lập sau khi tiến hành đo đạc, thống kê tài sản trên đất là không thỏa đáng.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, thôn Kon Hrinh, xã Đăk Blà (TP Kon Tum) thắc mắc: “Phương án bồi thường đáng lẽ phải được niêm yết công khai để nhân dân cùng biết, nhưng chúng tôi không hề được nhìn thấy bản niêm yết công khai. Phương án bồi thường điều chỉnh bổ sung đã được phê duyệt từ ngày 15/1/2015, một số hộ dân đã nhận xong tiền đền bù, nhưng đến ngày 22/4/2015 chúng tôi mới nhận được Quyết định thu hồi đất. Như vậy là đúng hay sai?".
Bên cạnh đó, sau khi dự án được triển khai năm 2013, UBND TP Kon Tum và Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố iến hành kiểm kê, đo đạc đất và thẩm tra tài sản trên đất của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Ngày 14/1/2014, UBND TP Kon Tum ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ gói thầu số 7 địa bàn xã Đăk Blà.
Theo quy trình, trích lục thu hồi đất và phương án bồi thường tại quyết định này phải được niêm yết công khai và gửi đến từng hộ dân có đất bị thu hồi. Thế nhưng, theo ông Hiệp thì “đến nay người dân tại gói thầu số 7 không hề biết nội dung của Quyết định số 28/QĐ-UBND”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ dân chưa chấp nhận với phương án đền bù của TP Kon Tum vì cho rằng “có sự mập mờ” trong quá trình đền bù, thu hồi đất.
“Khi thu hồi chúng tôi không có phương án bồi thường; không niêm yết công khai phương án bồi thường; không họp dân để lấy ý kiến; không phê duyệt giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật để bồi thường và giá đất tái định cư. Quyết định phê duyệt bồi thường không quy định cụ thể những người dân có tài sản bị thiệt hại”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thành Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Kon Tum thừa nhận có thiếu sót, bởi khi chuẩn bị công khai phương án bồi thường cho dân thì có sự thay đổi về tuyến đường. Do vậy, khối lượng kiểm kê, đo đếm có sự thay đổi, chưa thể công khai. Đây là lý do khiến người dân khiếu kiện.
Về vấn đề đền bù theo Luật Đất đai 2003 mà không phải theo Luật Đất đai đã sửa đổi, ông Nguyễn Thành Nghĩa cho biết, đây là công trình chuyển tiếp, khi thực hiện phương án đền bù, áp dụng Luật Đất đai 2003 nên bây giờ vẫn phải áp dụng theo Luật Đất đai 2003 chứ không thể thay đổi được.
Trước những khó khăn, vướng mắc chưa có giải pháp tháo gỡ, phóng viên đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Văn Điệu, Phó Chủ tịch UBND TP Kon Tum.
Theo ông Điệu, hướng sắp tới, UBND thành phố đề xuất với tỉnh và tỉnh đã chỉ đạo thành lập một tổ liên ngành gồm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng, Chánh Thanh tra và Chủ tịch UBND thành phố đã tổng hợp và đề xuất với tỉnh phương án tối ưu nhất để đối thoại trực tiếp với các hộ này.
"Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao cho Thanh tra tỉnh tiến hành kiểm tra toàn diện phương án bồi thường của các hộ này, phân tích các mặt lợi, không lợi và thiếu sót. Từ đó, đề xuất với tỉnh để tìm giải pháp tháo gỡ. Nếu đã thực hiện đúng thì cứ theo đúng quy định của pháp luật", Phó Chủ tịch UBND TP Kon Tum cho hay.
Tuyến đường quốc lộ 24 là tuyến giao thông huyết mạch nối tỉnh Kon Tum với tỉnh Quảng Ngãi, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Kon Tum và Quảng Ngãi, cũng như các tỉnh lân cận. Vì vậy, việc thông toàn tuyến sẽ tạo cơ hội, để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, gắn kết vùng kinh tế Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung.
Với tầm quan trọng đó, hi vọng trong thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh Kon Tum sớm tìm ra giải pháp, tháo gỡ vướng mắc còn tồn tại để công trình sớm hoàn thành và đi vào sử dụng, phát huy được tầm quan trọng của tuyến quốc lộ huyết mạch này.