Theo Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men, trong vụ Thu Đông 2024, nông dân vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thành phố Gò Công xuống giống trên 5.400 ha rau màu các loại phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm, đặc biệt là Tết Dương lịch, nâng tổng diện tích rau màu qua các vụ sản xuất liên tiếp trong năm 2024 lên 33.100 ha và sản lượng cả năm trên 700.000 tấn rau màu thương phẩm. Hiện nay, trà rau màu vụ Thu Đông tại các địa phương trong vùng đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ bội thu.
Trong những tháng cuối năm 2024, rau màu có giá nên đã mang lại cho nông dân địa phương một nguồn lợi kinh tế khá. Theo bà con đã thu hoạch trà rau đầu vụ cho biết, ước tính nông dân thu lãi bình quân gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa thâm canh năng suất cao.
Gò Công Tây là một trong những địa bàn trọng điểm về trồng rau màu tại khu vực ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh Tiền Giang. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây Lê Thị Thanh Minh, trong vụ Thu Đông 2024, nông dân trong huyện trồng được trên 1.675 ha rau màu thực phẩm, chủ yếu là hành, hẹ, bầu, bí, mướp... Với sản lượng dự kiến khoảng 36.000 tấn rau màu các loại cung ứng cho thị trường.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây cho biết, trong nỗ lực phát huy tiềm năng và thế mạnh ngành hàng rau màu theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, huyện quy hoạch các vùng sản xuất rau tập trung tại các xã Bình Tân, Yên Luông, Thạnh Trị, Long Bình, Vĩnh Hựu, Bình Nhì….
Còn theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, rau màu được xem là một trong những cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu tại các huyện, thành vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tiếp giáp biển Đông nhiều khó khăn của tỉnh: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, thành phố Gò Công.
Thực hiện mục tiêu, các địa phương đã quan tâm tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyển đất trồng lúa ở những địa bàn khó khăn, thường xuyên ảnh hưởng hạn mặn sang trồng rau màu vụ Thu Đông thay cho vụ lúa năng suất bấp bênh, thường xuyên bị thiên tai đe dọa trước đây.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thành trong khu vực cũng phát huy vai trò hỗ trợ nông dân, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp trên lĩnh vực thâm canh rau màu như: sử dụng giống lai F1, bón phân cân đối, đầu tư hệ thống tưới phun tiết kiệm nước, nhân rộng mô hình trồng rau màu trong nhà màng, nhà lưới,…; tiến tới hình thành các hợp tác xã chuyên canh rau gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho bà con nông dân, nhân rộng mô hình trồng rau màu theo tiêu chí VietGAP hoặc trồng rau an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường cũng như tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường.
Theo đó, vùng đã thành lập được hàng chục hợp tác xã chuyên canh rau an toàn thu hút hàng ngàn thành viên các vùng chuyên canh rau. Điển hình như: Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng (Gò Công Tây), Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới (Gò Công Tây), Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (Gò Công Tây), Hợp tác xã rau an toàn Bình Nghị (Gò Công Đông), Hợp tác xã rau an toàn Tân Đông (Gò Công Đông)…
Nhằm liên kết sản xuất, giải quyết đầu ra cho sản phẩm của nông dân, các hợp tác xã còn chủ động tăng cường quan hệ, xúc tiến thương mại cho cây rau màu, tích cực ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, các chợ đầu mối trong ngoài tỉnh như: Metro, Mega Market, Bách hóa Xanh, …Trung bình mỗi hợp tác xã cung cấp cho các đầu mối liên kết tiêu thụ từ 5 - 7 tấn rau/ngày. Nhờ vậy, nông dân an tâm tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh (xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây) Nguyễn Thanh Quang cho biết, thông qua liên kết sản xuất, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng cho các siêu thị, bếp ăn tập thể trong ngoài tỉnh từ 4 - 5 tấn rau an toàn VietGAP.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, với vòng quay từ 8 - 10 vòng/năm, trung bình mỗi năm, nông dân trồng rau màu ở các huyện, thành vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông đạt lợi nhuận từ 120 - 150 triệu đồng/ha, cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa năng suất cao. Nhờ trồng rau màu, nhiều hộ nông dân trong vùng ngọt hóa Gò Công đã vượt khó, thoát nghèo và tạo dựng cơ nghiệp vững bền.