Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Theo chân cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình đến thăm mô hình trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi của gia đình chị Nguyễn Thị Liên tại xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Từ gia đình thuộc hộ nghèo, nhờ tiếp cận và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, gia đình chị Liên nay đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống no ấm.
Chị Liên chia sẻ, năm 2017, biết được các chương trình cho vay tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh dành cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách nên chị mạnh dạn làm hồ sơ và được xét duyệt cho vay 20 triệu đồng từ vốn chương trình cho vay hộ nghèo để mua gà về chăn nuôi.
Cùng với số tiền vay thêm người thân, vợ chồng chị chăn nuôi 100 con gà và 5 con bò. Cuối năm 2018, chăn nuôi thuận lợi, gia đình tôi đã có lãi hàng chục triệu đồng/năm và thoát diện hộ nghèo của xã.
Năm 2019, với mong muốn mở rộng diện tích chăn nuôi lên 2 ha để trồng cây ăn quả kết hợp với chăn nuôi, chị Liên tiếp tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với số tiền 50 triệu đồng.
Nhờ nguồn vốn vay kịp thời của Ngân hàng Chính sách đã góp phần giúp gia đình chị có nguồn vốn phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Đến nay, mô hình trang trại của gia đình chị đã phát triển cho doanh thu gần 500 triệu đồng/năm.
Xã Phú Long là 1 trong 5 xã vùng cao của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Xã có 38,8% đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó chủ yếu là người dân tộc Mường. Nhiều năm qua, nhờ có nguồn vốn chính sách đã giúp cho hàng nghìn hộ dân vay vốn phát triển sản xuất góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã.
Ông Nguyễn Đình Độ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết, thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương đã phát huy hiệu quả cao như: trồng thanh long, trồng bưởi, nuôi vịt, ngan, nuôi bò sinh sản... Đặc biệt, trong năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 230 lượt hộ dân trong xã với số tiền hơn 9 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2020, tổng các chương trình cho vay tại xã dư nợ đạt trên 35 tỷ đồng. Những hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn này đến nay đã có rất nhiều hộ thoát nghèo và nhiều hộ đã trở thành những hộ giàu của xã. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo xã là 3,33%/năm đến cuối năm 2020 giảm còn 1,9%.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình hiện đang triển khai thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi. Trong số đó, nguồn vốn tín dụng chính sách được chú trọng ưu tiên tập trung tại địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, các xã thuộc vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới.
Với đa dạng các chương trình tín dụng, thủ tục cho vay đơn giản, công khai, minh bạch, tín dụng chính sách đã và đang là đòn bẩy kinh tế quan trọng đối với các hộ nghèo, cận nghèo và nhiều đối tượng chính sách khác.
Ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết, để có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, ngân hàng đã tích cực huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đồng thời tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn Trung ương và vốn ủy thác của địa phương; tích cực thu hồi nợ.
Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu vốn trên địa bàn, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đảm bảo 100% hộ có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận vốn tín dụng chính sách theo quy định. Việc điều hành kế hoạch tín dụng được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời giữa các đơn vị, giữa các chương trình được cho phép do vậy đã nâng cao hiệu suất sử dụng vốn, không để tồn đọng vốn.
Trong năm qua, cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, ngân hàng đã tập trung củng cố chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, nhất là chất lượng hoạt động tín dụng từ cơ sở. Do đó, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Cùng với tập trung vốn triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, ngân hàng còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội các cấp tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hộ vay vốn tín dụng chính sách bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 và đã triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho khách hàng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn.
Kết quả, năm 2020, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng ngân hàng vẫn duy trì mức tăng trưởng dư nợ trên 8%. Năm 2020, trên 27 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ngân hàng; trong đó, có trên 6 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách có vốn đầu tư phát triển kinh doanh với số vốn trên 900 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 3 nghìn hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 2 nghìn lao động; xây dựng trên 14 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh; giúp gần 1 nghìn lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường. Tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ ngân hàng đạt trên 2,6 nghìn tỷ đồng với trên 76 nghìn hộ còn dư nợ.
Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình tiếp tục tạo điều kiện quan tâm đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dễ dàng cũng như góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Ngân hàng khai thác, tranh thủ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương, bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách xã hội vay.