Phát biểu tại hội thảo “Việt Nam: Hiện tại và triển vọng” tại Tokyo, Đại sứ Vũ Hồng Nam khẳng định Chính phủ Việt Nam ủng hộ việc nới lỏng các quy định về thị thực để thu hút thêm lao động nước ngoài. Đây là nhu cầu khách quan của tất cả các nước khi hội nhập kinh tế quốc tế bởi vì, khi nền kinh tế thiếu nhân lực, có thể dẫn tới hai hệ lụy là giá nhân công tăng cao do sự chênh lệch cung-cầu về lao động và doanh nghiệp phá sản vì không có đủ nhân lực để đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, trước đây, hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản được thực hiện theo chương trình thực tập sinh. Tuy nhiên, chương trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, tạo ra bất lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Do vậy, Đại sứ cho biết thỏa thuận mới về hợp tác trong lĩnh vực lao động sẽ sớm được ký kết giữa Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội (MOLISA) của Việt Nam và ba cơ quan của Nhật Bản, gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) và Cơ quan Cảnh sát quốc gia (NPA). Đại sứ Vũ Hồng Nam hy vọng việc tiếp nhận lao động theo chính sách thị thực mới của Nhật Bản sẽ sớm thực hiện, góp phần giúp nước này duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và doanh nghiệp Nhật Bản duy trì hoạt động sản xuất.
Hội thảo “Việt Nam: Hiện tại và triển vọng” là một sự kiện do Trung tâm ASEAN-Nhật Bản tổ chức với sự tham dự của gần 200 doanh nghiệp và chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của Nhật Bản. Tại hội thảo, Đại sứ Vũ Hồng Nam đã điểm lại một số thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam và quan hệ kinh tế Việt-Nhật trong thời gian qua.
Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài bởi vì, Việt Nam có sự ổn định về chính trị-xã hội, nền kinh tế phát triển nhanh với tiềm năng tăng trưởng cao, chính sách thông thoáng với nhiều ưu đãi, cơ sở hạ tầng đang ngày càng được hoàn thiện, nguồn nhân lực dồi dào, chi phí sản xuất cạnh tranh.
Liên quan tới vấn đề thương mại, Đại sứ Vũ Hồng Nam nhấn mạnh hiện nay, một số nước trên thế giới đang gia tăng các chính sách bảo hộ, đi ngược lại với xu thế tự do hóa và mở của thương mại toàn cầu. Mặc dù vậy, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục mở cửa. Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) trên toàn thế giới và đang tham gia đàm phán về 3 FTA khác.
Về hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Đại sứ Vũ Hồng Nam đánh giá cao vai trò của Nhật Bản trong quá trình đàm phán hiệp định này. Đại sứ Vũ Hồng Nam nhận định CPTPP sẽ giúp cắt giảm toàn diện thuế quan đối với các sản phẩm có thế mạnh của Nhật Bản. Chẳng hạn, đối với ô tô và phụ tùng ô tô – mặt hàng đang chiếm tới hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, sau khi CPTPP có hiệu lực, Nhật Bản có thể xuất khẩu ô tô sang Singapore với thuế suất 0%. Việt Nam đang áp thuế 70% đối với mặt hàng ô tô của Nhật Bản. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm nữa, mức thuế suất này sẽ giảm còn 0%.
Đối với Việt Nam, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho rằng CPTPP giúp tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam về thủ tục hải quan. Chẳng hạn, trước đây, theo tất cả các FTA cũ, các doanh nghiệp phải xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tuy nhiên, theo CPTPP, các doanh nghiệp tự khai giấy chứng nhận xuất xứ và không cần phải xin giấy phép. Bên cạnh đó, quy định về phán quyết trước cho phép thông quan nhanh hơn mà không phải chờ quyết định áp thuế. Ngoài ra, với CPTPP, 11 thị trường sẽ gắn kết với nhau theo cùng một tiêu chuẩn.
Cũng tại hội thảo, Đại sứ Vũ Hồng Nam cùng với các tham tán thương mại và đầu tư của Việt Nam tại Nhật Bản đã giải đáp các câu hỏi của các đại biểu liên quan tới các vấn đề thương mại, đầu tư và lao động.