Hiện nay, bên cạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người lao động khi đi làm việc tại nước ngoài theo Nghị định 61/2015/NĐ – CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ, tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, tỉnh Ninh Thuận cũng đang triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ vay vốn từ ngân sách địa phương đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020 thông qua nguồn vốn ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh mỗi năm 2 tỷ đồng.
Nguồn vốn để hỗ trợ cho vay đối với đối tượng là người lao động thuộc diện: Hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân người có công với cách mạng, với mức hỗ trợ vay từ 50-100% các khoản chi phí, lệ phí hợp lệ cần thiết khi tham gia xuất khẩu lao động.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh đã tổ chức mở các phiên giao dịch việc làm và tư vấn xuất khẩu lao động cho gần 5.400 lao động, trong đó có 167 người đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài, tăng 45,2 % so với cùng kỳ và vượt 39,2 kế hoạch năm (kế hoạch năm 2018 đưa 120 lao động đi làm việc tại nước ngoài). Dự kiến đến cuối năm nay sẽ đưa khoảng trên 175 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Cùng với đó, tỉnh cũng đã giải quyết việc làm mới cho gần 14.000 lao động, tăng 1,3 % so với cùng kỳ năm 2017.
Người lao động chủ yếu đi các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả rập Xê út, Malaysia... Đây là những nước có điều kiện tuyển dụng phù hợp với đặc điểm, trình độ người lao động, việc làm ổn định cùng các chính sách chăm lo, quan tâm tới người lao động sau khi khi hoàn thành hợp đồng lao động về nước nên đã thu hút đông đảo người lao động ở Ninh Thuận đăng ký tham gia.
Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, đây là năm thứ hai hoạt động xuất khẩu lao động tại Ninh Thuận đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhiều người tham gia xuất khẩu lao động có hiệu quả, hàng tháng gửi tiền về cho gia đình đã giúp những lao động khác tại địa phương thay đổi tư duy tìm việc. Từ đó, số lao động đi làm việc tại nước ngoài không ngừng tăng lên qua các năm.
Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, cung cấp thông tin cho người lao động, chủ yếu là thanh niên để họ có cái nhìn đầy đủ về chính sách, pháp luật, khả năng phát triển kinh tế khi tham gia xuất khẩu lao động.
Để thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động đạt hiệu quả, hiện nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận đang tập trung chỉ đạo đơn vị liên quan phối hợp với các công ty xuất khẩu lao động uy tín tăng cường liên kết đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và ngoại ngữ ngay từ đầu vào, trang bị kỹ năng nghề nghiệp, tác phong, kỷ luật cho người lao động.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các thị trường lao động tiềm năng để tăng thêm cơ hội xuất khẩu lao động cho ứng viên. Các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giới thiệu gia đình có con em đi xuất khẩu lao động đạt hiệu quả cao để nhân rộng phong trào xuất khẩu lao động tại các địa phương.
Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho hay, xuất khẩu lao động hiện đang là hướng đi mới tích cực đối với lao động của tỉnh Ninh Thuận. Người lao động đi làm việc tại nước ngoài vừa giải quyết được các vấn đề việc làm vừa giúp hộ nghèo có cơ hội xóa đói, giảm nghèo.
Thời gian tới, để hoạt động xuất khẩu lao động đem lại hiệu quả cao, Sở tiếp tục chỉ đạo đơn vị liên quan triển khai rà soát, cập nhật thông tin về tình hình cung-cầu lao động, diễn biến thị trường lao động, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn chính sách của tỉnh về hỗ trợ, khuyến khích người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài. Các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để người lao động yên tâm khi đi xuất khẩu lao động.
Tổng dư nợ các chương trình cho vay ưu đãi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tính đến tháng 8/2018 đạt hơn 1.800 tỷ đồng với 73.933 khách hàng còn dư nợ. Trong hơn 15 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận (từ 2003 đến nay), các chương trình cho vay ưu đãi đã đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, gia đình chính sách tại tất các các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, miền núi, huyện nghèo và các xã thuộc vùng khó khăn, tạo điều kiện phát triển sản xuất, thêm việc làm, góp phần đáng kể cho việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.