Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam năm 2014 diễn ra ngày 19/6 tại TP Hồ Chí Minh, TS Marc Faber - chiến lược gia nổi tiếng thế giới, cùng lãnh đạo Quỹ Red River Holding, PXP Vietnam, Asia Frontier Capital... đều cho rằng, Việt Nam đang là một địa chỉ thu hút các nhà đầu tư, bởi các yếu tố của nền kinh tế về cơ bản là tốt và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện.


Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã thông qua chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong giai đoạn 2014 - 2015. Chương trình này đang mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tại Việt Nam, thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, tham gia cổ đông chiến lược tại DNNN.

Bên cạnh đó, Quốc hội đang xem xét sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng nhằm cải thiện môi trường pháp lý về đầu tư - kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và một số đạo luật khác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Tính đến tháng 4/2014, tổng số dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực ở Việt Nam trên 16.300 dự án, với tổng vốn đầu tư thực tế khoảng 238 tỷ USD.


Ông Thomas Hugger, Tổng Giám đốc Quỹ Asia Frontier Capital, cũng cho rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay đang được cải thiện. “Có thể thấy, hệ thống ngân hàng đang được tái cấu trúc quyết liệt. Cụ thể, Công ty quản lý tài sản quốc gia đã mua nợ xấu của ngân hàng; những ngân hàng yếu đang được củng cố thông qua hoạt động M&A; sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng - tài chính cũng có khả năng được nới room; hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng cũng đã được cải thiện để tích cực xử lý những sai phạm trong lĩnh vực này. Mặt khác, Chính phủ cũng đã có những động thái trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế như hạ lãi suất cho vay, giảm thuế cho các cá nhân và doanh nghiệp, đưa ra các gói kích thích với nhiều lĩnh vực”, ông Thomas Hugger dẫn chứng.


Dòng vốn đang chảy mạnh


Với sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam, ông Thomas Hugger nhận định: Dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chảy mạnh vào các ngành điện tử, dệt may và năng lượng... Trong đó, tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Samsung và Intel đã đóng góp tích cực đối với việc thu hút đầu tư của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Việt Nam chuẩn bị tham gia các hiệp định thương mại tự do với các nước và trong khu vực ASEAN 2015 cũng tạo nên sức hút đối với các nhà đầu tư.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2014 đạt 5,51 tỉ USD, tương đương 65,7% năm 2013. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4,6 tỉ USD (tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2013).

Xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI chiếm 67% tổng giá trị xuất khẩu cả nước (tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái), nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI chiếm 54% tổng giá trị nhập khẩu (tăng 11,4%). Lĩnh vực chế tạo và sản xuất tiếp tục thu hút nhiều vốn FDI nhất với 3,92 tỉ USD, tiếp theo là lĩnh vực xây dựng (463 triệu USD) và bất động sản (399 triệu USD).


Trong khi đó, TS Macr Faber cũng cho hay, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rõ nhất vẫn là thị trường chứng khoán (TTCK). Bởi hiện nay, TTCK Việt Nam ở chu kỳ chạm đáy như hiện nay có thể là yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế và giá trị cổ phiếu Việt Nam đang rất tốt. Đến tháng 4/2014, lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trên TTCK Việt Nam đã lên đến con số hàng tỷ USD. Hiện có trên 17.000 tài khoản được mở bởi các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài. Nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đầu tư vào TTCK Việt Nam và không ngừng gia tăng đầu tư vào doanh nghiệp.


Đồng tình quan điểm, ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital - tập đoàn quản lý tài sản, quản lý đầu tư và phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, cho biết: “Mặc dù tình hình căng thẳng ở Biển Đông có tác động đến niềm tin của nhà đầu tư, nhưng TTCK vẫn thu hút mạnh dòng tiền đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân là Chính phủ Việt Nam đã và đang xử lý khá tốt các vấn đề xảy ra gần đây và nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn vững chắc”.


Nghiên cứu của Công ty VinaCapital 5 tháng đầu năm cũng cho thấy, trong 38 quốc gia đang đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, Hàn Quốc đang dẫn đầu về lượng vốn đầu tư đăng ký mới, đạt 1,31 tỉ USD. Theo sau đó là Hong Kong (630 triệu USD), Nhật Bản (589 triệu USD) và Singapore (513 triệu USD). Riêng trong năm 2013, vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam là 21,6 tỉ USD, tăng 54,5% so với năm 2012. Dòng vốn FDI là dòng tiền dài hạn sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP.


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lo ngại, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn cao. Do đó, cần tiếp tục có chính sách xử lý nợ xấu, đồng thời nới room cho nhà đầu tư nước ngoài để thu hút dòng vốn đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn.


Hải Yên

Khách sạn Việt Nam vẫn hút vốn đầu tư ngoại
Khách sạn Việt Nam vẫn hút vốn đầu tư ngoại

Nhu cầu nội địa tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong vòng ba năm trở lại đây, tăng trung bình 7-8% mỗi năm, bên cạnh đó là tỷ suất sinh lời đang hấp dẫn hơn trong lĩnh vực đầu tư khách sạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN