Sáng 22/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Diễn đàn: “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công và bài học kinh nghiệm, giải pháp bứt phá năm 2019”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự Diễn đàn.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,382 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị suất siêu đạt trên 7 tỷ USD.
Năng lực chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản có sự tăng trưởng về quy mô, số lượng. Đến nay, cả nước có khoảng 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm 95%, khoảng 3,5% doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu trên 1.800 doanh nghiệp, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017. Trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm 65%, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư hoặc liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài.
Lao động ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản tăng cả về số lượng, chất lượng. Hiện nay, cả nước có khoảng 500.000 lao động trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản.
Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản được mở rộng. Năm 2005, sản phẩm gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam mới xuất khẩu đến 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đến năm 2018 đã có mặt ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong năm 2018 tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm thị phần lớn gồm: Hoa Kỳ 3,98 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2017, chiếm 42,5%; Nhật Bản 1,21 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2017; Trung Quốc 1,09 tỷ USD, giảm 0,36% so với năm 2017; Hàn Quốc 0,96 tỷ USD, tăng 41,5% so với năm 2017; EU 0,9 tỷ USD, tăng 5,28% so với năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã thấy hiệu quả. Đến nay nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước đáp ứng phần lớn nguyên liệu chế biến gỗ, giảm mạnh tỷ trọng nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Năm 2018, sản lượng gỗ khai thác nội địa 28,45 triệu m3, tăng 6% so với năm 2017”.
“Tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do (FTA), chính sách thuế xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định đã và đang được cắt giảm hoặc xóa bỏ, như hiệp định thương mại giữa Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam- Nhật Bản; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm đồ gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh các thị trường truyền thống, sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới, tiềm năng như: Canada, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung Nam Á… mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí phong cách cổ điển.
Tuy nhiên, thị trường thương mại đồ nội thất và đồ gỗ của thế giới lớn với khoảng 430 tỷ USD, giá trị thương mại đồ nội thất và ngoại thất khoảng 150 tỷ USD. Nhưng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cảnh báo: “Chủ nghĩa bảo hộ quốc tế đang có xu hướng gia tăng, nhiều chính sách tạo lập, rào cản kỹ thuật của nhiều quốc gia là thách thức đối với sự phát triển, xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Mặt khác, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang là thị trường lớn của ngành này, chắc chắn sẽ tác động nhiều mặt, đồng thời cả mặt thuận và không thuận đến tăng tưởng bền vững đối với ngành chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản. Do vậy, yêu cầu quản lý nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm “sạch” là thách thức đối với công tác quản lý nhà nước”.
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Hiệp hội gỗ và lâm sản trên cả nước để nắm bắt tình hình thị trường, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, qui chuẩn Việt Nam về lĩnh vực chế biến lâm sản, sản phẩm lâm sản để từng bước tiêu chuẩn hóa các sản phẩm gỗ của Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng các biện pháp phòng vệ thương mại và xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị ngoài Bộ kiểm soát chặt chẽ nguồn gỗ nhập khẩu và gian lận xuất xứ hàng hóa để lẩn tránh thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp và xuất nhập khẩu, cung cấp thông tin thị trường để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.