Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra bài toán với ngành đó là hiện sản phẩm gỗ Việt Nam mới chỉ chiếm 6% thị phần thế giới, vì vậy cần có chiến lược phát triển thị phần để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến xuất khẩu gỗ vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 11 tỷ USD, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp; xây dựng kế hoạch cụ thể để kịp thời tuyên truyền và xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách thực thực hiện các cam kết quốc tế mới như: CPTPP, VPA/FLEGT để hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển ổn định.
Ngành cũng đảm bảo cung ứng khoảng 37,5 triệu m3 gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Theo đó, ngành tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo thông lệ, tiêu chí quốc tế; hạn chế xuất khẩu nguyên liệu gỗ thô.
Ngành cũng sẽ tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; vận động người dân thay đổi tập quán canh tác trồng rừng từ quảng canh sang thâm canh rừng. Ngành sẽ cùng các địa phương tiếp tục rà soát, rút kinh nghiệm để hoàn thiện và nhân rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng rừng nhằm chủ động nguồn nguyên liệu.
Về tận dụng các cơ hội từ các FTA, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ duy trì tăng trưởng ổn định tại các thị trường hiện có và tìm kiếm mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường mới nổi.
Chia sẻ tại Diễn đàn về cơ hội của ngành gỗ trước Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu sản phẩm gỗ sang các thị trường các nước thành viên CPTPP sẽ tăng nhờ hàng rào thuế quan. Các doanh nghiệp sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia thành viên như Peru, Chile và Brunei. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên liệu từ các nước thành viên CPTPP như Canada và Chile để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường trong khối.
Với Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, VPA/FLEGT không chỉ giúp tăng trưởng xuất khẩu vào EU. Một số quốc gia đang xem xét việc công nhận giấy phép FLEGT. Điều này sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tăng không chỉ ở các quốc gia trong EU mà còn ở các quốc gia khác.
Trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0, bà Dương Thị Tú Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Thượng Nguyên cho rằng, doanh nghiệp mới dừng ở công nghệ tự động hóa, tức là công nghệ 3.0. Các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho thiết kế cũng như trang bị thêm công nghệ để tăng lợi thế cạnh tranh, nhất là khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn biến mạnh mẽ, những công nghệ chế biến, sản xuất gỗ mới liên tục được ra đời.
Theo bà Dương Thị Tú Trinh, các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này. Công nghệ hiện đại trong chế biến gỗ có yếu tố quyết định trong việc tăng tốc phát triển bền vững cho ngành gỗ. Việc sử dụng công nghệ hiện đại đi đôi với việc đào tạo con người trong sản xuất, vận hành hệ thống máy móc hiện đại, nâng tầm chất lượng lao động trong hội nhập để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao.
Bà Dương Thị Tú Trinh cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần có cơ chế khuyến khích ngành máy móc chế biến gỗ phát triển song hành cùng với ngành sản xuất gỗ để hướng tới sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng nên tạo điều kiện về vốn, ưu đãi về thuế để doanh nghiệp có thể mua được những công nghệ của các nước như: Đức, Italy, Nhật Bản…
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt 9,38 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, với giá trị suất siêu đạt 7 tỷ USD. Chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản là ngành hàng nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhất, đóng góp vào sự tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Chia sẻ về thành công này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năng lực chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản có sự tăng trưởng về quy mô, số lượng, chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đến nay, cả nước có khoảng 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm 95%.
Khoa học, công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ; sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển rừng để chủ động được nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chất lượng trong nước. Các mô hình sản xuất, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến với người trồng rừng nguyên liệu phát triển mạnh với những mô hình hiệu quả.
Thị trường xuất khẩu gỗ, lâm sản được mở rộng, hiện đã có mặt ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với những sản phẩm mẫu mã đẹp, phong phú về chủng loại đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á , thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Tại Diễn đàn, đã có 41 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự thành công của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu được vinh danh. Cụ thể, có 15 tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 26 tập thể và 5 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.