Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tại COP21, biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa số một tại tất cả các quốc gia dù giàu hay nghèo. Sau 20 năm đàm phán căng thẳng, lần đầu tiên, tại COP 21, 196 bên tham gia công ước khung của liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu đã đi đến một thỏa thuận buộc tất cả các nước cắt giảm lượng phát thải khí cacbon, chuyển từ kỷ nguyên năng lượng hóa thạch sang kỷ nguyên sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường.
Tổng thống Pháp Francois Hollande, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon vàThư ký điều hành Hội nghị COP 21 Christiana Figueres vui mừng khi Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu được thông qua. Ảnh: AFP/ TTXVN. |
Một số điểm quan trọng nhất đạt được là 196 nước thống nhất giảm nhẹ phát thải đủ nhanh để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2 độ C, hướng tới ngưỡng 1,5 độ C. Các nước phát triển cam kết đóng góp ít nhất 100 tỷ USD/năm giai đoạn 2020-2025 đồng thời cam kết chuyển giao tài chính, công nghệ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển. Các quốc gia đang phát triển nhận được hỗ trợ về thích ứng.
Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Qũy khí hậu xanh giai đoạn 2016 - 2020. Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Với kết quả này mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là việc chuyển đổi mạnh hoạt động nhà nước, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế theo hướng ít phát thải CO2.