Trong Hội thảo chiều 28/8 về “Thực trạng, thách thức trong quản lý và sử dụng thuốc trừ cỏ tại Việt Nam” do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ, tại Hà Nội, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều và khó kiểm soát.
Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng và cấm sử dụng ở Việt Nam hiện hành có 217 hoạt chất với 664 tên thương phẩm đăng ký phòng trừ cỏ dại trên các loại cây trồng và đất trồng trọt. Thuốc diệt cỏ dùng trên mọi đối tượng cây trồng, trong đó thuốc trừ cỏ dùng trên lúa là nhiều nhất (do diện tích đất trồng lúa hiện nay ở mức 7,8 triệu ha, chiếm 52,5% tổng diện tích đất trồng trọt).
Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Ảnh: TTXVN |
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn từ Bộ NN&PTNT, trung bình khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500-700 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng khoảng 900 tấn.
Theo số liệu của Viện Tài nguyên môi trường quốc tế, khối lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trên 1ha cây trồng/năm ở Việt Nam còn cao hơn một số nước trong khu vực. Việt Nam là 2kg/ha, trong khi Thái Lan 1,8kg/ha, Bangladesh là 1,1kg/ha, Senegan là 0,2kg/ha.
Thuốc trừ cỏ hiện nay vẫn chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp cải thiện sức lao động cho người nông dân. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Vì vậy, tăng cường việc quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc trừ cỏ là một yêu cầu đặc biệt cấp bách hiện nay trên thế giới và ở nước ta.