Trong khi đó, một giải pháp được cho là vừa giải quyết được những bất cập kể trên vừa minh bạch hóa việc thu phí, quản lý các trạm BOT là thu phí điện tử tự động không dừng (thu phí không dừng) thì vẫn “giậm chân tại chỗ", mặc dù Bộ Giao thông Vận tải liên tục đưa ra các mốc hoàn thành.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, toàn quốc có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc; trong đó Bộ quản lý 74 trạm và UBND các tỉnh, thành phố quản lý 19 trạm.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho hay, các trạm thu phí BOT hiện nay đang áp dụng hình thức thu phí thủ công, chủ yếu là con người và hệ thống máy tính thực hiện. Việc thu phí này qua thực tiễn triển khai đã bộc lộ một số khiếm khuyết.
Đó là việc ùn tắc giao thông trước và sau trạm thu phí, đặc biệt là trạm cửa ngõ các thành phố lớn. Nhân sự tham gia thu phí rất lớn, dẫn đến chi phí bị đội lên cao. Bên cạnh đó, việc thu phí hoàn trả theo phương án tài chính rất cần sự công khai minh bạch doanh thu trên đầu phương tiện đi qua trạm thu phí. Vấn đề môi trường, an ninh trật tự ở trạm thu phí cũng bộc lộ những bất cập. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí không dừng là hết sức cần thiết và cần phải quyết tâm thực hiện.
Về mốc triển khai dự án thu phí không dừng của Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí tự động không dừng, đối với các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí đang vận hành cho nhà cung cấp cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu phí không dừng chậm nhất đến ngày 31/12/2018.
Đối với các trạm còn lại trên toàn quốc, chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện thu phí tự động không dừng. Cũng tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chỉ đạo: Từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức BOT trên cả nước.
Về kết quả thực hiện, ông Nguyễn Viết Huy thông tin, dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 có 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và quốc lộ khác. Hiện đã hoàn thành lắp đặt xong 26 trạm, còn lại 18 trạm khác đang triển khai.
Đối với 33 trạm thuộc dự án thu phí không dừng giai đoạn 2, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thành việc đấu thầu, nhà đầu tư đang chuẩn bị tổ chức lắp đặt ngoài hiện trường. Dự kiến, các trạm thu phí của giai đoạn này sẽ được hoàn thành trong năm nay.
Về triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT do địa phương quản lý, theo ông Nguyễn Viết Huy, đến thời điểm này, đã có 6/14 địa phương có trạm thu phí triển khai thu phí không dừng hoàn thành việc lắp đặt vận hành; 8 địa phương đang nghiên cứu để tự triển khai, sau khi hoàn thành sẽ kết nối vào dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Tuy nhiên, số liệu từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, việc triển khai dán thẻ (thẻ E-tag) trên các phương tiện giao thông đang diễn ra khá chậm, mới có trên 700 nghìn xe trong tổng số 3,5 triệu ô tô của cả nước dán thẻ. Như vậy, tỷ lệ người sử dụng vẫn chưa đạt yêu cầu, chỉ khoảng 30% số xe đã dán thẻ sử dụng dịch vụ này.
Ông Nguyễn Viết Huy thừa nhận, việc khai thu phí không dừng trong thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là về số lượng phương tiện tham gia dịch vụ còn hạn chế. Nguyên nhân là do các quy định pháp luật liên quan đến thu phí không dừng chưa đầy đủ, đồng bộ dẫn đến số lượng người tham gia dịch vụ chưa cao; trong đó căn bản là thiếu chế tài bắt buộc người dân phải dán thẻ, sử dụng dịch vụ thu phí không dừng…
“Ngoài ra, do thu phí không dừng áp dụng công nghệ mới, liên quan đến lợi ích nhiều chủ thể (nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ, các ngân hàng và người sử dụng đường bộ) nên trong quá trình triển khai còn phát sinh nhiều vướng mắc trong đàm phán, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thu phí không dừng”, ông Nguyễn Viết Huy phân tích.
Đại diện Công ty TNHH thu phí tự động không dừng VETC (đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng giai đoạn 1) chia sẻ, trong quá trình thực hiện dán thẻ E-tag, nhiều người dân còn e ngại do đây sử dụng công nghệ mới, nhiều khách hàng và phương tiện chưa hiểu rõ phương thức vận hành khi xe lưu thông qua trạm. Có trường hợp lái xe sợ khi dán thẻ bị "giám sát" lộ trình trên toàn quốc nên không muốn tham gia.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, xã hội đang rất cần minh bạch trong thu phí BOT. Bởi nguồn thu phí cần phải được nhiều chủ thể quản lý; trong đó cần có sự quản lý giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài nhà đầu tư còn có ngân hàng, người dân giám sát. Đã đến lúc phải công khai, minh bạch để dư luận xã hội giám sát.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, việc áp dụng các công nghệ hiện đại trong thu phí là xu thế tất yếu nên hiệp hội rất ủng hộ. Đây là chủ trương lớn của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải nhằm hiện đại hóa hoạt động thu phí, đảm bảo việc thu phí minh bạch hơn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, đây là chủ trương lớn đem lại nhiều lợi ích nhưng thực hiện nhanh hay chậm là do có giải quyết hài hòa được lợi ích giữa 4 chủ thể: nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động, người sử dụng dịch vụ đường bộ và Nhà nước. Mặt khác, trong quá trình triển khai thu phí không dừng cần phải có giai đoạn chuyển tiếp. Trong giai đoạn chuyển tiếp, sẽ thực hiện thu phí hỗn hợp (cả thu phí tự động và thu phí thủ công) chứ thực hiện đồng bộ ngay thu phí không dừng sẽ khó thực hiện.
Để tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc thu phí không dừng, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức họp thường xuyên để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là việc tuyên truyền cho người dân. Bản thân các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng cần tuyên truyền đến lái xe việc dán thẻ để thực hiện. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải làm gương, dán trước, sử dụng trước. Kế đó là cán bộ nhà nước. Người dân thấy tiện ích họ sẽ sử dụng, do đó trước mắt cần phải có cơ chế khuyến khích người dân tham gia.
Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, thời gian qua, vẫn còn tình trạng người dân phản đối nhiều trạm BOT do đặt sai vị trí, mức phí còn cao, thiếu minh bạch trong việc quản lý thu phí. Do đó, cần chính sách mang tầm quốc gia đối với các trạm thu phí chứ không thể “cháy đâu chữa đó”. Trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải cần khẩn trương hoàn thành việc thu phí tự động không dừng theo đúng yêu cầu của Chính phủ.
Luật sư Lê Cao Cường, Giám đốc, Luật sư điều hành Công ty Luật An Viên (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, sở dĩ việc triển khai thu phí không dừng bị chậm một phần nguyên nhân do các nhà đầu tư BOT “sợ” minh bạch. Vì vậy, họ tìm đủ lý do để trì hoãn triển khai dịch vụ này. Do đó, cần sớm bổ sung chế tài xử lý các nhà đầu tư cố tình không triển khai sớm dịch vụ thu phí không dừng.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng cũng như tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc thu phí tại các trạm BOT, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các địa phương triển khai đồng thời nhiều giải pháp; trong đó có giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý (sửa đổi Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt), bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến việc thanh toán.
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có các văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên dán thẻ thu phí không dừng cho các phương tiện của các cơ quan bộ, ngành địa phương; Tăng cường việc tuyên truyền để người dân ủng hộ và sử dụng dịch vụ thu phí không dừng.
“Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam đẩy nhanh việc hoàn thiện đưa vào vận hành ngay trong năm 2019 Dự án Giám sát thu phí độc lập tại các trạm BOT để tăng cường công khai, minh bạch việc thu phí tại các dự án BOT. Cụ thể, dự án trên cho phép kết nối với tất cả trạm thu phí BOT, truyền dữ liệu thu phí về trung tâm giám sát của Tổng cục đường bộ Việt Nam. Các dữ liệu này đều là dữ liệu thô chưa qua hậu kiểm, nên đảm bảo đối soát được trực tiếp với trạm thu phí và có phản hồi các giao dịch nghi vấn, kiểm tra doanh thu tức thời và doanh thu một ngày của nhà đầu tư BOT”, ông Nguyễn Viết Huy chia sẻ.