Tuy nhiên, tại Việt Nam đây là lần đầu tiên áp dụng công nghệ này trong việc thu phí dịch vụ đường bộ. Việc sử dụng thẻ nhằm mục đích minh bạch trong thu phí giao thông đang tiếp tục được hoàn thiện.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Khoa học - Công nghệ - Môi trường và Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, công nghệ áp dụng cho dịch vụ thu phí tự động giai đoạn 1 đã được Bộ Giao thông Vận tải cho phép Công ty cổ phần VETC thực hiện là công nghệ RFID (Radio Frequency Identification).
Công nghệ này sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới. RFID đã được chứng minh có độ chính xác cao trong lĩnh vực thu phí tự động tại các nước có nền giao thông tương tự Việt Nam như Malaysia và Singapore...
“Vì là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam nên trong quá trình vận hành chắc chắn sẽ phải có nhiều điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt là phải xây dựng được hành lang pháp lý đầy đủ cho ETC hoạt động”, ông Tô Nam Toàn nhấn mạnh.
Về nguyên tắc hoạt động của công nghệ này, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần VETC (phụ trách công nghệ) cho hay, mỗi chip nhớ được gắn tại thẻ E-Tag sẽ chứa một mã số mang thông tin về xe và chủ xe đang lưu thông. Khi xe đi qua trạm thu phí thì đầu đọc được bố trí xung quanh trạm sẽ đọc mã số này và truyền về trung tâm điều hành.
“Tại trung tâm điều hành, các phần mềm sẽ tự động đối chiếu các thông tin về xe và kiểm tra tài khoản của chủ xe. Nếu các thông tin hợp lệ và số tiền trong tài khoản đủ cho chuyến đi thì sẽ tự động trừ số tiền qua trạm của xe tương ứng, ngoài ra chương trình cũng gửi số tài khoản còn lại cho chủ xe biết”, ông Vinh chia sẻ.
Giải thích thêm về quá trình thu phí tự động, ông Hồ Trọng Vinh cho biết, sẽ xây dựng tất cả các tình huống có thể xảy ra trong quá trình vận hành ETC. Cụ thể, trong các tình huống: xe không có thẻ E-Tag đi nhầm vào làn thu phí tự động, nhiều xe cùng qua trạm (trường hợp lưu lượng phương tiện lớn, gồm cả xe có thẻ E-Tag và không có), xe có thẻ E-Tag nhưng tài khoản hết hoặc không đủ tiền thì hệ thống thu phí tự động đều có các công cụ để phân loại và xử lý tức thì.
Điều đặc biệt là toàn bộ thông tin về thu phí sẽ được ghi nhận và lưu trữ giúp 3 chủ thể liên quan là nhà đầu tư BOT, chủ phương tiện và cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi trực tiếp các giao dịch ngay lập tức.
Chia sẻ thêm về thẻ E- Tag, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần VETC cho hay, thẻ được thiết kế gồm hai phần độc lập, một phần dán trên phương tiện và một phần được lưu trên hồ sơ để kích hoạt tài khoản giao thông ETC.
Tài khoản giao thông ETC là tài khoản điện tử để thanh toán và quản lý phí sử dụng đường bộ khi xe qua trạm thu phí. Mỗi tài khoản giao thông ETC được mở cho duy nhất một khách hàng đăng ký và được sử dụng để thanh toán cho một hoặc nhiều phương tiện theo yêu cầu của chủ tài khoản.
“Hiện tại, VETC miễn phí mở tài khoản và dán thẻ định danh E -Tag cho khách hàng lần đầu tham gia dịch vụ. Để đăng ký dán thẻ và mở tài khoản giao thông các chủ phương tiện có thể đến các điểm dịch vụ VETC, trạm thu phí có triển khai dịch vụ và các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn”, đại diện VETC thông tin.
Để sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng của VETC, điều kiện cần là trong tài khoản giao thông của khách hàng phải có số dư tối thiểu một lần phí qua trạm.
Nhằm hỗ trợ khách hàng trong việc nạp tiền vào tài khoản được dễ dàng hơn, VETC triển khai kênh nạp tiền tại các điểm dịch vụ của VETC (các trung tâm đăng kiểm, trạm thu phí có triển khai dịch vụ, điểm giao dịch Viettel, BIDV, mPos, Payoo) hoặc qua các kênh online như: ứng dụng VETC, Bank Plus, ViettelPay, *123# (Thuê bao Viettel), ứng dụng ngân hàng Agribank, ngân hàng điện tử, cổng thông tin khách hàng, ví điện tử MOMO, Vimo, Ví Việt… Điều kiện đủ, khách hàng phải đi vào làn thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí có triển khai hệ thống này.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại đã có 29 trạm thu phí trên toàn quốc đã triển khai thu phí tự động không dừng. Cụ thể các trạm thu phí tại khu vực phía Bắc gồm: Hà Nội – Bắc Giang (Bắc Ninh); Trạm Tiên Cựu (Hải Phòng); Tân Đệ (Thái Bình); Mỹ Lộc (Nam Định). Các trạm thu phí tại khu vực miền Trung gồm: Hoàng Mai (Nghệ An); Bến Thủy 1 và 2 (Nghệ An); Quán Hàu, Tasco Quảng Bình (Quảng Bình); Đông Hà (Quảng Trị); Phú Bài, Bắc Hải Vân (Huế); Hòa Phước, Tam Kỳ (Quảng Nam); Tư Nghĩa (Quảng Ngãi); Nam Bình Định, Bắc Bình Định (Bình Định)
Khu vực Tây Nguyên các trạm đã triển khai thu phí ETC gồm: Toàn Mỹ 14 (Đăk Nông); Đức Long 1, Đức Long 2 (Gia Lai). Các trạm tại khu vực miền Nam gồm: Cam Thịnh (Khánh Hòa) và Cầu Đồng Nai (Biên Hòa); Bình Thuận (Bình Thuận); Cần Thơ – Phụng Hiệp (Cần Thơ); Bạc Liêu (Bạc Liêu); Sóc Trăng (Sóc Trăng); An Sương – An Lạc (TP Hồ Chí Minh)….
Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, để việc thu phí tự động không dừng được triển khai đồng bộ trên cả nước, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xây dựng một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, áp dụng cho tất cả dự án đang và sẽ triển khai.
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thông tin, song song triển khai dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 và sắp tới là giai đoạn 2 (dự kiến tháng 3/2019 đấu thầu chọn nhà đầu tư), trong năm 2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ triển khai dự án Quản lý, sử dụng, khai thác dữ liệu thu phí đường bộ.
Theo đó, tất cả các dữ liệu thu phí đường bộ trên cả nước sẽ được truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ. Sẽ có các công cụ phân tích các giao dịch bất thường của bất cứ một trạm thu phí nào trên cả nước. Như vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có một kênh độc lập giám sát toàn bộ hoạt động thu phí trên cả nước, góp phần minh bạch hóa công tác thu phí.