Vàng liệu có bước vào một chu kỳ tăng giá mới?

FED tuyên bố không tính đến việc tăng lãi suất cho đến khi lạm phát ở Mỹ chạm ngưỡng 2%, nhưng giá vàng lại quay đầu giảm. Điều gì đang xảy ra trên thị trường vàng?

Chú thích ảnh
Vàng đánh mất đà tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: Bloomberg

Trong tuần qua, nhiều quan chức thuộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) Mỹ công khai lên tiếng trấn an giới đầu tư, khẳng định chính sách mới của FED về lãi suất sẽ tạo ra động lực tích cực cho kinh tế Mỹ. Chủ tịch FED, ông Jerome Powell, đã ba lần ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, bình luận đáng chú ý nhất lại đến từ Phó Chủ tịch FED, ông Richard Clarida. 

Phát biểu trên kênh truyền hình Bloomberg ngày 23/9, ông Clarida khẳng định Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED, sẽ không bao giờ tính đến việc tăng lãi suất khi lạm phát vẫn chưa chạm ngưỡng mục tiêu 2%. Đồng nghĩa với việc lãi suất điều hành của FED sẽ giữ nguyên ở mức gần như bằng 0%. 

Đó hẳn nhiên phải là tin tốt lành cho thị trường vàng, bởi thông điệp mà ông Clarida đưa ra là FED sẽ kéo dài thời hạn thực thi lãi suất thấp; không tăng lãi suất cho đến khi thị trường việc làm hồi phục hoàn toàn và lạm phát chạm ngưỡng mục tiêu đề ra. Theo giới hoạch định chính sách ngân hàng tại Mỹ, thời hạn để đóng băng lãi suất như vậy có thể kéo đến cuối năm 2023 hoặc muộn hơn. 

Vậy nhưng trước thông tin hỗ trợ như vậy, tại sao vàng lại giảm giá và liệu kim loại quý này có sớm quay đầu tăng trở lại? Nhìn kỹ, chính sách lãi suất chỉ phản ánh một phần quan điểm của FED. Phần còn lại chính là chương trình mua tài sản (trái phiếu) và đây là điểm khiến giới đầu tư thất vọng. Những người tham gia thị trường không vui khi FED không công bố bất kỳ thông tin nào về mở rộng chương trình mua trái phiếu. 

Đó là sự kiến khiến giới đầu tư vàng bi quan. Thêm vào đó, vàng được lợi lớn từ mức tăng khủng trong bản cân đối của FED. Nhưng thống kê cho thấy, từ tháng 5 trở lại đây, mức tăng này đã không còn được duy trì. Kể từ đầu mùa hè, tài sản của FED ổn định ở ngưỡng 7.000 tỉ USD. 

Những nhân tố trên sẽ có ảnh hưởng đến thị trường vàng trong ngắn và dài hạn. Vàng vẫn có triển vọng tích cực trong dài hạn, xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, nhiều ngân hàng trung ương áp dụng lãi suất thực âm (sau khi trừ đi lạm phát) cùng với nợ công tăng cao, chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng ở nhiều nền kinh tế, nguy cơ lạm phát tăng… 

Tuy nhiên, trong mùa thu này, vàng có thể sẽ còn mất giá hơn. Những nhân tố cản trở vàng tăng giá gồm có nguy cơ suy thoái bùng phát trở lại, làm tăng nhu cầu sở hữu tiền mặt, bầu cử tại Mỹ diễn ra êm thấm, vaccine ngừa COVID-19 chứng minh được hiệu quả, an toàn và đưa ra thị trường cùng với việc sẽ không có các gói kích thích kinh tế lớn về tài khóa và tiền tệ. 

Nói tóm lại, một vòng quay mới về đà tăng của giá vàng sẽ không xuất hiện khi FED chưa có động thái mở rộng mua sắm trái phiếu hoặc lạm phát tại Mỹ tăng. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Oilprice)
Giới đầu tư vẫn dành nhiều sự chú ý đến vàng
Giới đầu tư vẫn dành nhiều sự chú ý đến vàng

Thị trường vàng trong nước và thế giới trải qua một tuần (từ 21 - 27/9) giảm khá mạnh. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn nhận định, các nhà đầu tư vẫn còn nhiều sự chú ý tới vàng, kim loại quý sẽ được hưởng lợi nếu lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN