Ở xã Vĩnh Lập, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, mấy ngày nay, rải rác một số vườn vải đã cho thu hoạch những quả vải đầu mùa. Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Lập cho biết đến nay, trong xã có khoảng 10 vườn vải đã thu hoạch, ước bán ra ngoài thị trường khoảng 5 tạ vải, chủ yếu phục vụ khách lẻ. Giá bán vải đầu mùa dao động từ 60.000- 80.000 đồng/kg.
Theo ông Hòa, từ trước đến nay, đây là năm đầu tiên vải đầu mùa của nông dân địa phương có giá cao như vậy, bởi năm nay vải chín sớm hơn năm ngoái từ 12-15 ngày. Trong khi đó, tại các xã xung quanh hiện nay vải vẫn đang trong giai đoạn làm cùi, báo mã, khoảng 15 ngày nữa mới thu hoạch nhiều.
Xã Vĩnh Lập năm nay có diện tích vải trên 300 ha; trong đó, 15 ha sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, đáp ứng xuất khẩu sang thị trường khó tính. Ngày 29/4, cơ quan chuyên môn đã cấp phát thuốc bảo vệ thực vật để hướng dẫn bà con nông dân phun đợt cuối trước khi thu hoạch để đảm bảo các tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong giới hạn cho phép, phù hợp với thị trường xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, hầu hết các loại vải sớm ở Hải Dương đang giai đoạn làm cùi đến đẫy cùi, vải chính vụ đang giai đoạn quả non. Tỉnh có 9.168 ha vải, tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà với 3.328 ha và thành phố Chí Linh 3.548 ha; trong đó, vải sớm chiếm khoảng 30% diện tích và tập trung tại huyện Thanh Hà.
Dự kiến năm nay, sản lượng vải của Hải Dương đạt khoảng 55.000 tấn. Trà vải sớm sẽ bắt đầu thu hoạch rộ từ ngày 5 - 15/5. Trà vải nhỡ sẽ thu từ khoảng 20 - 30/5, trà vải thiều chính vụ sẽ thu hoạch từ 5/6.
Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, hiện nay ngành nông nghiệp Hải Dương đang tiếp tục tập trung chỉ đạo các vùng trồng, giám sát nông dân trong quá trình sản xuất, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy trình sản xuất sạch; giám sát hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tăng cường tập huấn cho những nơi sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP và cấp giấy chứng nhận cho 51 ha vải Global GAP của Thanh Hà, triển khai truy xuất nguồn gốc, dán tem QR cho vải xuất khẩu.
Theo bà Kiểm, cùng với việc tăng cường chỉ đạo sản xuất, hiện các địa phương và các ngành liên quan cần tiếp tục có các phương án, kịch bản vận chuyển, tiêu thụ vải trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát; chủ động mời doanh nghiệp về kết nối tiêu thụ, tăng cường xúc tiến quảng bá vải…
Tính đến thời điểm này, các địa phương và ngành nông nghiệp Hải Dương đã làm việc với một số công ty xuất khẩu vải đi các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore, EU. Theo đó, Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ dự kiến thu mua từ 300 - 500 tấn. Công ty cổ phần Amei Việt Nam dự kiến thu mua từ 300 - 500 tấn. Công ty cổ phần Hưng Việt dự kiến thu mua 1.000 tấn…
Bên cạnh đó, nhiều công ty chế biến cũng đang lên kế hoạch thu mua từ 500 - 1.000 tấn vải Hải Dương để làm vải cấp đông, cùi vải, siro vải để xuất khẩu đi Hàn Quốc, EU, Nhật Bản…