Đến nay, trà vải sớm của Bắc Giang đang trong giai đoạn nở hoa, với tỷ lệ ra hoa ước đạt khoảng 90 - 95%. Trà vải chính vụ đang giai đoạn nụ hoa, tỷ lệ ra hoa ước khoảng 85 - 90%.
Vụ sản xuất 2021, dự kiến diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Bắc Giang đạt 15.200 ha, sản lượng 111.450 tấn. Cải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP diện tích 338 ha, với sản lượng dự kiến 2.460 tấn.
Theo quan sát, tỷ lệ vải thiều ra hoa đạt tỷ lệ cao hiện nay báo hiệu một vụ vải thiều bội thu lại đến với người trồng vải Bắc Giang. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho sản xuất vải thiều năm nay song cũng tạo áp lực về tiêu thụ. Do đó, ngoài chú trọng tiêu thụ trong nước, Bắc Giang cũng tập trung sản xuất vải thiều phục vụ xuất khẩu.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với quy mô 30 mã số vùng trồng, diện tích 219,45 ha, tập trung ở các huyện Tân Yên và Lục Ngạn. Bên cạnh đó, đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mới thêm 11 mã số vùng trồng với diện tích 116,45 ha.
Đối với thị trường Trung Quốc, tỉnh tập trung chỉ đạo sản xuất đối với 149 mã số vùng trồng đã được Trung Quốc chấp thuận trên diện tích 15.867 ha, với sản lượng khoảng 95.000 tấn, tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên đảm bảo điều kiện xuất khẩu; duy trì 289 cơ sở đóng gói phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Đối với thị trường Mỹ, EU, tỉnh duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng diện tích 218 ha; năng suất dự kiến 75 tạ/ha; sản lượng dự kiến khoảng 1.600 tấn….
Để hoa nở có tỷ lệ đậu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đang tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; điều tra, theo dõi diễn biến phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh tại các vùng sản xuất vải thiều để xuất khẩu.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp Bắc Giang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục giúp đỡ, hướng dẫn nông dân trồng vải các điều kiện cụ thể để sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản như: cấp mã vùng trồng, quy trình sản xuất; danh sách hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật mà phía Nhật Bản cấm sử dụng và mức dư lượng cho phép trên quả vải trước khi xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường công tác dự tính dự báo và phòng trừ sâu bệnh trên vải và phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho hay, trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19 hiện nay, tỉnh rất quan tâm tới hoạt động sản xuất vải thiều 2021. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tập huấn, hướng dẫn người dân quy trình sản xuất; chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ban hành sổ ghi chép nhật ký đồng ruộng; danh mục thuốc bảo vệ thực vật khuyến cáo cho vải thiều; xây dựng chi tiết nội dung hỗ trợ vùng vải thiều xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Sở tăng cường dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh; hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm ngặt trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan hỗ trợ cơ sở xông hơi khử trùng để đáp ứng theo yêu cầu của thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả vụ sản xuất vải thiều 2021, tỉnh Bắc Giang sẽ quan tâm thực hiện tốt các giải pháp về quy hoạch, kỹ thuật, thông tin tuyên truyền, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm…
Vụ vải thiều năm 2020, tổng diện tích vải toàn tỉnh Bắc Giang đạt 28.126 ha; tổng sản lượng vải thiều đạt 164.700 tấn. Tổng giá trị từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt 6.830 tỷ đồng. giá bán vải thiều Bắc Giang bình quân đạt 31.200 đồng/kg.