Ứng dụng công nghệ nuôi trồng hải sản bền vững - Bài cuối: Những mục tiêu sẽ hướng tới

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) khẳng định, cộng đồng 180 doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ, các nhà khoa học và chuyên gia thành viên của VSA nhận thức rằng, Việt Nam đang đứng trước thời cơ vàng để phát triển nuôi biển công nghiệp, tiến ra làm chủ vùng đặc quyền kinh tế rộng gấp 3 diện tích đất liền, làm giàu cho Tổ quốc.

Biến tiềm năng thành hiện thực

Trong Chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã nêu rõ: Việt Nam có những tiềm năng phát triển vô cùng to lớn các ngành hàng chính trong nuôi biển, bao gồm nuôi những loài cá biển có giá trị kinh tế cao (cá Chim, cá Giò, cá Chẽm, cá Hồng Mỹ, cá Mú, cá Ngừ, cá Cam, cá Tráp...), sử dụng lồng nổi HDPE (chịu được bão cấp 12), các loại lồng chìm và bán chìm đa dạng, hoạt động ổn định trong mọi điều kiện thời tiết ở vùng biển sâu.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi cá lồng bè tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) vừa cho hiệu quả kinh tế, vừa thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Mục tiêu năm 2030 sẽ phấn đấu đạt sản lượng 600.000 tấn cá biển nuôi; giá trị nguyên liệu 3 - 4 tỷ USD. Tận dụng tiềm năng các vùng cửa sông, phát triển mạnh nuôi cá nước lợ có giá trị cao (cá Nhụ, cá Đối mục, cá Dìa, cá Măng...) theo quy mô công nghiệp trong các khu vực ven biển, tạo sinh kế ổn định cho ngư dân các tỉnh ven biển, góp phần cải tạo môi trường vùng ao nuôi tôm đã bị thoái hóa.

Mục tiêu năm 2030 thu hoạch 200.000 tấn cá nước lợ; giá trị 1 tỷ USD. Nghiên cứu phát triển, du nhập và tiếp tục hoàn thiện công nghệ sinh sản nhân tạo, tổ chức ương nuôi giống chất lượng cao và sử dụng thức ăn nhân tạo phục vụ nuôi tôm hùm, tôm mũ ni và các giáp khác giá trị kinh tế cao trong lồng trong biển hoặc trong các trại với hệ thống RAS trên bờ.

Phát triển mạnh nuôi công nghiệp tập trung 4 loài trai ngọc có giá trị kinh tế cao (Pinctada martensii, P. margaritifera, P. maxima và Pteria penguin) trong các vùng ven biển ít sóng gió. Đồng thời phát triển công nghiệp chế tác và thương mại ngọc trai.

Mục tiêu năm 2030 thu hoạch 200 tấn ngọc (kích thước 7,0 - 10 mm), doanh thu thô 3 - 5 tỷ USD, chế biến thành thương phẩm có thể đạt 8 tỷ USD. Mặt khác đầu tư nghiên cứu sản xuất giống và nuôi một số sản phẩm xuất khẩu, như Bào ngư, Sò huyết, Điệp quạt, Ốc hương, Hầu, Vẹm xanh, Tu hài... kết hợp với bảo tồn một số loài quí hiếm Bàn mai, Trai tai tượng, Ốc gai, Ốc đụn, Ốc mặt trăng, Ốc tù và...

Chú trọng những loài có năng suất và giá trị cao (rong Nho, rong Câu, rong Sụn, rong Mơ) để làm thực phẩm và sản xuất các keo rong như carrageenan, agar, alginate,...cùng những loài rong có đặc tính sinh học đặc biệt phục 6 vụ công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm hữu cơ.

Trồng rong còn hấp thu khí nhà kính, hấp thụ các chất ô nhiễm, làm sạch nước, cản sóng biển xâm thực bờ, tạo môi trường cho các đàn cá trú ẩn, sinh sôi nảy nở. Giải pháp này còn hấp thu CO2 từ khí quyển, đóng góp vào việc ngăn chặn hiện tượng nóng lên của Trái đất.

Liên doanh Tập đoàn Beehive Venture Group (Mỹ) và Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Năng lượng Xanh Việt Nam vừa đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho đầu tư cơ sở nuôi tảo biển để chế tạo nhiên liệu sinh học chạy nhà máy phát điện công suất 1.500 MW, chỉ sử dụng 242 ha đất và mặt nước biển.

“Tam giác thể chế phát triển”

Phát triển nuôi biển công nghiệp Việt Nam là một cuộc cách mạng mang ý nghĩa đột phá cho kinh tế biển Việt Nam. Nội hàm chủ yếu của cuộc cách mạng đó tập trung chung quanh “tam giác thể chế phát triển”, với chủ thể là doanh nghiệp; động lực là công nghệ tiên tiến và phương thức chủ yếu là tích hợp đa ngành. Do đó cần xây dựng thể chế, chính sách tài chính và cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nhanh số lượng, quy mô và chất lượng các doanh nghiệp để dẫn dắt sự nghiệp nuôi biển công nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, có ba phương thức chính. Đó là lựa chọn các hợp tác xã, hộ gia đình nuôi biển truyền thống đủ năng lực, xây dựng đề án trại nuôi biển để được giao mặt nước biển và cho vay vốn ngân hàng, hỗ trợ đào tạo nhân lực. Chằng hạn, để đạt mục tiêu 600.000 tấn cá biển nuôi vào năm 2030, có thể lựa chọn 2% số các chủ trại nuôi thủ công hiện có, phát triển 1.000 trại nuôi cá biển công nghiệp quy mô nhỏ.

Mỗi trại có 20 lồng tròn HDPE, đường kính 20-25 m, được trang bị xà lan phun thức ăn và các trang thiết bị phụ trợ cùng cơ sở hậu cần trên bờ. Ứng dụng các men vi sinh và chế phẩm sinh học cho thức ăn; chế tạo các phương tiện tích trữ và phun thức ăn bằng khí nén cho từng lồng nuôi cũng như công nghệ sản xuất thức ăn nuôi hải sản ngay trên biển.

Phát triển các công nghệ thu hoạch bằng bơm hút cá chuyên dụng (thay vì đánh lưới), các công nghệ tiên tiến bảo quản và vận chuyển sống và tươi các hải sản giá trị cao, công nghệ giữ siêu tươi và cấp đông nhanh trên biển; công nghệ chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng làm sẵn và ăn liền; các công nghệ tinh chiết các chế phẩm gía trị cao phục vụ y khoa, mỹ phẩm, dược phẩm.

Công nghệ sinh hóa chiết suất và tinh chế các chế phẩm sinh học, sinh hóa có giá trị cao từ các hải sản và tận dụng tối đa phụ liệu, phế liệu hải sản, tiến đến xây dựng một ngành công nghiệp không chất thải.

Công nghệ số tự động hóa nuôi biển trong việc tự động quan sát lưới, tình trạng vật nuôi, theo dõi phân tích tính ăn của vật nuôi, tự động điều chỉnh việc cung cấp thức ăn, vị trí lồng bè, thu thập thông số môi trường biển, cảnh báo tình hình an ninh.

Tuy vậy, phát triển nuôi biển công nghiệp không phải là nhiệm vụ của riêng ngành thủy sản hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà là sự nghiệp chung của tất cả các ngành kinh tế biển và nhiều ngành khác.

Do đó, phương thức tích hợp đa ngành sẽ biến nuôi biển công nghiệp thành “dây lạt xanh” mềm mại và bền chặt để kết nối, huy động và tập trung các nguồn lực tổng hợp thực hiện có hiệu quả và phát huy tác dụng của cuộc cách mạng to lớn này.

Ngành nuôi hải sản phải áp dụng phổ cập công nghệ nuôi đa loài tích hợp (IMTA) trong cùng một khu vực biển (cá, giáp xác, nhuyễn thể, rong biển) để tận dụng tối đa chuỗi thức ăn và tương tác có lợi giữa các loài nuôi, vừa giảm được sức tải môi trường, hạn chế ô nhiễm biển. Nuôi biển cũng cần tích hợp giữa nuôi biển trên biển (ở đới ven bờ, xa bờ, viễn dương), nuôi trong lòng biển (tầng mặt, tầng giữa, tầng đáy và trên nền đáy biển) và nuôi biển trên bờ.

Trong đó, ngành dầu khí phối hợp với nuôi biển nghiên cứu các phương án khả thi sử dụng các dàn khoan dầu khí trên biển đã khai thác hết làm các trung tâm dịch vụ hậu cần cho nuôi biển công nghiệp xa bờ trong khu vực biển sâu chung quanh các dàn khoan, vừa giảm được chi phí tháo dỡ, vừa tăng hiệu quả đầu tư.

VSA cũng đã kiến nghị Chính phủ tổ chức xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Nuôi biển Công nghiệp đến năm 2030, thiết lập khung chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển cộng đồng doanh nghiệp nuôi biển (giao quyền sử dụng, cho thuê mặt nước biển.

Hỗ trợ lãi suất, tiếp cận vốn tín dụng trung dài hạn, ưu đãi thuế); hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các chuỗi giá trị nuôi biển (từ sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến, xuất nhập khẩu, phân phối, dịch vụ), cơ chế khuyến khích tích hợp đa ngành và hợp tác quốc tế để tranh thủ các công nghệ hiện đại, bảo đảm khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tiến hành xây dựng Quy hoạch không gian các vùng biển xa bờ và hải đảo căn cứ trên việc đánh giá sức tải môi trường các vùng biển; đồng thời thiết lập Hệ thống quốc gia Giám sát và Cảnh báo Môi trường biển…

Văn Hào (TTXVN)
Ứng dụng công nghệ nuôi trồng hải sản bền vững - Bài 2: Lợi thế biển Việt Nam và những thách thức
Ứng dụng công nghệ nuôi trồng hải sản bền vững - Bài 2: Lợi thế biển Việt Nam và những thách thức

Với vị trí địa lý chiến lược, lại nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới có tính đa dạng sinh học cao, nếu có chính sách thích hợp tập trung đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong canh tác biển, nước ta có tiềm năng trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khu vực và trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN