Hướng phát triển bền vững
Hiện Việt Nam là quốc gia đứng hàng thứ 4 thế giới về nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2007, sản lượng đã vượt trên sản lượng khai thác thủy sản. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vượt 9 tỷ USD. Tuy vậy, sản lượng và chất lượng hải sản khai thác từ biển ngày càng hạn chế, không thể đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thủy sản. Riêng về hải sản, mức độ đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hải sản chỉ ở mức dưới 20% công suất thiết kế. Đói nguyên liệu đang là một nguyên nhân chính hạn chế hiệu quả của ngành chế biến xuất khẩu hải sản của nước ta, nên việc chuyển dần từ khai thác sang nuôi biển là hướng phát triển bền vững và mang tính đột phá cho kinh tế và quốc phòng của đất nước.
Theo đánh giá của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, dù chỉ với 1.000 km2 biển (tương đương 0,1% diện tích vùng EEZ của Việt Nam), nhưng nước ta cũng đã có thể cho sản lượng 10-12 triệu tấn cá biển nuôi mỗi năm. Trong tương lai, những tiến bộ công nghệ sẽ mở rộng đáng kể tiềm năng nuôi biển xa bờ. Chẳng hạn, việc tăng độ sâu của hệ thống neo đối với lồng và dây treo, từ giới hạn 100 m lên 150 m sẽ giúp mở rộng diện tích phù hợp để phát triển nuôi biển lên 31%, hay gần 4,2 triệu km2 . Các trại nuôi thả trôi ngoài khơi hoặc được trang bị động cơ đẩy cũng có thể mở ra một khu vực nuôi biển rộng lớn trong vùng EEZ, đến 158 triệu km2 trên toàn cầu. Để khai thác những tiềm năng to lớn ấy, hiện đang có nhiều quốc gia chạy đua phát triển nuôi biển công nghiệp xa bờ.
Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển nuôi biển. Trong vài chục năm qua, nuôi biển Việt Nam đã tự phát khởi đầu, cả nước có khoảng 50.000 hộ ngư dân nuôi hải sản ở vùng ven bờ, với quy mô nhỏ, manh mún, công nghệ thủ công lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp và rất không bền vững.
Những thách thức cần vượt qua
Việt Nam đang ở điểm khởi đầu của nuôi biển công nghiệp ở vùng xa bờ và đại dương, với nhiều thách thức. Đó là thiếu kế hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, thiếu chính sách khuyến khích và ưu tiên nhằm thu hút đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp. Công cụ quản lý nhà nước về biển còn yếu và không có cơ chế đồng quản lý hiệu quả. Lực lượng sản xuất nuôi biển còn quá mỏng, trình độ công nghệ còn lạc hậu, mới có rất ít doanh nghiệp nuôi biển. Hệ thống cảnh báo và kiểm soát an ninh còn lạc hậu, thách thức lớn cho việc nuôi xa bờ. Rủi ro do ô nhiễm môi trường biển cao, suy giảm nguồn lợi biển ngày càng nghiêm trọng, quản lý môi trường biển lỏng lẻo. Quan hệ liên kết trong chuỗi giá trị nuôi biển (giữa trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối,…) chưa được xây dựng.
Vì vậy, phát triển nuôi biển công nghiệp là giải pháp chiến lược tạo đột phá để giải quyết về cơ bản những hạn chế đó, chủ động tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, phát điện, phân bón sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, quản lý tốt hơn môi trường biển, tạo việc làm mới cho hàng chục vạn ngư dân, tăng cường sự hiện diện thường xuyên của ngư dân trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam theo phương thức rất hòa bình và thân thiện, đưa Việt Nam trở thành cường quốc trên thế giới về nuôi biển.
Theo đó, cần xác định rõ tầm nhìn và hoạch định chiến lược để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 36- NQ/TW của Đảng về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển. Thực hiện nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ nuôi biển, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã khởi thảo trình Thủ tướng Chính phủ và với sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Hiệp hội VSA phối hợp với Tổng Cục Thủy sản xây dựng Chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, hiện đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Mục tiêu của Chiến lược là sắp xếp lại để ổn định vùng nuôi có hiệu quả ven biển, đảo gần bờ, bảo đảm môi trường sinh thái. Phát triển mạnh theo hướng bền vững nuôi biển công nghiệp vùng xa bờ, hình thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, với quy mô lớn, công nghệ ngày càng hiện đại, năng suất cao, sản phẩm đa dạng, có khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế thế giới, gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của đất nước, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Cụ thể đến 2030: Diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 10 triệu m3, sản lượng đạt 1.750.000 tấn, giá trị xuất khẩu hải sản nuôi đạt 4 - 6 tỷ USD. Trong đó, riêng về nuôi biển xa bờ có sản lượng 690.000 tấn (cá biển 450.000 tấn, rong biển 100.000 tấn, nhuyễn thể 100.000 tấn, giáp xác 20.000 tấn, sản phẩm khác 20.000 tấn).
Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học, trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN, đứng trong tốp 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản nuôi. Sản lượng nuôi biển đạt 3,0 - 4,0 triệu tấn/năm; giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Bài cuối: Những mục tiêu sẽ hướng tới