Tuần qua, giá thóc trong nước lên mức cao nhất trong 10 năm

Các thương nhân cho biết đang mua thêm gạo từ nông dân với kỳ vọng nhu cầu của các nhà nhập khẩu gia tăng, qua đó đẩy giá thóc trong nước lên mức cao nhất trong 10 năm từ 6.200-7.000 đồng/kg.

Chú thích ảnh
 Chuẩn bị nguồn hàng gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực sông Hậu (Tổng công ty Lương thực miền Nam). Ảnh minh họa: TTXVN

Thị trường gạo châu Á:

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã tăng trong tuần này sau khi cảng nước sâu Kakinada được sử dụng giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn trong hoạt động xuất khẩu gạo.

B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo của Ấn Độ, cho biết từ ngày 20/2, Ấn Độ bắt đầu sử dụng cảng nước sâu Kakinada, qua đó giúp giảm thời gian chờ đợi và "tăng tốc" hoạt động xuất khẩu nói chung. Ông Rao nói rằng chi phí tiết kiệm được, các nhà xuất khẩu có thể tăng giá gạo thu mua từ nông dân và giảm giá bán cho người mua ở nước ngoài.

Giá gạo đồ 5% tấn của Ấn Độ trong tuần này đã giảm xuống 395- 401 USD/tấn so với mức cao nhất trong nhiều năm là 402- 408 USD/tấn ghi nhận trong tuần trước.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn 540- 560 USD/tấn trong ngày 18/2, vẫn gần mức cao nhất của 10 tháng.

Còn giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống 505-510 USD/tấn hôm 18/2 nhờ thu hoạch được đẩy nhanh ở Đồng bằng sông Cửu Long, giảm so với mức 510- 515 USD/tấn trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Các thương nhân cho biết họ đang mua thêm gạo từ nông dân với kỳ vọng nhu cầu của các nhà nhập khẩu gia tăng, qua đó đẩy giá thóc trong nước lên mức cao nhất trong 10 năm từ 6.200-7.000 đồng/kg.

Thị trường cà phê thế giới:

Kết thúc phiên giao dịch sáng 20/2 (giờ Việt Nam), giá cà phê Robusta giao tháng 3/2021 tại London tăng 5 USD (0,37%), lên mức 1.348 USD/tấn. Còn giá cà phê Arabica giao tháng 3/2021 tại sàn New York giảm 1 xu Mỹ/lb (0,78%) xuống 127,15 xu Mỹ/lb.

Chú thích ảnh
Ở Việt Nam, tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 31.900 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 32.000 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 31.900 đồng/kg. Ảnh: TTXVN

Ở Việt Nam, tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 31.900 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 32.000 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 31.900 đồng/kg.

Tâm lý thị trường đang lo ngại giá các cổ phiếu Mỹ sẽ giảm sau khi Tổng thống Joe Biden lên nhậm chức, bởi đã tăng rất mạnh dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, do vậy dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các mặt hàng nông sản. Trong khi đó, từ đầu năm 2021, thị trường ghi nhận sự tăng mua đáng kể từ các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trái với lo ngại về mức tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ giảm do giãn cách xã hội, các hãng chế biến cà phê hòa tan như Nestlé (Thụy Sỹ), Folgers và Dunkin (Mỹ), đều cho biết doanh số bán cà phê hòa tan trong năm 2020 tăng rất tốt. Nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan tại nhà tăng đột biết do giãn cách xã hội, Rabobank dự báo, nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà vẫn tiếp tục tăng sau cuộc khủng hoảng COVID-19 và đây là thông tin tích cực cho cà phê Robusta.

Thị trường nông sản Mỹ:

Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 19/2, trong đó giá đậu tương đi lên, còn giá ngô và lúa mỳ đồng loạt giảm.

Chú thích ảnh
Thu hoạch lúa mì tại vùng Stavropol, miền nam nước Nga. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 3/2021 giảm 7,25 xu Mỹ (1,32%) xuống 5,4175 USD/bushel, giá lúa mỳ giao tháng 5/2021 giảm 9,75 xu Mỹ (1,47%) xuống 6,555 USD/bushel. Trong khi giá đậu tương giao tháng 3/2021 tăng 2,25 xu Mỹ (0,16%) lên 13,7725 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Giá đậu tương tăng nhờ những dự đoán Trung Quốc đã đặt mua từ 4-6 chuyến hàng đậu tương của Brazil cho tháng 6-7/2021.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đưa ra một triển vọng tăng giá dài hạn đối với ngô Mỹ, trong đó bày tỏ tin tưởng rằng Trung Quốc có thể mua tới 25-35 triệu tấn ngô trong nhiều năm tới.
Doanh số xuất khẩu hàng tuần của USDA trong tuần kết thúc vào ngày 11/2 là 14,7 triệu bushel lúa mỳ, 39,3 triệu bushel ngô và 16,8 triệu bushel đậu tương. Đến nay, Mỹ đã bán được 2.200 triệu bushel đậu nành, tương đương 98% dự báo xuất khẩu hàng năm của USDA; 2.305 triệu bushel ngô, tương đương 87% dự báo xuất khẩu hàng năm của USDA; và 860 triệu bushel lúa mỳ, nhiều hơn 43 triệu bushel so với năm 2020.

Dự báo thời tiết cho thấy lượng mưa trên 1/3 khu vực phía nam của Brazil và toàn bộ Argentina sẽ ít hơn.

Minh Hằng/TTXVN (tổng hợp)
'Giải cứu’ nông sản vùng dịch
'Giải cứu’ nông sản vùng dịch

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, người nông dân tại nhiều địa phương trên cả nước bất ngờ rơi vào cảnh lao đao do kênh tiêu thụ bị thu hẹp, hàng hóa ế ẩm, giá cả lao dốc, nhất là ở các địa phương vùng dịch như Quảng Ninh, Hải Dương, Gia Lai... Ở đây, lượng nông sản tồn đọng là khá lớn. Các cơ quan chức năng đã và đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi để hỗ trợ người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN