Quảng Ninh giúp nông dân tiêu thụ nông sản

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, do kênh tiêu thụ thu hẹp, lượng nông sản tồn đọng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là khá lớn.

Chú thích ảnh
Khoai tây của nông dân Đông Triều được chuyển lên các xe tải trung chuyển để đưa về các địa chỉ tiêu thụ. Ảnh: quangninh.gov.vn

Do đó, tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị các cơ quan, đơn vị và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh; chia sẻ và tích cực giúp đỡ nông dân trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản. 

Để phòng chống dịch bệnh, các dịch vụ mua sắm trực tuyến, điểm bán hàng thiết yếu trên địa bàn được khuyến khích mở rộng để phục vụ nhân dân nhằm hạn chế tối đa việc tụ tập đông người tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Hệ thống siêu thị Vinmart Quảng Ninh đẩy mạnh bán hàng hàng từ xa qua website, tổng đài; đồng thời, đưa ra khuyến mại mỗi hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên được miễn phí chuyển hàng trong bán kính 5km; nhân viên của đơn vị trực tiếp đi giao hàng tận nơi; thời gian hoạt động từ 8h đến 21h/ngày; thời gian vận chuyển từ 2-4h (tùy theo đơn hàng trong ngày).

Hệ thống siêu thị GO! Hạ Long cũng có nhiều ưu đãi như: cung cấp trang Facbook “Giao hàng BigC”, “GO!&Big C App”; trong đó, mỗi hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên được miễn phí chuyển hàng trong bán kính 10km; ngoài 10km theo quy định, thì mỗi một km tính thêm 5.000đ/km đối với phương tiện vận chuyển bằng xe máy và 20.000đ/km đối với phương tiện vận chuyển bằng ô tô. 

Các hệ thống siêu thị, điểm bán lẻ khác cũng có nhiều ưu đãi, khuyến mại lớn, tăng cường mua bán online, giao hàng nhằm giúp người dân mua hàng thuận tiện, đặc biệt ưu tiên các mặt hàng nông sản.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn có 10.833 điểm kinh doanh mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm, sản phẩm OCOOP phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán.

Hội Nông dân Quảng Ninh cũng ra văn bản số 422/CV-HNDT ngày 4/2 về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã lên danh sách, địa chỉ các sản phẩm nông nghiệp cần hỗ trợ tiêu thụ trong dịp Tết và đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động… trên địa bàn tỉnh ưu tiên lựa chọn, sử dụng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được nuôi trồng, chế biến, sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Trước đó,  Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Quảng Ninh cũng có có thư kêu gọi các tập thể, cá nhân ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực tới đời sống dân sinh, sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trên địa bàn.

Thành Đoàn Hạ Long cũng đã vào cuộc giúp người dân tiêu thụ nông sản, các đoàn viên thanh niên đã sử dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook của các đơn vị Đoàn và cá nhân mỗi đoàn viên thanh niên nhằm thông tin rộng rãi về tình hình các sản phẩm nông sản của nhân dân trên địa bàn thành phố cần tiêu thụ trước dịp Tết Nguyên đán để người dân nắm được và đặt mua sản phẩm.

Từ đây, thành đoàn và đoàn thanh niên các xã, phường trực tiếp tham gia vận chuyển, phân phối và giao hàng đến từng địa chỉ cho khách hàng đặt mua nhằm đảm bảo nghiêm túc các quy định an toàn về phòng, chống dịch bệnh. Tính đến ngày 5/2, các đoàn viên đã hỗ trợ tiêu thụ 2 tấn ngô cho người dân xã Dân Chủ và 1.000 con gà cho người dân xã Tân Dân với tổng trị giá trên 280 triệu đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cũng vừa có tổng hợp, báo cáo mới nhất về nhu cầu tiêu thụ nông sản trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó tính đến hết ngày 4/2, các địa phương Hạ Long, Đông Triều, Vân Đồn, Quảng Yên, Cẩm Phả, Móng Cái đang còn số lượng lớn sản phẩm trồng trọt đến kỳ thu hoạch, sản phẩm chăn nuôi đến tuổi xuất bán, sản phẩm thủy sản đủ kích cỡ thương phẩm… cần được tiêu thụ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Cụ thể về sản phẩm trồng trọt, thành phố Hạ Long đang có 5,1 triệu bông hoa cúc và lay ơn, 280.000 bông ly, lan, thạch thảo, đồng tiền, violet và thược dược. Thị xã Quảng Yên có 17.000 cây cúc, lay ơn và ly. Thị xã Đông Triều có 6 triệu bông lay ơn và 3,5 triệu bông huệ, cúc. Huyện Vân Đồn có 2.000 cây đào. Ngoài ra, các địa phương cần bán 200 tấn hành tỏi, 70 tấn củ đậu, 600 tấn sắn dây.

Về sản phẩm chăn nuôi, hiện toàn tỉnh cần bán 4.129 con bò, 9.700 con lợn, 212.000 con gia cầm. Lượng trứng gia cầm cần bán là 130.000 quả. Các sản phẩm này chủ yếu ở Đông Triều, Tiên Yên, Công ty TNHH Phú Lâm… Về sản phẩm thủy sản thương phẩm cần bán, tỉnh có 1.780 tấn cá biển, chủ yếu ở Vân Đồn và Cẩm Phả; 17.000 tấn nhuyễn thể, chủ yếu ở Vân Đồn; có 235 tấn tôm và 2.650 tấn cá nước ngọt.

Từ nay đến trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán, các cấp ngành cùng với hệ thống siêu thị, điểm bán hàng, các chợ, đoàn thanh niên sẽ tiếp tục nắm thông tin, bố trí lực lượng để kịp thời hỗ trợ người nông dân trên địa bàn tiêu thụ các loại nông sản đến kỳ thu hoạch.

Đức Hiếu (TTXVN)
Phát triển du lịch từ các mặt hàng nông sản đặc trưng
Phát triển du lịch từ các mặt hàng nông sản đặc trưng

Không chỉ kiên trì, năng động trong sản xuất nông nghiệp trên vùng đất thừa nắng và gió, khí hậu khắc nghiệt, nhiều nông dân ở tỉnh Ninh Thuận còn kết hợp sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch từ chính ruộng vườn với các mặt hàng nông sản thế mạnh đặc trưng của địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN