Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, người nông dân tại nhiều địa phương trên cả nước bất ngờ rơi vào cảnh lao đao do kênh tiêu thụ bị thu hẹp, hàng hóa ế ẩm, giá cả lao dốc, nhất là ở các địa phương vùng dịch như Quảng Ninh, Hải Dương, Gia Lai... Ở đây, lượng nông sản tồn đọng là khá lớn. Các cơ quan chức năng đã và đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi để hỗ trợ người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.

Mọi năm, từ ngày 15 - 20 tháng Chạp (âm lịch) phần lớn diện tích trồng đào Tết của người dân các phường Tân Hưng, Hải Tân, Thạch Khôi, xã Gia Xuyên và xã Liên Hồng của thành phố Hải Dương đều được bán hết. Số lượng đào giữ lại để bán cho người dân trong tỉnh là rất ít. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến sát Tết mà lượng đào ở các vườn đào bán không tiêu thụ được là bao. Không những thế, giá bán đào năm nay chỉ còn bằng 1/3 so với mọi năm.

Chủ vườn đào đánh gốc đào cho khách ở trong thành phố Hải Dương. 

Ông Nguyễn Văn Lập, khu Đông Quan, phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương cho biết, gia đình ông năm nay trồng gần 1.000 gốc đào để cung cấp cho thị trường Tết. Năm nay, đào ra hoa nhiều và đẹp hơn mọi năm nhưng lại bán được rất ít. Những gốc đào bán được chủ yếu là người dân ở trong thành phố đến tận ruộng để mua.

Cũng theo ông Lập, ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, nhiều thương lái đã đến tận vườn đặt tiền để mua gần như toàn bộ vườn đào. Nhưng khác với mọi năm, các thương lái khi đặt tiền mua đào đều ký thỏa thuận với chủ vườn đào là nếu do dịch COVID-19 mà không vận chuyển đi được thì họ sẽ không lấy đào và chủ vườn phải trả lại tiền đặt cọc. Do dịch COVID-19 bùng phát ở Hải Dương nên các thương lái ở TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh và nhiều tỉnh khác không thể đưa xe vào vận chuyển hàng ra được; đồng thời, xe vận tải trong tỉnh Hải Dương cũng không thể vận chuyển đào ra ngoài tỉnh được nên các thương lái đều hủy hợp đồng. Cực chẳng đã, gia đình nhà ông Lập đành phải trả lại tiền đặt cọc.

Người dân trồng đào lo lắng vì cận Tết mà hàng trăm gốc đào chưa được tiêu thụ.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình ông Đỗ Đình Phiếu, khu Đông Quan, Phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương trồng gần 6 sào đào với trên 700 gốc, đến nay vẫn chưa bán được mấy. Từ đầu tháng 12, nhà ông đã có nhiều thương lái đến đặt tiền, nhưng do không vận chuyển được nên gia đình ông phải trả lại toàn bộ tiền cọc cho thương lái mua đào.

Các thương lái cho biết do không thể vận chuyển từ trong tỉnh ra ngoài được nên họ buộc phải hủy hợp đồng. "Mặc dù nhu cầu mua đào không ít nhưng vì dịch COVID-19 nên đến nay tất cả các thương lái đều phải hủy hợp đồng và người trồng đào như tôi cũng phải thông cảm và trả lại tiền đặt cọc cho các thương lái", ông Phiếu ngậm ngùi.

Người mua đào chủ yếu là ở trong thành phố Hải Dương mua về chơi Tết.

Nhiều người trồng đào cho biết, phần lớn các thương lái mua đào đều là khách hàng truyền thống của các nhà vườn, nhu cầu đào Tết tại các địa phương khác là rất lớn, các thương lái đều sẵn sàng mua đào nếu vận chuyển ra được khỏi tỉnh Hải Dương, tuy nhiên các nhà vườn và thương lái đều phải chấp nhận hủy hợp đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bà Vũ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương cũng chia sẻ, Tân Hưng là phường có diện tích trồng đào Tết lớn của thành phố Hải Dương với trên 100 ha. Hiện, các vườn cũng đã có một số hộ tiêu thụ được đào, tuy nhiên số này rất ít.

Đào Hải Dương: Thương lái hủy hợp đồng, thu lại tiền đặt cọc

Dịch bệnh bùng phát, không chỉ có người trồng đào lao đao mà những ngày qua, việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản nói chung tại Hải Dương đều gặp khó khăn. Đặc biệt là khi nhiều tỉnh, thành phố ban hành quy định không tiếp nhận người từ Hải Dương tới hoặc không cho người hoặc phương tiện qua lại địa bàn thành phố Chí Linh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, hiện nay, toàn tỉnh có trên 90.000 con lợn, 2,4 triệu con gà, trên 1,1 triệu con vật nuôi khác đang trong giai đoạn chuẩn bị xuất chuồng. Riêng thành phố Chí Linh có khoảng 1,2 triệu con gà đồi dự kiến bán dịp Tết. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có khoảng 7.800 ha rau vụ Đông chưa thu hoạch. Trong đó khó khăn nhất là tiêu thụ cà rốt ở Chí Linh với khoảng 150 ha. 

Thu hoạch sản phẩm tại vùng sản xuất chuyên canh Cà rốt huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn Hải Dương Trần Văn Quân cho biết, vụ Đông năm nay của Hải Dương rất được mùa, năng suất rất tốt, chất lượng rất cao, đủ tiêu chuẩn phục vụ nhân dân, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Đầu vụ, giá bán rất cao, tiêu thụ thuận lợi. Tuy vậy, dịch COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng nhất định đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương cũng chia sẻ, việc vận chuyển và tiêu thụ hàng hóa từ trong tỉnh Hải Dương ra ngoài đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc cắt giảm sản lượng tiêu thụ ở ngoài tỉnh để chờ khi hết dịch.

Sản lượng tiêu thụ các loại súp lơ, bắp cải, cà rốt… tại Công ty Cổ phần nông sản Hưng Việt giảm đi đáng kể so với thời điểm đầu tháng 1/2021.

Khoảng một tuần nay, tại Công ty cổ phần Nông sản Hưng Việt tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, lượng công nhân giảm khoảng 70%, khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc thu mua và sơ chế rau, củ, quả. 

Ông Tăng Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: “Từ khi bùng phát dịch COVID-19, chúng tôi vẫn thu mua nông sản bình thường ở các vùng nguyên liệu nhưng cái khó là vận chuyển đi các tỉnh, đặc biệt là khu vực phía Nam. Việc xuất khẩu cũng khó khăn do khan hiếm container và một số thị trường đang chưa thu mua trở lại. Hàng hóa sơ chế xong chúng tôi đều phải bảo quản trong kho lạnh nhưng hiện nay kho lạnh cũng đã gần đầy mà vẫn còn nhiều diện tích cà rốt doanh nghiệp đã bao tiêu tại Chí Linh chúng tôi vẫn chưa thu hoạch được do thiếu nhân lực. Doanh nghiệp rất mong dịch bệnh sớm được khống chế để sản xuất, kinh doanh sớm trở lại bình thường”.

Nông dân Hải Dương thu hoạch nông sản trong những ngày có dịch COVID-19. 

Tại tỉnh Gia Lai, những ngày sát Tết, người nông dân cũng như ngồi trên đống lửa vì không xuất bán được hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thành phố Pleiku có tổng diện tích gieo trồng rau, hoa gần 200 ha và là nơi cung cấp rau, hoa các loại phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán hàng năm cho người dân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, thời điểm này, hàng loạt ruộng rau, hoa đang "chững" hàng, không thể xuất bán vì ảnh hưởng dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Thị trường hoa cúc trồng phục vụ Tết tại Gia Lai rất ít thương lái thu mua.

Anh Lê Thành Trung (thôn 1, xã An Phú, thành phố Pleiku) buồn rầu cho biết, gia đình anh có khoảng gần 1 ha trồng hoa lay ơn để phục vụ dịp Tết. So với những năm trước, lẽ ra đã xuất bán được nhiều chuyến hàng trước ngày giỗ ông Công ông Táo nhưng đến thời điểm này, ruộng hoa gia đình anh vẫn im ắng, không có thương lái đến hỏi thu gom. Kể cả phương án cắt bán lẻ cũng không thể thực hiện được vì không có khách mua lẻ.

Anh Trung cho biết, nếu tính chi phí kể cả nhân công chăm sóc thì năm nay gia đình anh thiệt hại khoảng một trăm triệu đồng. Còn nếu xuất bán được giá như những năm trước, trên diện tích này anh sẽ thu từ 200 - 250 triệu đồng/ha.

Nông dân Gia Lai thu hoạch rau bắp cải.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế thành phố Pleiku, diện tích gieo trồng rau, hoa, củ quả vụ Đông Xuân 2020-2021 tập trung chủ yếu tại các xã An Phú (50 ha), Chư Á (86 ha), Trà Đa (30,16 ha), Thống Nhất (11,4 ha). Các loại cây trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ các mặt hàng rau, hoa màu trên địa bàn thành phố giảm, giá thành thương lái mua thấp. Giá thành trung bình thương lái mua của người dân hiện nay chỉ đảm bảo được 50% so với giá thành sản xuất. Việc đầu ra cho sản phẩm của người dân gặp nhiều khó khăn, một số diện tích người dân phải tự nhổ bỏ.

Chị Trần Thị Thanh Nhung (thôn 1, xã An Phú, thành phố Pleiku) cho biết, gia đình chị có 7 sào rau, chủ yếu là xà lách, bắp sú với chi phí đầu tư gần 40 triệu đồng. Nhưng vì dịch COVID-19 bùng phát, đến thời điểm này 3 sào bắp sú của gia đình chị coi như bỏ không thu hoạch, xà lách xuống giá 1.000 đồng/kg mua tại vườn nhưng rất ít thương lái tới mua, trong khi những năm được giá, xà lách có giá từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. 

Người dân trồng rau tại Gia Lai điêu đứng vì không xuất bán được hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tương tự cảnh “đứng ngồi” không yên của anh Trung, chị Nhung, năm nay gia đình ông Bùi Văn Đoài (phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku) cũng không xuất bán được mặt hàng hoa cúc chưng Tết.

Ông Đoài cho biết, mặc dù đã dự kiến sức mua giảm do ảnh hưởng COVID-19 nên năm nay gia đình ông chỉ dám xuống giống 500 chậu hoa cúc, các năm trước đều xuống giống 1.000 - 2.000 chậu. Không ngờ, dịch COVID-19 bất ngờ ập đến Gia Lai nên đến nay gia đình ông vẫn chưa xuất bán được chuyến hàng nào. Hằng năm, giá bán sỉ cho thương lái một chậu cúc giao động từ 350.000 đồng, năm nay ông Đoài giảm giá xuống nhiều nhưng cũng ít thương lái đề cập lấy hàng.

"Năm nay cúc ra hoa to, đều cây rất đẹp nhưng tiếc rằng không có khách mua, chúng tôi coi như lỗ chi phí đầu tư, không tính công chăm sóc. Tình hình dịch thế này, có lẽ nhà vườn phải chủ động rao bán lẻ cho người dân", ông Đoài tiếc nuối.

Ngày 5/2/2021, UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) phát đi văn bản hỏa tốc triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân trồng hoa gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Còn tại tỉnh Quảng Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cũng vừa có tổng hợp, báo cáo mới nhất về nhu cầu tiêu thụ nông sản trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó tính đến hết ngày 4/2, các địa phương Hạ Long, Đông Triều, Vân Đồn, Quảng Yên, Cẩm Phả, Móng Cái đang còn số lượng lớn sản phẩm trồng trọt đến kỳ thu hoạch, sản phẩm chăn nuôi đến tuổi xuất bán, sản phẩm thủy sản đủ kích cỡ thương phẩm… cần được tiêu thụ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Cụ thể về sản phẩm trồng trọt, thành phố Hạ Long đang có 5,1 triệu bông hoa cúc và lay ơn, 280.000 bông ly, lan, thạch thảo, đồng tiền, violet và thược dược. Thị xã Quảng Yên có 17.000 cây cúc, lay ơn và ly. Thị xã Đông Triều có 6 triệu bông lay ơn và 3,5 triệu bông huệ, cúc. Huyện Vân Đồn có 2.000 cây đào. Ngoài ra, các địa phương cần bán 200 tấn hành tỏi, 70 tấn củ đậu, 600 tấn sắn dây.

Không tiêu thụ được, nhiều nhà vườn ở Lâm Đồng buộc phải để hoa nở ngoài vườn hoặc cho bò ăn.

Về sản phẩm chăn nuôi, hiện toàn tỉnh cần bán 4.129 con bò, 9.700 con lợn, 212.000 con gia cầm. Lượng trứng gia cầm cần bán là 130.000 quả. Các sản phẩm này chủ yếu ở Đông Triều, Tiên Yên, Công ty TNHH Phú Lâm…

Về sản phẩm thủy sản thương phẩm cần bán, tỉnh có 1.780 tấn cá biển, chủ yếu ở Vân Đồn và Cẩm Phả; 17.000 tấn nhuyễn thể, chủ yếu ở Vân Đồn; có 235 tấn tôm và 2.650 tấn cá nước ngọt.

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hiện ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương Hải Dương đang khẩn trương nhiều biện pháp như: Kết nối với các doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa cho các đơn vị trong quá trình thu mua. Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các đơn vị khi đi qua các chốt kiểm soát dịch thực hiện nghiêm các quy định đảm bảo phòng, chống dịch. 

Vận chuyển cà rốt về nơi sơ chế tại vùng sản xuất chuyên canh Cà rốt huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).

Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Dương cho biết, Chi cục đang tích cực kết nối doanh nghiệp, thương lái có năng lực tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi hoặc có cơ sở giết mổ lưu thông tiêu thụ trên thị trường. Đơn vị cũng đã chủ động kế hoạch, huy động tối đa kiểm dịch viên hỗ trợ các chốt thực hiện tiêu độc, khử trùng cho người và phương tiện chuyên chở gia súc, gia cầm, sản phẩm chăn nuôi.

Đối với các mặt hàng nông sản là rau, củ, quả, bà Lương Thị Kiểm cho biết, ngành nông nghiệp đã có hướng dẫn người dân khi sản xuất và thu hoạch trong giai đoạn hiện nay đều đảm bảo sức khỏe, tuân thủ đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách. Nông sản sau khi thu hoạch đóng vào bao và đưa lên xe vận chuyển về nhà máy sơ chế. Các lái xe vận chuyển nông sản được mặc quần áo bảo hộ, không tiếp xúc gần với nông dân, xe được phun khử trùng…

Xe vận tải vào vùng dịch thu mua nông sản tại Hải Dương đều được phun khử trùng.

Theo ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Nông thôn Hải Dương, những ngày qua, Hải Dương đã kịp thời chỉ đạo vừa quyết liệt phòng, chống dịch vừa bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Ngành nông nghiệp đã, đang và tiếp tục liên hệ, kết nối các thương lái bên ngoài với các hợp tác xã trong tỉnh để tập trung thu hoạch nông sản.

Việc thu hoạch bảo đảm giãn cách, đảm bảo an toàn chất lượng từ khi thu hoạch đến khi đóng gói, xử lý an toàn thực phẩm trước khi đưa ra các địa bàn khác. Ngành nông nghiệp là chủ công phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát chặt chẽ đối với con người, phương tiện cả nơi cung ứng và nơi thu mua, tiến hành khử trùng, xử lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ vậy, đến nay, mặc dù khó khăn nhưng hàng hóa của Hải Dương đã cơ bản đã được lưu thông.

Sơ chế, đóng gói sản phẩm rau bắp cải tại Công ty TNHH Hưng Việt, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Đặc biệt, tại thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ban hành ngày 2/2, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh có văn bản đề nghị tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng tạo điều kiện trong vận chuyển hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm và tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và nông dân Hải Dương. Có phương án cấp logo cho các phương tiện của tổ chức, cá nhân trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch trong quá trình lưu thông...

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương Trần Hồ Đăng cũng đã có thư kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, thương lái và người dân trên địa bàn tỉnh Hải Dương hỗ trợ, mua đào để chia sẻ khó khăn với các hộ nông dân trồng đào. Đồng thời, tỉnh Hải Dương cũng đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các tỉnh thành xung quanh tạo điều kiện để cho nông sản và hàng hóa phục vụ Tết của Hải Dương được thông thương…

Chính quyền địa phương các cấp ở Hải Dương có sự hỗ trợ kịp thời để giải cứu đào Tết.

Ông Vũ Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hải Dương cho biết, nhằm đảm bảo việc lưu thông hàng hóa phục vụ nhân dân ứng phó dịch COVID-19, Sở Giao thông Vận tải Hải Dương vừa có hướng dẫn chi tiết về quy trình vận chuyển hàng hóa ra, vào khu vực phong tỏa, cách ly phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đối với những điểm cách ly tập trung, phải có khu vực riêng có mặt bằng rộng, thoáng để tập kết hàng hóa, nhu yếu phẩm ngoài cổng hoặc trong khu cách ly. Sau khi hàng hóa được tập kết tại khu vực này, xe và người vận chuyển đã di chuyển ra khỏi khu vực cách ly, các lực lượng bên trong khu cách ly mới được đến nhận hàng hóa. Để đảm bảo yêu cầu phòng dịch, người và phương tiện vận chuyển không được tiếp xúc với người trong khu vực cách ly y tế, bao gồm lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trong khu cách ly. Trong suốt hành trình vận chuyển, bốc dỡ hàng, lái xe, phụ xe, người bốc xếp hàng và phương tiện phải tuân thủ “5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế” của Bộ Y tế để phòng chống dịch.

Xe vận tải vào vùng dịch thu mua nông sản đều được phun khử trùng.

Đối với địa bàn đang phong tỏa, cách ly, chỉ cho phép người và phương tiện ở bên ngoài vào. Khi lái xe đến chốt kiểm dịch sẽ viết bản cam kết theo mẫu được cung cấp sẵn. Đồng thời, lái xe và người đi cùng sẽ được kiểm tra thân nhiệt; không được dừng đỗ xe trong quá trình từ chốt kiểm dịch đến nơi giao, nhận hàng và ngược lại. Quá trình giao, nhận hàng và đi ra khỏi chốt, phương tiện, lái xe và những người đi cùng phải tuân thủ “5K”.

Để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa được thông suốt trong bối cảnh Hải Dương đang thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã tăng cường tối đa nhân lực tại các chốt kiểm soát dịch bệnh.  

Nhờ sự nỗ lực đó của các cấp, các ngành, đến nay qua các kênh hỗ trợ của cơ quan thú y, Hải Dương đã tiêu thụ được 450.000 con gà đồi và 300 tấn cà rốt...

Hải Dương hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa dịch:

Tại Quảng Ninh, để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ nông dân, các hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các cơ quan, đơn vị và các đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh chia sẻ và tích cực giúp đỡ nông dân trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đảng viên, đoàn viên, hội viên của các tổ chức, đơn vị thành viên ưu tiên đưa các sản phẩm nông sản cùa tỉnh vào thực đơn các bữa ăn tại các bếp ăn của đơn vị, cơ quan, gia đình.

UBND tỉnh đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc Phòng) chỉ đạo các đơn vị thành viên có kế hoạch cụ thể về nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm (số lượng từng sản phâm tiêu thụ hàng ngày, quy cách sản phẩm...) đặc biệt là các sản phẩm như: Hàu Thái Bình Dương, hàu cửa sông, ngao 2 cùi, trứng gà... để thống nhất đầu mối tiêu thụ sản phẩm tại địa phương.

Hàng chục chủ phương tiện, lái xe vận tải đến UBND huyện Vân Đồn đề nghị được đăng ký phương tiện để lưu thông qua vùng dịch.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh để chiêu thương, quảng bá các sản phẩm tới các khu công nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn tỉnh để thống nhất kể hoạch cụ thể về nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm làm đầu mối cung - cầu cho toàn bộ các sản phẩm đến khi ổn định được tình hình. Đồng thời, chủ trì làm việc với các trung tâm thương mại lớn, các chợ đầu mối để thống nhất phương án kế hoạch tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương làm việc với UBND các địa phương có sản lượng nông sản lớn; các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn và các đơn vị có đủ điều kiện, năng lực chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp để thống nhất phương án tổ chức sơ chế, cấp đông đối với các sản phẩm: Hàu Thái Bình Dương, hàu cửa sông ngao 2 cùi và tôm nuôi trên địa bàn tỉnh và nắm bắt nhu cầu cần hỗ trợ từ phía các cơ sở sàn xuất, sơ chế, chế biến nông sản.

Xe chở hàng hóa thông quan qua cầu Bắc Luân II, thành phố Móng Cái.

Để tạo điều kiện các phương tiện hàng hóa lưu thông qua vùng dịch, UBND tỉnh  Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo cho phép các phương tiện vận tải hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất được phép hoạt động nhưng phải kiểm soát và duy trì số lượng người trên phương tiện theo quy định phòng chống dịch.

UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chính quyền các địa phương chỉ đạo các chốt kiểm soát thực hiện cho phép tất cả các phương tiện vận tải đang chuyên chở hoặc đi nhận hàng (bao gồm hàng hóa các loại, nguyên vật liệu phục vụ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh) được phép đi qua các chốt kiểm soát với các tỉnh ngoài và các chốt kiểm soát nội tỉnh (trừ phương tiện xuất phát từ các vùng bị phong tỏa do có dịch).

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị các cơ quan, đơn vị và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai đẩy mạnh bán hàng trực tuyến, hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh; chia sẻ và tích cực giúp đỡ nông dân trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản. 

Để phòng chống dịch bệnh, các dịch vụ mua sắm trực tuyến, điểm bán hàng thiết yếu trên địa bàn được khuyến khích mở rộng để phục vụ nhân dân nhằm hạn chế tối đa việc tụ tập đông người tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Hệ thống siêu thị Vinmart Quảng Ninh đẩy mạnh bán hàng hàng từ xa qua website, tổng đài; đồng thời, đưa ra khuyến mại mỗi hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên được miễn phí chuyển hàng trong bán kính 5km; nhân viên của đơn vị trực tiếp đi giao hàng tận nơi; thời gian hoạt động từ 8h đến 21h/ngày; thời gian vận chuyển từ 2 - 4h (tùy theo đơn hàng trong ngày).

Hệ thống siêu thị GO! Hạ Long cũng có nhiều ưu đãi như: cung cấp trang Facbook “Giao hàng BigC”, “GO!&Big C App”; trong đó, mỗi hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên được miễn phí chuyển hàng trong bán kính 10 km; ngoài 10 km theo quy định, thì mỗi một km tính thêm 5.000 đồng/km đối với phương tiện vận chuyển bằng xe máy và 20.000 đồng/km đối với phương tiện vận chuyển bằng ô tô. 

Đo, kiểm tra thân nhiệt cho người vào chợ Cột 3, thành phố Hạ Long.

Các hệ thống siêu thị, điểm bán lẻ khác cũng có nhiều ưu đãi, khuyến mại lớn, tăng cường mua bán online, giao hàng nhằm giúp người dân mua hàng thuận tiện, đặc biệt ưu tiên các mặt hàng nông sản.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn có 10.833 điểm kinh doanh mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm, sản phẩm OCOOP phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán.

Hội Nông dân Quảng Ninh cũng ra văn bản số 422/CV-HNDT ngày 4/2 về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã lên danh sách, địa chỉ các sản phẩm nông nghiệp cần hỗ trợ tiêu thụ trong dịp Tết và đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người lao động… trên địa bàn tỉnh ưu tiên lựa chọn, sử dụng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được nuôi trồng, chế biến, sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Bốc xếp hàng hóa tại bãi kiểm hóa Tân Đại Dương, cửa khẩu quốc tế Móng Cái, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh.

Trước đó, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Quảng Ninh cũng có có thư kêu gọi các tập thể, cá nhân ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực tới đời sống dân sinh, sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trên địa bàn.

Thành Đoàn Hạ Long cũng đã vào cuộc giúp người dân tiêu thụ nông sản, các đoàn viên thanh niên đã sử dụng các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook của các đơn vị Đoàn và cá nhân mỗi đoàn viên thanh niên nhằm thông tin rộng rãi về tình hình các sản phẩm nông sản của nhân dân trên địa bàn thành phố cần tiêu thụ trước dịp Tết Nguyên đán để người dân nắm được và đặt mua sản phẩm.

Từ đây, Thành Đoàn và đoàn thanh niên các xã, phường trực tiếp tham gia vận chuyển, phân phối và giao hàng đến từng địa chỉ cho khách hàng đặt mua nhằm đảm bảo nghiêm túc các quy định an toàn về phòng, chống dịch bệnh. Tính đến ngày 5/2, các đoàn viên đã hỗ trợ tiêu thụ 2 tấn ngô cho người dân xã Dân Chủ và 1.000 con gà cho người dân xã Tân Dân với tổng trị giá trên 280 triệu đồng.

Thu hoạch rau an toàn tại Gia Lai.

Tại Gia Lai, trước tình cảnh người nông dân trên địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19 gây ra, ngành nông nghiệp tỉnh đã có kế hoạch ứng phó, hỗ trợ người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 2/2/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai vừa ban hành kế hoạch đảm bảo việc thu mua, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trong vùng dịch COVID-19.

Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, cây trồng, vật nuôi, thủy sản đến thời kỳ thu hoạch phải tổ chức thu hoạch, sơ chế, chế biến và tiêu thụ. Do đó, các nhà máy chế biến như nhà máy đường, nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhà máy chế biến rau hoa quả... phải đảm bảo hoạt động liên tục để thu mua chế biến hết nông sản cho nông dân, hợp tác xã.

Việc vận chuyển nông sản ra vào vùng dịch phải được lưu thông, đảm bảo việc tiêu thụ cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, một mặt đảm bảo cung cấp lương thực cho vùng dịch COVID-19.

Hàng hóa được bày bántại các siêu thị ở Gia Lai.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các siêu thị có giải pháp thu mua, tiêu thụ hết nông sản tươi sống cho nông dân, hợp tác xã ở vùng dịch COVID-19.

Cùng đó, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai cũng có kế hoạch kéo dài thời gian thu hoạch nông sản, chờ qua dịch COVID-19 tiếp tục thu hoạch, vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo quản: bảo quản khô, bảo quản lạnh nhằm tạm trữ nông sản chưa tiêu thụ được trong giai đoạn hiện nay, tránh phát sinh rủi ro, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, đối với các mặt hàng hoa và rau, củ, hàng tươi sống mà nông dân đầu tư phục vụ Tết, tỉnh Gia Lai sẽ có kế hoạch vận động cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị mua ủng hộ cho người dân nhằm giảm bớt thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra trên địa bàn. Đặc biệt, sẽ ưu tiên vận động mua ủng hộ các mặt hàng không kéo dài thời gian thu hoạch như hoa, rau.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang chịu tác động bất lợi do dịch COVID-19, đặc biệt các mặt hàng rau quả, trái cây có sản lượng lớn, đến vụ thu hoạch gặp khó khăn đầu ra cả về xuất khẩu lẫn tiêu thụ trong nước, nhất là tại một số địa phương đang trong vùng dịch. Do vậy, để kịp thời triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 1 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh và các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 31 tháng 1 năm 2020; Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành công thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh COVID-19.

Lực lượng Thú y phun hóa chất tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển gia cầm đến tiêu thụ tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Cùng với đó, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh và các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ tết; vận động, yêu cầu các doanh nghiệp cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu, nhất là khi trên địa bàn xảy ra dịch bệnh.

Bộ Công Thương cũng lưu ý các đơn vị đánh giá nguồn cung, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh; có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh và cho các khu vực phải thực hiện cách ly; có phương án về phối hợp hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho các địa phương khác khi cần thiết. Đặc biệt, Sở Công Thương các tỉnh và các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước cần phối hợp các đơn vị chức năng trên địa bàn, triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, bảo đảm các phương tiện vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân được lưu thông thông suốt.

Người dân mua sắm hàng hóa chuẩn bị cho Tết Tân Sửu 2021 tại siêu thị Big C Thăng Long, Hà Nội.

Các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị lớn có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống; phối hợp với các địa phương điều phối, cung ứng hàng hóa liên tỉnh để kịp thời cung cấp hàng hóa cho các địa phương thiếu hàng.

Ngoài ra, để nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và người dân trên địa bàn, Bộ đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan chủ động liên hệ và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, Sở Công Thương thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác tổ chức, nhất là từ nay đến cuối năm 2021.

Tìm giải pháp gỡ khó lưu thông nông sản:

Bài: Mạnh Minh - Hồng Điệp - Uyên Hương - Văn Đức - Đức Hiếu 
Ảnh: TTXVN, TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

09/02/2021 09:30