Nữ hành khách đó là bà Trần Thị Sửu 71 tuổi - nữ hành khách cao tuổi duy nhất đăng ký chuyến bay lần này. Các hành khách còn lại đều đang ở độ tuổi đôi mươi, hầu hết là các sinh viên tham gia chương trình tu nghiệp sinh nông nghiệp tại Israel. Một số người khác là cán bộ Việt Nam sang đây công tác. Tất cả đều có một điểm chung: Sang nước ngoài làm việc và học tập, nay hết thời hạn cần phải trở về nước nhưng các hãng hàng không đều ngừng bay thương mại. Họ tìm đến Đại Sứ quán Việt Nam tại Israel (ĐSQ) để đăng ký chuyến bay bảo hộ công dân do Bộ Ngoại giao và Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tổ chức.

Luôn có mặt bên cạnh bà Sửu để hỗ trợ thủ tục và hành lý là một người mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân. Chị Trần Thị Thảo - Bí thư thứ 3 phụ trách lãnh sự của ĐSQ - cho biết: Đây là chuyến bay bảo hộ công dân thứ 2 do ĐSQ thực hiện trong năm 2020. Ngoài thành phần chủ yếu là tu nghiệp sinh còn có một số người Việt từ các nước lân cận, trong đó có bà Sửu đang làm việc tại Jordan và 6 kỹ sư đang làm việc tại Oman. Trong bối cảnh dịch COVID-19, các công dân này gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, xin visa sang Israel, đặt vé… nên Sứ quán phải cử người trực tiếp hỗ trợ họ ở tất cả các khâu, để có thể lên chuyến bay trở về nước.

 

Lời tâm sự của nữ hành khách đặc biệt của chuyến bay mang số hiệu VN5090 của Vietnam Airlines Trần Thị Sửu tại khu cách ly phòng dịch COVID-19 sau khi trở về Việt Nam.

 

Trò chuyện với phóng viên, bà Sửu cho biết: Từ Jordan sang Israel là cả một hành trình phức tạp, thậm chí là không thể nếu không có sự giúp đỡ của các cán bộ Sứ quán. Rời Việt Nam sang Jordan theo hợp đồng 4 năm dạy học cho người nước ngoài, nhưng mới được 15 tháng thì xảy ra dịch bệnh COVID-19, công việc của bà buộc phải tạm dừng kể từ tháng 9/2020. Tại Jordan, Việt Nam chưa có Đại sứ quán, bà đã tìm mọi cách để đặt vé máy bay về nước thông qua các ngả Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Saudi Arabia… Tất cả đều vô vọng, vì chỗ thì không thể xin visa, nơi thì không thể mua vé, chỗ thì quá nhiều rủi ro. Mấy tháng liền một mình nơi đất khách, visa sắp hết hạn, dịch bệnh hoành hành. Tình cờ vào trang thông tin của ĐSQ Việt Nam tại Israel, biết sắp tới có chuyến bay đặc biệt đón công dân về nước, bà thử liên hệ tìm cơ may và nhận được hồi đáp. ĐSQ thông báo sẽ nỗ lực hết sức để làm các thủ tục giúp bà trở về nước.

Nhưng khó khăn chưa dừng lại ở đó. Từ Jordan sang Israel không có chuyến bay, bà Sửu chỉ còn một lựa chọn là đi bằng đường bộ đến biên giới, rồi qua cửa khẩu vào lãnh thổ Israel, từ đó đi tiếp về Tel Aviv. Rất nhiều “chướng ngại vật” mới lại xuất hiện: Israel đã ngừng cấp visa thông thường do dịch COVID. Nếu có visa, phải có người của ĐSQ Việt Nam bảo lãnh và đón tại cửa khẩu, rồi đưa thẳng ra sân bay Ben Gurion. Trên đường đi xe không được phép dừng, người hộ tống không được phép rời bà một bước. Sau này bà Sửu kể lại, với những điều kiện khắt khe như vậy, mọi hy vọng được trở về Việt Nam với bà đã tắt ngấm.

 

Công dân Việt Nam phấn khởi làm thủ tục lên tàu bay về nước.

 

Bà Sửu không hề biết rằng, lúc đó, tại ĐSQ Việt Nam tại Tel Aviv không khí cũng đang vô cùng khẩn trương. Công tác chuẩn bị cho chuyến bay thông thường phải khởi động trước hàng tháng, trở nên căng thẳng, nóng bỏng vào những ngày giờ cuối cùng trước chuyến bay. Toàn bộ nhân lực của Sứ quán được huy động để phối hợp làm việc với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao,Vietnam Airlines cũng như các cơ quan chức năng phía Israel để hoàn tất các thủ tục cho chuyến bay. Hơn 240 công dân Việt Nam khác đã đặt vé đang mong ngóng ngày trở về. Chỉ cần hỏng một khâu là cả chuyến bay có thể bị hoãn hoặc hủy, hệ lụy sẽ là những tình huống nan giải.

 

Các em sinh viên quây quần hát bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" trước khi lên máy bay.

 

Nhóm 6 kỹ sư làm việc tại Oman cũng vướng phải những thủ tục vô cùng phức tạp không kém bà Sửu. Dịch bệnh đang hoành hành ở Oman, công việc theo hợp đồng đã hết. Việc xin visa cho 6 kỹ sư cũng không dễ dàng do Israel và Oman không có quan hệ ngoại giao. Thông qua vận động của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, phía Israel đã đồng ý cấp visa quá cảnh thời hạn 6 tiếng tại sân bay Ben Gurion cho 6 kỹ sư, với điều kiện phải có cán bộ của ĐSQ đón và “tháp tùng” trong suốt thời gian quá cảnh. Nếu không thể lên máy bay vì cả lý do chủ quan hoặc khách quan, lúc đó họ quay trở lại Oman cũng không được mà ở lại Israel cũng không xong. Rất có thể nhóm 6 kỹ sư sẽ trở thành những người cư trú bất hợp pháp.

Xem clip kỹ sư làm việc tại Oman tâm sự về những khó khăn do dịch COVID-19:

Tại một cuộc họp nhanh với toàn thể cán bộ nhân viên, Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng xác quyết chủ trương: Bằng mọi cách phải đưa được hết các công dân mắc kẹt về nước.

 

Mọi thủ tục cho bà Sửu và 6 kỹ sư tại Oman đã hoàn tất. Hai cán bộ được cử đi đón bà Sửu tại cửa khẩu biên giới giữa Israel với Jordan và đưa thẳng đến sân bay Ben Gurion. Một cán bộ đón nhóm kỹ sư đến từ Oman. Những người còn lại ở ĐSQ phân chia thực hiện các thủ tục với các cơ quan trong nước; đồng thời làm việc với Bộ Ngoại giao, cơ quan di trú, an ninh và các cơ quan khác của Israel. Nhờ sự quyết tâm về chủ trương, linh hoạt trong hành động của tập thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán và sự phối hợp tốt từ phía bạn, mọi thủ tục được hoàn thành kịp thời hạn.

Niềm vui ánh lên trong mắt các em sinh viên tại sân bay, vì hành trình trở về quê hương đang đến rất gần. Trong lúc chờ lên máy bay, các em đã xếp thành vòng tròn với lá cờ Tổ quốc ở vị trí trung tâm và hát vang bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Đúng 21 giờ 55 phút, thứ Ba, ngày 22/12/2020, khi toàn bộ 244 hành khách cùng chuyến bay mang số hiệu VN5090 của Vietnam Airlines cất cánh từ sân bay quốc tế Ben Gurion, toàn bộ cán bộ nhân viên ĐSQ Việt Nam tại Tel Aviv mới thở phào nhẹ nhõm.

Đại sứ Đỗ Minh Hùng cho biết: Câu chuyện kể lại thì nhanh, nhưng với toàn thể cán bộ nhân viên ĐSQ khi đó, mỗi phút dài như cả tiếng đồng hồ. Tâm trạng ai nấy đều rất căng thẳng, nhất là khi phải chờ đợi phía bạn xác nhận một đề nghị nào đó. Israel là quốc gia rất đặc thù, mọi chuyến bay đều phải qua một điểm kiểm tra an ninh với những thủ tục rất phức tạp theo yêu cầu của phía Israel trước khi bay vào lãnh thổ nước này. Việt Nam và Israel chưa có đường bay thẳng, lại đang thời điểm nhiều dịch vụ công tạm ngừng do dịch bệnh; các thủ tục hàng không với cả hai phía đều là “lần đầu tiên”. Khi chuyến bay VN5090 không đủ thủ tục an ninh, phía Israel có đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Israel phải có thư bảo lãnh thì mới duyệt cấp phép bay.

Đại sứ Đỗ Minh Hùng  chia sẻ về thăm hỏi, động viên tu nghiệp sinh về nước trên chuyến bay bảo hộ công dân.

“Thời gian gấp rút, không thể nghĩ nhiều. Tôi chỉ tâm niệm một điều rằng phải thực hiện bằng được chuyến bay để đưa công dân ta về nước. Hơn nữa Việt Nam là một điểm đến an toàn, Vietnam Airlines là hãng hàng không có tiếng ở khu vực, thủ tục an ninh hoàn toàn đáp ứng các điều kiện của phía Israel. 60 sinh viên Việt Nam sắp sang Israel trên chuyến bay đều là những công dân tốt. Niềm tin đó đã giúp tôi giải tỏa được tâm lý trước khi đặt bút ký”, Đại sứ Đỗ Minh Hùng tâm sự.

Xem clip niềm vui của các bạn sinh viên khi được về nước:

Có được những quyết định kịp thời và chính xác là nhờ ĐSQ luôn xác định một phương châm xuyên suốt, đó là công tác cộng đồng luôn được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, bên cạnh các hoạt động thúc đẩy quan hệ ngoại giao, thương mại, xúc tiến đầu tư, kết nối địa phương và doanh nghiệp, giao lưu văn hóa…

Ngoài cộng đồng người Việt khoảng 500 người đang sinh sống và làm việc ổn định, hàng năm có khoảng 600 sinh viên Việt Nam sang học tập và làm việc ngắn hạn tại 4 trung tâm hợp tác nông nghiệp lớn của Israel. Trong sự kiện “Tết cộng đồng” năm 2020, lần đầu tiên ĐSQ đã mời đoàn văn nghệ từ trong nước sang biểu diễn, để lại ấn tượng hết sức sâu sắc, tốt đẹp với cộng đồng người Việt. Một số bà con cảm động tâm sự với cán bộ Đại sứ quán “lần đầu tiên sau hơn 40 năm định cư ở Israel mới được trực tiếp xem các tiết mục văn nghệ truyền thống của đất nước ta”.

 

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các chuyến bay thương mại ra vào Israel bị tạm ngừng. Ba tháng trước khi các em hết hạn hợp đồng và visa, Đại sứ đã đến từng trung tâm để thăm hỏi, tìm hiểu và được biết các em đều có nguyện vọng được trở về nước đúng thời hạn. “Nguyện vọng của các em là chính đáng, không ai có quyền ngăn cản. Sứ quán sẽ làm hết sức để xúc tiến tổ chức chuyến bay”. Nhờ có sự chuẩn bị từ rất sớm, trong năm 2020, ĐSQ đã thực hiện thành công hai chuyến bay, đưa toàn bộ 584 sinh viên Việt Nam tại Israel về nước đúng thời hạn. So với các địa bàn khác, số lượng chuyến bay và số công dân được đưa về nước không nhiều. Nhưng với đặc thù Israel là địa bàn chiến tranh, thường xuyên diễn ra căng thẳng về an ninh, việc tổ chức ổn thỏa 2 chuyến bay và đáp ứng được toàn bộ nguyện vọng về nước của công dân là một thành công rất lớn của ĐSQ trong công tác bảo hộ công dân trong năm 2020.

“Nguyện vọng của các em là chính đáng, không ai có quyền ngăn cản. Sứ quán sẽ làm hết sức để xúc tiến tổ chức chuyến bay” - Đại sứ Đỗ Minh Hùng khẳng định.

Trở lại câu chuyện của bà Trần Thị Sửu. Trò chuyện với chúng tôi từ khu vực cách ly dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, sau một chuyến bay an toàn, giọng bà không giấu nổi niềm xúc động chỉ chực vỡ òa. Những ngày tháng sống trong âu lo ở nước ngoài đã qua, sắp tới sẽ là thời gian sum vầy cùng gia đình trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu. Tất cả với bà cứ như một giấc mơ. Những người bạn nước ngoài khi nghe chuyện đều nói rằng không thể tin nổi bà có thể lên được một chuyến bay trong tình hình dịch bệnh như vậy. Trong câu chuyện, bà cứ nhắc đi nhắc lại câu: “Cuộc đời cô đã đi nhiều chuyến bay, nhưng chuyến bay vừa rồi là kỳ diệu nhất mà cô sẽ không bao giờ quên”.

Đáp ứng được toàn bộ nguyện vọng về nước của công dân là một thành công rất lớn của Đại sứ quán trong công tác bảo hộ công dân.

 

Chắc hẳn, với chủ trương xuyên suốt “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong công tác bảo hộ công dân của Đảng và Nhà nước; với tinh thần trách nhiệm và nhân văn của các cán bộ, nhân viên ĐSQ Việt Nam ở nước ngoài, những “điều kỳ diệu” như vậy sẽ tiếp tục diễn ra trên “mảnh đất hình chữ S”.

Bài: Vũ Hội
Ảnh: Quang Minh, Vũ Hội (trong bài có sử dụng ảnh tư liệu do ĐSQ Việt Nam tại Israel cung cấp)
Trình bày: Đăng Tuệ Thy

16/01/2021 06:32