Việt Nam là một trong những điểm sáng hiếm hoi của thế giới trong cuộc chiến phòng, chống các làn sóng bùng phát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 suốt 1 năm qua. Ở đó, hơn lúc nào hết, việc triển khai kịp thời các phong trào thi đua đã huy động hiệu quả sức mạnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và người dân đẩy lùi sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ra những hậu quả nặng nề với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, ra sức thi đua phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lực lượng y tế, quân đội, công an và các lực lượng liên quan, khẩn trương vào cuộc, ngày đêm bám trụ ở tuyến đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Các đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đội ngũ y, bác sĩ, quân đội, công an không quản ngại ngày đêm, trực tiếp đương đầu với dịch bệnh trong các bệnh viện, khu cách ly tập trung… để chữa trị cho bệnh nhân và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều chiến sĩ quân đội, cán bộ y tế gác lại việc riêng, “ăn lán, ngủ rừng”, bám địa bàn tiếp tục làm nhiệm vụ. Họ đã trở thành những “lá chắn thép nơi tuyến đầu”, nỗ lực không mệt mỏi vì sức khỏe và sự bình yên của nhân dân.

Riêng ngành y tế, với vai trò xung kích, đi đầu, Bộ Y tế phát động Phong trào thi đua “Ngành Y tế chung tay phòng, chống dịch COVID-19” nhằm kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong ngành Y tế phát huy tinh thần yêu nước, cùng đồng lòng, đoàn kết, thể hiện ý chí của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến đấu và quyết tâm chiến thắng đại dịch.

Tiết mục nghệ thuật chào mừng Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Thực tế cho thấy, trong cuộc chiến chống COVID-19 suốt từ đầu năm 2020 đến nay, các chiến sĩ áo trắng luôn thể hiện ý chí không ngại khó khăn gian khổ, kiên cường đứng vững ở tuyến đầu chống dịch. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngành Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành cùng các tỉnh thành phố triển khai sớm các biện pháp phòng, chống dịch theo chiến lược “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng triệt để - dập dịch quyết liệt và điều trị”, kết hợp với nguyên tắc “4 tại chỗ” vốn lâu nay đã chứng minh được tính hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh và phòng chống thiên tai.

Các cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân lập thành công virus SARS-CoV-2.

Trên khắp cả nước, hàng vạn thầy thuốc đã không quản nguy hiểm tới tính mạng, trực tiếp có mặt tại các điểm nóng như những ổ dịch, các cơ sở điều trị, các phòng thí nghiệm, các trung tâm cấp cứu… Song song với đó là một đội ngũ không nhỏ lặng lẽ bền bỉ đóng góp công sức trong các hoạt động không kém phần quan trọng như chỉ đạo và điều phối chống dịch, phục vụ hậu cần, thuốc men, trang thiết bị và truyền thông… Những ổ dịch được nhanh chóng được khống chế, số lượng ca mắc chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với quy mô dân số, tất cả các bệnh nhân nặng được điều trị bình phục… là những thành tích chống dịch COVID-19 nổi bật của Việt Nam trong giai đoạn 1 được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Khi đợt dịch thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng trong bối cảnh cả nước đang khẩn trương triển khai chủ trương mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế” của Chính phủ, ngành Y tế đã thực hiện một việc chưa từng có tiền lệ. Bộ Y tế thành lập Sở chỉ huy tiền phương chống dịch tại Đà Nẵng và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn ngành với lực lượng trên 1.000 cán bộ y tế trong đó có 300 thầy thuốc là những chuyên gia đầu ngành trong công tác phòng chống dịch và điều trị để hỗ trợ, phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và hoàn thành việc dập dịch dứt điểm trong chưa đầy 40 ngày, cứu được tính mạng của nhiều bệnh nhân nặng.

Ngành Y tế dồn lực hỗ trợ, chia sẻ với Đà Nẵng trong xét nghiệm, truy vết, dập dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trong quá trình đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương thầy thuốc bằng tinh thần trách nhiệm và đức hy sinh của mình tô đẹp thêm truyền thống của ngành. Hình ảnh về sự tận tụy của người thầy thuốc trong hoạt động chống dịch COVID-19 đã được khắc ghi trong lòng người dân cả nước…

Báo cáo thành tích điển hình tiên tiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trước thềm Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, chiều 9/12, TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, ngay từ khi xuất hiện dịch COVID-19 (từ đầu tháng 2/2020), Bệnh viện đã xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh đối với Việt Nam và thế giới. Việc phòng, chống dịch bệnh, điều trị cho bệnh nhân là rất khó khăn, phức tạp. Vừa điều trị, vừa tìm tòi phác đồ phù hợp, đòi hỏi phải tập trung trí tuệ, có sự quyết tâm, đồng lòng cao của toàn thể cán bộ, viên chức, nhân viên y tế bệnh viện.

Đợt dịch thứ nhất, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận và điều trị 170 bệnh nhân dương tính với SARS-COV-2.

Với nhiệm vụ đảm bảo cách ly kịp thời các ca nghi nhiễm, ca nhiễm; chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, phù hợp với từng người bệnh; chăm sóc toàn diện, hiệu quả; hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do COVID-19 gây ra, Bệnh viện đã xây dựng và thực hiện kịch bản “chống dịch như chống giặc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng và thực hiện Kế hoạch đáp ứng với tình hình, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.

"Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm người bệnh COVID-19, với nhiều bệnh nhân có diễn biến phức tạp, bệnh cảnh nặng nề, tưởng như không còn hy vọng cứu chữa nhưng đã được cứu sống. Tất cả bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh, hồi phục và ra viện", Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.

Đợt dịch thứ 2, ngày 29/7/2020, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đón đoàn lao động từ Guinea Xích Đạo với 120 ca dương tính, trong đó 2 ca đã phải thở oxy.

Cũng theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai sớm các biện pháp điều trị, phòng chống dịch rất mạnh mẽ và hiệu quả theo chiến lược “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng triệt để - dập dịch quyết liệt và điều trị”. Hàng trăm thầy thuốc và nhân viên y tế bệnh viện đã không quản nguy hiểm tới tính mạng, để lại gia đình và cuộc sống đời thường, ngày đêm trực tiếp có mặt tại các điểm nóng ở bệnh viện cũng như tại các ổ dịch, các cơ sở điều trị, phòng thí nghiệm, các trung tâm cấp cứu theo sự điều động của lãnh đạo bệnh viện, của Bộ Y tế.

Bệnh viện đã cùng ngành y tế nhanh chóng dập tắt dứt điểm các ổ dịch, tất cả các bệnh nhân nặng được điều trị bình phục, đưa những người bệnh nặng từ cõi chết trở về với gia đình, cộng đồng, xã hội. Từ đó, góp phần tạo dựng niềm tin yêu của nhân dân đối với Ngành Y tế.

Khởi động tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người:

Đáng nói, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp mà thế giới và Việt Nam chưa có phác đồ điều trị chuẩn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là cơ quan tham mưu cho Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quy trình chẩn đoán, phác đồ điều trị phù hợp trên tinh thần vừa thực hiện, vừa nghiên cứu, đảm bảo đáp ứng tốt nhất trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Đến nay, các quy trình chẩn đoán, phác đồ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 được áp dụng thành công, có giá trị khoa học cao.

Đồng hành cùng lực lượng y tế, thời gian qua, những người lính bộ đội cụ Hồ đã làm tốt nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài, nhất là các sân bay, cửa khẩu, đường mòn, lối mở... Mỗi cán bộ, chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch đều xác định, đây là nhiệm vụ thiêng liêng, không quản ngại gian khổ mà quyết tâm hoàn thành.

Những người lính quân hàm xanh cực Tây Tổ quốc (tỉnh Điện Biên) không quản khó khăn, ngày đêm tuần tra, bám chốt, quyết tâm phòng, chống dịch COVID-19.

Việt Nam có đường biên giới đất liền dài hơn 5.000 km, bờ biển dài 3.260 km; có 37 cửa khẩu cảng; 117 cửa khẩu biên giới đất liền và 88 lối mở biên giới. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam áp dụng biện pháp hạn chế, tạm dừng nhập cảnh; cách ly tập trung với trường hợp nhập cảnh. Tuy nhiên, tình trạng xuất nhập cảnh trái phép qua các tuyến biên giới đất liền diễn biến phức tạp. Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, xử lý hàng chục nghìn trường hợp nhập cảnh trái phép. Các đường dây, tổ chức nhập cảnh trái phép với phương thức, thủ đoạn mới nên quá trình điều tra, xác minh, xử lý còn gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; ban hành Nghị quyết chuyên đề về thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường lực lượng quản lý, bảo vệ và phòng, chống dịch trên các tuyến biên giới; xây dựng kế hoạch tiếp nhận công dân Việt Nam trở về nước; điều chỉnh đáp ứng từng cấp độ dịch; tăng cường biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh với đường dây đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép…

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cát Hải tuần tra kiểm soát quản lý người và phương tiện ra, vào tại địa bàn.

Đặc biệt, ngay sau khi phát hiện 21 đối tượng người Trung Quốc có dấu hiệu nhập cảnh trái phép bị bắt giữ, khởi tố ngày 25/7, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thành lập và thường xuyên duy trì 1.608 tổ, chốt với gần 9.800 người; đồng thời, điều động tăng cường lực lượng, phương tiện từ tuyến sau cho các tuyến biên giới.

Bên cạnh kiểm soát chặt chẽ biên giới; siết chặt tuần tra, kiểm soát đường mòn, lối mở; ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, lực lượng Bộ đội Biên phòng duy trì thực hiện nghiêm công tác kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu; phân luồng xuất nhập cảnh, thực hiện tiếp nhận công dân Việt Nam tại các cửa khẩu; hướng dẫn kê khai y tế; kiểm tra thân nhiệt; thống kê, phân loại, bàn giao cách ly theo quy định…

Đấu tranh quyết liệt với đường dây, tổ chức đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép, Bộ đội Biên phòng đã triển khai kế hoạch nghiệp vụ, xác lập đấu tranh chuyên án; khởi tố, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý hàng chục vụ việc tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk tổ chức tuần tra cơ động trên tuyến biên giới nhằm ngăn chặn xâm nhập trái phép.

Đồng thời, Bộ đội Biên phòng phối hợp các lực lượng giải quyết nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích ngoại giao, công vụ, các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, lưu học sinh Lào, Campuchia và lý do nhân đạo khẩn cấp…

Về công tác cách ly tập trung, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo Biên phòng địa phương khảo sát các điểm có thể sử dụng làm khu cách ly tập trung, đảm bảo trang thiết bị, vật chất sẵn sàng đáp ứng tiếp nhận trên 5.000 người, thậm chí khi có tình huống cao hơn...

Bên cạnh sự nỗ lực hết mình của các y, bác sĩ và các chiến sĩ áo xanh, tại các địa phương, phương châm “bốn tại chỗ” cũng đã huy động tính chủ động, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền; hệ thống chính trị cơ sở cùng vào cuộc làm tốt các nhiệm vụ chống “giặc COVID-19”. Các lực lượng chức năng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để xác định nguy cơ dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng chống kịp thời.

Nhờ được Tổ COVID-19 cộng đồng thường xuyên nhắc nhở, các hộ dân đã tự giác tuân thủ quy định phòng chống COVID-19.

Điển hình, trong đợt cao điểm chống dịch COVID-19 của Việt Nam tại Đà Nẵng, tháng 7/2020, gần 15.000 mô hình “Tổ COVID-19 cộng đồng” tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị… đã trực tiếp tham gia vào công tác phòng chống dịch tại thực địa. Các tổ có nhiệm vụ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch chủ động tại từng hộ gia đình; là cầu nối công tác phòng, chống dịch của chính quyền, ngành Y tế và nhân dân.

Như tại Hải Dương, nhằm tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, từ ngày 21/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập ngay các tổ "Giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng" gọi tắt là "Tổ COVID cộng đồng" ở tất cả các khu dân cư trong toàn tỉnh.

Tổ COVID cộng đồng là cầu nối chủ động của chính quyền địa phương và ngành y tế đến với nhân dân, làm cho người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch. Qua Tổ COVID cộng đồng để nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân và những vấn đề nảy sinh tại cộng đồng để chính quyền và trạm y tế tuyến xã có xử lý và điều chỉnh kịp thời.

Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Ca, Tổ trưởng Tổ dân phố 22 ,phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, kiểm tra thân nhiệt cho một hộ gia đình.

Theo đó, mỗi Tổ COVID cộng đồng bao gồm 2 thành viên là cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và tình nguyện viên tại khu dân cư. Tùy theo từng điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40 - 50 hộ gia đình theo danh sách cụ thể. Hàng ngày, các thành viên trong tổ có nhiệm vụ "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" nhằm tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng chống dịch.

Khi làm nhiệm vụ, thành viên của Tổ COVID thăm hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc COVID-19 được phát hiện tại các hộ gia đình có các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, cảm cúm, ốm mệt hoặc đau ngực, khó thở… để cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời. Đồng thời, phát hiện những người đi từ vùng dịch về để báo cáo chính quyền địa phương; trợ giúp việc truy vết F1, F2 khi có ca bệnh liên quan đến địa bàn phụ trách. Tổ cũng có trách nhiệm phát hiện những trường hợp không tự giác khai báo, không chấp hành quy định cách ly để báo cáo Ban chỉ đạo cấp xã, các cấp có thẩm quyền.

Trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và các quốc gia trên thế giới, nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch COVID-19, tháng 3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao biểu trưng ủng hộ đợt 1 từ các tin nhắn ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 cho Bộ Y tế.

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đồng tâm hiệp lực, tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua, huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các cấp, ngành, địa phương, nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch. Cả nước đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Phong trào “Toàn dân ủng hộ phòng chống dịch bệnh COVID-19”, đã huy động được sự đóng góp, ủng hộ bằng tiền và hiện vật trị giá 2.105 tỷ đồng. Các tổ chức, đoàn thể, cá nhân đã có nhiều sáng kiến, hành động cụ thể, thiết thực, góp phần phòng, chống dịch bệnh.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trên cả nước tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Từ những cháu bé đến cụ già trên 100 tuổi đã mang những đồng tiền dành dụm được để ủng hộ chống dịch. Tiêu biểu, Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt (97 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh) tự may khẩu trang để tặng người nghèo; hai chị em Nguyễn Minh Anh (14 tuổi), Nguyễn Minh Quang (4 tuổi) ở Hòa Bình hay cậu bé Lê Minh Tuệ (7 tuổi, Hà Nội) dành toàn bộ tiền tiết kiệm để ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19… Bên cạnh đó, các mô hình “ATM gạo”, “ATM khẩu trang”, “Siêu thị 0 đồng”, “Quầy hàng thực phẩm 0 đồng”, “Chợ nhân đạo”... là những phong trào thiết thực, giúp đỡ cho những người nghèo trong giai đoạn khó khăn.

Góp sức cùng toàn xã hội phòng, chống dịch COVID-19, Hội đồng Đội thành phố Hà Nội đã triển khai rộng khắp phong trào “Chiến sỹ nhí Thủ đô diệt COVID-19” tới các cơ sở Đội, Liên đội, phụ huynh học sinh, giáo viên làm Tổng phụ trách, thiếu nhi Thủ đô, kêu gọi chung tay làm tấm chắn ngăn giọt bắn tặng các y, bác sỹ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu phòng, chống dịch. Ngay sau khi phát động, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khắp các cơ sở trong thành phố. Nhiều tấm gương thiếu nhi Thủ đô với tinh thần “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, hăng hái tham gia, góp một phần nhỏ bé để đẩy lùi dịch COVID-19.

Các mô hình “ATM gạo”, “ATM khẩu trang”, “Siêu thị 0 đồng”... là những phong trào thiết thực, giúp đỡ những người nghèo trong giai đoạn khó khăn.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đồng bào ta ở nước ngoài và người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam đã tích cực đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, công sức, kinh nghiệm, tinh thần cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Các địa phương, doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động kinh tế, xã hội. Hàng triệu công nhân, nông dân vẫn miệt mài lao động sản xuất, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhân dân. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học kịp thời đổi mới phương thức làm việc bảo đảm hoạt động bình thường, hiệu quả...

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tiếp nhận ủng hộ từ Đại diện các tổ chức Hội và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trao ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của nhân dân cả nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp đã đề ra, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hỗ trợ kịp thời nhiều nước trong phòng chống dịch.

Đánh giá cao những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới, cộng đồng quốc tế nhận định, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá, thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19 minh chứng điển hình của một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác.

Thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh thể hiện sự quyết tâm cao, ý chí thống nhất, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong đó, các phong trào thi đua cụ thể, thiết thực góp phần thể hiện sức mạnh đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của toàn dân tộc. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được củng cố vững chắc; khẳng định tính ưu việt của hệ thống chính trị và bản chất tốt đẹp của chế độ; đồng thời tạo môi trường an toàn để cả nước tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế, xã hội, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Không chủ quan, lơ là, hình thức trong phòng dịch COVID-19:

Nhóm phóng viên TTXVN - Hà Phương (tổng hợp)
Ảnh, đồ họa: TTXVN; Video: Vnews
Trình bày: Quốc Bình

13/12/2020 05:30