Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đã "tấn công" mọi ngóc ngách, chi phối mọi khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội trên toàn thế giới, biến 2020 thành năm khó khăn, thử thách chưa từng có đối với cộng đồng quốc tế.

Có thể nhiều năm sau, thế giới sẽ còn nhắc tới 2020 như một năm hết sức đặc biệt. Và cụm từ “chưa từng có tiền lệ” sẽ là điều đọng lại trong suốt năm thế giới chung sống với đại dịch COVID-19.

Trong làn sóng dịch thứ nhất, có thể nói thế giới đã đi từ bất ngờ, chủ quan với những quan điểm “miễn dịch cộng đồng” giai đoạn đầu sang chủ động ứng phó hơn. Hầu hết các nước đã chống dịch bằng những biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có tiền lệ như phong tỏa, giới nghiêm, đóng cửa biên giới… với hy vọng có thể chặn đứng đà lây lan của virus. Lần đầu tiên, những cuộc đoàn tụ không có bắt tay và ôm hôn, những thỏa thuận được ký qua màn hình...Thế giới cũng thay đổi cách tiếp cận “mạnh ai nấy làm”, kỳ thị và chia rẽ sang những hành động chia sẻ và đoàn kết trong đại dịch.

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe một bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Ảnh: AP

 

Khi Trung Quốc phải hủy bỏ các lễ hội đón Tết Nguyên Đán Canh Tý và phong tỏa Vũ Hán ngày 23/1/2020 do sự xuất hiện của một chủng virus corona mới, khó ai có thể ngờ đến tận những ngày cuối tháng 12 này, chính con virus nhỏ bé đã có tên là SARS-CoV-2 vẫn khiến hầu hết các sự kiện đón Giáng sinh 2020 và Năm mới 2021 không thể diễn ra như thông lệ ở các nước châu Âu và Mỹ. Giống như thành phố 11 triệu dân Vũ Hán lần đầu tiên trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trước thềm Tết Nguyên Đán, “Giáng sinh phong tỏa” là chuyện chưa từng có tiền lệ của châu Âu, bởi ngay cả trong hai cuộc chiến tranh thế giới, đêm Noel vẫn có lệnh ngừng bắn.

Nhân viên vệ sinh phun thuốc khử trùng tại một khu chợ ở Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Điều khiến người ta bất ngờ nhất về virus SARS-CoV-2 là tốc độ lây lan đáng báo động. Ngày 11/3, thời điểm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, chủng virus lần đầu được nhắc tới cuối năm 2019 này đã tấn công khắp các châu lục, với hơn 121.500 người nhiễm và ít nhất 4.370 ca tử vong. Mất hơn 3 tháng từ khi dịch xuất hiện đến khi thế giới ghi nhận 1 triệu ca (ngày 3/4), nhưng chỉ gần 3 tháng sau tốc độ lây lan tăng gấp 10, lên 10 triệu ca (ngày 28/6). Từ mốc 10 triệu lên 20 triệu là 6 tuần (ngày 10/8 ), nhưng từ mốc 50 triệu ca (ngày 8/11) lên 60 triệu ca chưa đến 3 tuần (ngày 25/11) và từ 60 triệu lên 70 triệu chỉ còn 15 ngày (ngày 11/12).

 

COVID-19 là dịch bệnh không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, giới tính, trình độ, giai cấp, quốc tịch. Những nguyên thủ như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro… đều không miễn nhiễm. “Tâm dịch” thế giới từng gọi tên Trung Quốc thời gian đầu, nhanh chóng chuyển sang Italy, Tây Ban Nha ở châu Âu hồi cuối tháng 3, rồi Iran, Ấn Độ ở châu Á, Brazil, Mexico ở châu Mỹ. Siêu cường hàng đầu thế giới Mỹ là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất. Ca mắc đầu tiên ở Mỹ được phát hiện ngày 20/1 là một người từ Vũ Hán trở về, đến ngày 27/3, Mỹ vượt qua Trung Quốc trở thành nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới và từ đó luôn đứng đầu danh sách này, cả về số ca mắc lẫn tử vong. Nếu liệt kê những “dấu mốc” của đại dịch thì không nước nào qua mặt Mỹ: là quốc gia đầu tiên ghi nhận mốc 100.000 ca mắc, 1 triệu ca, 10 triệu ca, rồi 100.000 ca mắc mới trong một ngày, mốc 50.000 rồi 1 triệu ca tử vong. Đến thời điểm này, cứ trung bình 4 ngày Mỹ ghi nhận thêm 1 triệu ca mắc mới và số ca tử vong mỗi ngày hơn 3.000. COVID-19 đã trở thành cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ của nước Mỹ với trên 18,2 triệu ca mắc và hơn 324.000 ca tử vong.

Khi chỉ còn một tuần nữa là bước sang Năm mới 2021, số ca nhiễm toàn cầu vượt 78 triệu, trong đó hơn 1,7 triệu ca tử vong. Ảnh: Reuters

 

Khi chỉ còn một tuần nữa là bước sang Năm mới 2021, hầu như cả thế giới đã trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai, nhiều nước ở làn sóng thứ ba và có nơi trong làn sóng thứ tư, số ca nhiễm toàn cầu vượt 78 triệu, trong đó hơn 1,7 triệu ca tử vong, sự xuất hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Anh buộc thế giới thừa nhận đây sẽ là một cuộc chiến dài hơi.

Cả một năm thế giới gồng mình chống dịch, chỉ có một số ít quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá là “điểm sáng”. Nhưng như tuyên bố của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, với đại dịch COVID-19 “không ai được an toàn cho tới khi tất cả được an toàn”. Giới khoa học mô tả đại dịch COVID-19 bao phủ Trái Đất như một đám cháy rừng ngày càng lan rộng, chỉ cần một điểm lửa vẫn âm ỉ thì sớm muộn gì cũng sẽ xuất hiện các đám cháy bùng phát tại các địa điểm khác. Hỏa hoạn chỉ qua đi khi tất cả các đám cháy đều được dập tắt. Điều này lý giải cho các đợt bùng phát dịch mới ngay ở những nơi từng là “điểm sáng” chống dịch, lý giải cho “Giáng sinh phong tỏa” của năm 2020.

Đại dịch COVID-19 được ví như một “cú đấm chí mạng” với sức tàn phá ghê gớm giáng vào nền kinh tế thế giới năm 2020. 12.000 tỷ USD là mức thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu nếu GDP giảm từ 4,4-4,9% trong năm nay như nhiều định chế tài chính dự báo. Còn nếu rơi vào suy thoái lâu dài, con số này có thể lên 82.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Dù chưa phải là tính toán cuối cùng, đây vẫn là mức tổn thất lớn chưa từng có đối với kinh tế toàn cầu kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai. Còn thực tế, chưa một con số nào đong đếm được chính xác tác động khi mà khoảng 35% số doanh nghiệp toàn cầu bên bờ vực phá sản và hàng trăm triệu người mất việc do COVID-19.

Người dân xếp hàng nhận đồ hỗ trợ tại ngân hàng thực phẩm La Jornada ở quận Queens, New York, Mỹ. Ảnh: New York Post.

Thế giới từng hy vọng năm 2020 kinh tế sẽ khởi sắc với “cú hích” thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một. Nhưng đại dịch COVID-19 xuất hiện ngay đầu năm đã trở thành “sát thủ vô hình” đẩy nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong giai đoạn phục hồi mong manh sa lầy vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Chưa bao giờ mọi hoạt động kinh tế - xã hội từ công nghiệp, giao thông vận tải đến các lĩnh vực dịch vụ, vui chơi giải trí... kéo theo lực lượng lao động ước tính hơn 3 tỷ người đồng loạt bị ảnh hưởng. Kinh tế thế giới bỗng chốc “bốc hơi” hàng nghìn tỷ USD, kéo theo là nhiều thành quả gây dựng trong nhiều năm “đội nón ra đi”.

 

Việc các nước buộc phải áp đặt những biện pháp phong tỏa và đóng cửa biên giới để khống chế dịch đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến tất cả các khâu của quá trình tái sản xuất - phân phối - trao đổi - tiêu dùng vốn được liên kết trên cấp độ thế giới, rơi vào tình trạng tê liệt. Thương mại toàn cầu đình trệ, làn sóng doanh nghiệp phá sản lan khắp thế giới, dẫn tới tình trạng thất nghiệp tăng vọt.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chỉ trong 4 tháng đầu năm, đã có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu (khoảng 3,3 tỷ người) chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Trong quý II/2020, số giờ làm việc trên thế giới đã giảm 6,7%, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian. Lao động giảm, thu nhập của người lao động cũng giảm mạnh, dẫn đến giảm nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ, kích hoạt làn sóng vỡ nợ trên phạm vi toàn cầu do nợ vay tiêu dùng quá hạn thanh toán tăng vọt tại một số nước khi tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.

Chưa hết, đại dịch COVID-19 còn làm giảm tổng cầu trên thị trường dầu mỏ thế giới, gây đổ vỡ các hợp đồng kinh tế; thu hẹp hoặc làm mất đi cơ hội kinh doanh vi mô và vĩ mô; tăng rủi ro cho cổ phiếu và trái phiếu của cả các doanh nghiệp lớn, nhỏ. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, GDP toàn cầu đã giảm 15,6%, lớn gấp 4 lần so với năm 2008, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.

Máy bay thương mại của hãng hàng không Delta Air Lines xếp kín tại sân bay Birmingham-Shuttlesworth (Alabama, Mỹ). Ảnh: Reuters

 

Hàng không có lẽ là ngành hứng cú đánh mạnh nhất của COVID-19, thua lỗ nặng và sa thải ồ ạt trở thành “cơn ác mộng” của hàng không toàn cầu. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) gọi 2020 là năm tồi tệ nhất cùa ngành hàng không thế giới khi lưu lượng hành khách đi lại cả năm ước tính giảm 66% so với năm ngoái, khiến doanh thu giảm hơn 60%.

Năm 2020, lần đầu tiên hàng chục nền kinh tế đồng loạt rơi vào suy thoái do COVID-19. Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Italy, Australia, Brazil, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia…, những cái tên vẫn đang nối dài. Các nước cũng đồng loạt tung ra các gói kích thích cùng nhiều biện pháp tiền tệ và cho vay khẩn cấp để giải cứu nền kinh tế. Tổng trị giá các gói hỗ trợ của Mỹ hay Nhật Bản thậm chí lên tới 20% GDP.

Nhân viên khử trùng tại Italy ngày 17/3 - 8 ngày sau khi quốc gia châu Âu này áp đặt lệnh phong tỏa vì tình trạng các ca mắc COVID-19 gia tăng không kiểm soát. Ảnh: Getty Images

Cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu có thể rất lớn, song mới chỉ là phần nổi nhìn thấy được của tảng băng chìm. Những tác động xã hội, hay nói cách khác là những biến động trong cuộc sống con người trên toàn cầu trong “kỷ nguyên” COVID-19 không chỉ nặng nề, mà còn để lại hệ quả lâu dài cho nhiều thế hệ.

Đại dịch COVID-19 có thể coi là cú đòn hiểm hóc nhằm vào lộ trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc (LHQ), đặc biệt là mục tiêu cơ bản nhất: giảm đói nghèo.

COVID-19 đã làm suy kiệt nguồn lực của những quốc gia nghèo nhất thế giới, hủy hoại những nỗ lực chống đói nghèo mà thế giới đã vất vả đạt được những năm qua. Trong báo cáo tổng kết năm 2020, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thừa nhận thế giới có thêm khoảng 100 triệu người bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo và đây cũng là lần đầu tiên chỉ số nghèo đói trên toàn cầu tăng kể từ năm 1998. 

Một giáo viên làm việc tại nhà ở Arlington (Mỹ) vào ngày 1/4 khi các trường bắt buộc giảng dạy theo hình thức trực tuyến. Ảnh: AFP

Giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu hệ lụy nặng nề nhất khi đại dịch tạo ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục lớn nhất trong lịch sử, ảnh hưởng tới gần 1,6 tỷ học sinh - sinh viên (chiếm khoảng 94%) toàn thế giới. 

Cuộc khủng hoảng dịch bệnh khiến thế giới phải chứng kiến tình trạng thất học, bạo lực, lao động trẻ em, nạn tảo hôn, mang thai ở tuổi vị thành niên và suy dinh dưỡng… tăng mạnh, đặc biệt ở trẻ em châu Phi, mà LHQ gọi đây là tình trạng khẩn cấp về giáo dục. Về dài hạn, do tình trạng không được tới lớp và tỉ lệ bỏ học tăng cao, thế hệ học sinh hiện tại có nguy cơ mất khoản 10 tỷ USD thu nhập trong tương lai, tương đương 10% GDP toàn cầu.

 

Nếu như COVID-19 gây ra tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu tồi tệ nhất mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO)  phải đối mặt, thì những hệ lụy lâu dài của đại dịch đối với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn cầu còn khủng khiếp hơn cản trở quyền tiếp cận dịch vụ y tế của hàng triệu người. Một khảo sát do WHO tiến hành tại hơn 100 quốc gia cho thấy COVID-19 tác động nhiều nhất tới dịch vụ tiêm chủng định kỳ (70%), tiếp đó là kế hoạch hóa gia đình (68%), chẩn đoán và điều trị ung thư (55%). COVID-19 đang làm đình trệ hầu hết các chiến dịch tiêm chủng định kỳ trên toàn cầu.

Trong đại dịch COVID-19, áp lực kinh tế và xã hội cùng với các biện pháp hạn chế di chuyển đã làm tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực gia tăng từ 30% - 300%. 

Ngay cả đời sống tinh thần của con người cũng chịu tác động của đại dịch. Không chỉ hoạt động đi lại, giao tiếp bị đình trệ do các biện pháp hạn chế chống dịch, lĩnh vực văn hóa-thể thao, vốn thu hút hàng triệu người tham gia, hầu như “đóng băng”…. Đại hội Thể thao thế giới Olympic Tokyo 2020 phải lùi một năm (tới ngày 23/7/2021), tương tự là Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2020) và Giải vô địch bóng đá Nam Mỹ Copa America. Lần đầu tiên trong lịch sử 124 năm tồn tại, giải chạy marathon lâu đời nhất thế giới - Boston Marathon – bị  hủy Giải đua xe Công thức 1 (F1) đã không thể tổ chức chặng đua tại Hà Nội (Vietnam Grand Prix), tại Thượng Hải (Trung Quốc) hay Melbourne (Australia)...

COVID-19 làm đảo lộn cuộc sống của tất cả mọi người trong năm 2020. 

 

Các sự kiện văn hóa lớn, từ lễ trao các giải thưởng như Nobel, Oscar, Quả cầu Vàng, Emmy… hay các buổi biểu diễn nghệ thuật đều phải thay đổi. Virus SARS-CoV-2 cũng đã "khóa chặt" các rạp chiếu phim trên thế giới từ giữa tháng 3/2020. Tới nay, vẫn còn tới 64% các rạp chiếu ở Bắc Mỹ - thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới - đang đóng cửa. 

Có thể ví COVID-19 như một cơn địa chấn làm chao đảo xã hội, tác động mạnh tới nhiều khía cạnh cuộc sống của con người, để lại những hệ lụy nặng nề, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế và dễ bị tổn thương. 

"Nó thực sự là niềm hy vọng của mọi người". Chia sẻ này không chỉ của đội ngũ y tế và người dân Anh – quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn và tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech, mà từ khắp mọi nơi. 

Cụ bà Margaret Keenan, 90 tuổi, người đầu tiên trên thế giới được tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 do hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp bào chế, có lẽ sẽ không thể nào quên thời khắc vén tay áo đón nhận mũi tiêm đã trông đợi suốt gần 1 năm qua. Mũi tiêm vào lúc 6h31’ sáng 8/12 dành cho cụ Keenan tại một bệnh viện địa phương ở Coventry, chẳng khác nào một bước chuyển lịch sử trong cuộc chiến chống COVID-19, báo hiệu bình minh xua tan sự u ám của đại dịch ở “xứ sở sương mù”, bởi virus SARS-CoV-2 đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng của hơn 61.000 người dân nước này. Ngoài Anh, Canada, Mỹ, Thụy Sĩ và Sinhgapore cũng đã chính thức cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech.

 

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định vaccine ngừa COVID-19 sẽ là “công cụ duy nhất có thể đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD” thiệt hại kinh tế. Tổ chức Eurasia ước tính việc tiếp cận được vaccine phòng COVID-19 trên quy mô toàn cầu có thể mang lại cho 10 nền kinh tế lớn ít nhất 153 tỷ USD cho tài khóa 2020-2021 và 466 tỷ USD cho đến năm 2025.

Chính vì vậy, một cuộc đua nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa COVID-19 và thuốc điều trị đã nhanh chóng được khởi động ở cấp độ toàn cầu ngay từ tháng 1/2020, khi Trung Quốc công bố dữ liệu giải trình tự gene virus SARS-CoV-2. Hàng nghìn nhà khoa học, hàng tỷ USD đã và đang được đổ vào cuộc đua được đánh giá là “vô tiền khoáng hậu” này. Thông thường, để phát triển được một loại vaccine phòng bệnh cần từ 10 đến 15 năm, loại vaccine được bào chế nhanh nhất trong lịch sử là vaccine phòng quai bị cũng phải mất tới 4 năm.

Tuy nhiên, trước sức tàn phá của virus SARS-CoV-2, ngay trong năm nay, ít nhất 187 loại vaccine phòng COVD-19 đã và đang được phát triển trên khắp thế giới. Vaccine của Pfizer/BioNTech là loại được nhiều nước phê chuẩn nhất và sử dụng để triển khai tiêm chủng đại trà, song Nga mới là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép lưu hành vaccine COVID-19. Tháng 8 vừa qua, Nga đã cấp phép lưu hành vaccine Sputnik V, do Viện Gamaleya của nước này phát triển. Sau gần 3 tháng thử nghiệm giai đoạn cuối, Nga thông báo hiệu quả của vaccine Sputnik V lên tới 95% và bắt đầu tiêm chủng đại trà cho người dân từ đầu tháng 12. 

Nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Tel Aviv, Israel, ngày 20/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Một loạt vaccine tiềm năng khác cũng đang cho kết quả thử nghiệm tiềm năng, trong đó có sản phẩm do hãng dược phẩm AstraZeneca cùng Đại học Oxford (Anh) bào chế và vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc). Không chỉ các nước phát triển, một loạt quốc gia đang phát triển, trong đó có Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, cũng đang tham gia tích cực vào cuộc đua phát triển vaccine này với mục tiêu có thể sản xuất vaccine từ đầu năm tới. Chính điều này đã và đang tiếp thêm tinh thần lạc quan về khả năng sớm khống chế được đại dịch

Những “tin vui” liên tiếp về vaccine mang lại hy vọng cho thế giới. Nhiều nước, đặc biệt là các nước giàu, đã không ngại ngần “rút hầu bao” đặt mua vaccine. Liên minh châu Âu (EU) đã chi tới hơn 10 tỷ USD để đảm bảo nguồn cung vaccine cho 447 triệu người. Mỹ cũng không ngại bỏ tới 9 tỷ USD, Nhật Bản dành 66,5 tỷ USD mua để sở hữu “vũ khí” chống virus  SARS-CoV-2.

 

Tuy nhiên, cùng với hy vọng, thế giới lại đang đối mặt với vấn đề phân phối vaccine công bằng, khi mà “chủ nghĩa dân tộc về vaccine” đã xuất hiện. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres lưu ý rằng lợi ích tốt nhất của thế giới là phải đảm bảo tiêm chủng vaccine rộng rãi, bởi nếu dịch bệnh không bị đẩy lùi, sẽ lại có những biến thể virus mới và những loại vaccine hiện nay có thể sẽ không còn phát huy tác dụng tốt.

Tuy nhiên, WHO cũng khẳng định chỉ riêng việc tiêm vaccine sẽ không thể đẩy lùi được COVID-19, mà chỉ là bổ sung một công cụ quan trọng và sắc bén cho hệ thống các công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch này. Hơn nữa, virus SARS-CoV-2 vẫn không ngừng biến thể, mà mới nhất là biến thể VUI-2020/12/01 vừa được phát hiện ở Anh và cũng đã xuất hiện ở một số nước châu Âu. Điều đó có nghĩa thế giới không thể trông cậy quá nhiều vào vaccine mà vẫn phải triển khai quyết liệt tất cả các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần cảnh giác và trách nhiệm cao nhất.

 

Biên tập: Thùy Dương

Trình bày: Hồng Hạnh

24/12/2020 09:00